Bộ trưởng Trần Đại Quang: Chống buôn lậu phải bằng hành động

19/11/2014 13:36
THEO CAND
(GDVN) - Nói kiên quyết chống buôn lậu là phải bằng hành động thực tế, tránh hô hào, để thành công cần hiểu hoàn cảnh, tâm tư, tình cảm của những người chống buôn lậu.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng ngày 17 và 18/11, đại biểu Quốc hội đề cập tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, cho rằng các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng phòng chống và đạt được kết quả bước đầu, tuy nhiên hiện trạng vẫn diễn biến phức tạp, gây thất thu thuế và tác động tiêu cực tới sản xuất kinh doanh. Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Công thương cho biết giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi thực trạng này. 

Nội dung này cũng được đại biểu chuyển đến Bộ trưởng Bộ Công an. Tuy nhiên, do thời gian chất vấn tại Quốc hội có hạn, Bộ trưởng Trần Đại Quang chưa có điều kiện để trả lời tại hội trường những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái... Chiều 18/11, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã trao đổi với phóng viên Báo CAND về một số nội dung trọng tâm.

Bộ trưởng Trần Đại Quang trao đổi với các đại biểu bên lề kỳ họp.
Bộ trưởng Trần Đại Quang trao đổi với các đại biểu bên lề kỳ họp.

- Thưa Bộ trưởng, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan chức năng trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái… Trong chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an, Bộ trưởng có thể đánh giá thêm về vấn đề này?

Đây là vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Tại Quốc hội, một số đại biểu đã có chất vấn và Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời cụ thể. Đối với Bộ Công an, đây cũng là một trong những công tác trọng tâm. Thời gian qua, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và các ngành chức năng đấu tranh với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và đã thu được những kết quả tích cực ban đầu. Số lượng các vụ buôn lậu giảm so với năm 2013, góp phần chống thất thu thuế, ổn định thị trường, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước phát triển. Thông qua công tác đấu tranh cũng đã kịp thời phát hiện và kiến nghị khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý Nhà nước về vấn đề này. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp cả tuyến đường bộ, đường không và đường biển.

- Được biết, Bộ Công an đã chỉ đạo bóc gỡ, làm rõ nhiều đường dây buôn lậu có quy mô lớn, bắt giữ các đối tượng cầm đầu, các mắt xích khác trong đường dây, điều tra, chuyển cơ quan tiến hành tố tụng truy tố, xét xử nghiêm trước pháp luật. Điều này cho thấy sự quyết tâm của lực lượng Công an, góp phần ổn định an ninh kinh tế?

Bộ trưởng Trần Đại Quang: Chống buôn lậu phải bằng hành động ảnh 2CATP. Hồ Chí Minh "ỉm" đơn tố cáo vụ chuyển 1 triệu đô la Singapore?

(GDVN)-Có đơn tố cáo Tổng giám đốc Yee Lip Chee thông qua ngân hàng chuyển trái phép 1 triệu đô la Singapore từ Việt Nam về nước nhưng PC46 CATP lại "ỉm" luôn.

Điều này có thể thấy rõ qua những thông số như: Năm 2014, lực lượng Công an nhân dân phát hiện, xử lý 9.683 vụ buôn lậu với 8.599 đối tượng. Đáng chú ý, đã phá nhiều đường dây, tổ chức buôn lậu lớn, nhất là tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp. Điển hình như vụ công ty Hoàng Sơn buôn lậu hơn 1.600 tấn dầu DO trên biển, trị giá trên 31 tỷ đồng; đã khởi tố 5 bị can. Vụ công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp buôn lậu 7.610 tấn dầu DO, trị giá 8 triệu USD, đã khởi tố 15 bị can. Vụ công ty Xăng dầu Lào Cai buôn lậu 2.655 tấn dầu DO, trị giá 2,3 triệu USD, đã khởi tố 03 bị can. Vụ buôn lậu hàng trăm nghìn tấn than tại Quảng Ninh, đã khởi tố 6 bị can. Vụ buôn lậu 70 tấn thuốc bắc từ của khẩu Chi Ma, Lạng Sơn về xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội)...

Việc bóc gỡ, điều tra, xử lý nghiêm các đường dây, tổ chức buôn lậu lớn có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự kiên quyết, sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng Công an và các lực lượng chức năng khác, vừa đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung, vừa góp phần ổn định thị trường, chống thất thu thuế, ổn định sản xuất, kinh doanh trong nước…

- Thực tế đấu tranh, triệt phá các vụ án buôn lậu cho thấy, loại tội phạm này đang có xu hướng mở rộng ra nhiều mặt hàng, chủng loại khác nhau, trong khi đó một số cơ chế, chính sách chậm được sửa đổi khiến tội phạm buôn lậu lợi dụng. Có thể nhìn nhận thực tế này ra sao, thưa Bộ trưởng?

Đúng như vậy, ngoài xăng dầu, khoáng sản nêu trên, nhiều loại mặt hàng khác cũng là mục tiêu của tội phạm buôn lậu như gỗ (phổ biến là những loại gỗ có chênh lệch giá cao giữa trong và ngoài nước); ô tô, các thiết bị điện tử, viễn thông (trong đó có các loại thiết bị nghe nhìn bí mật); rượu, bia, đường, thuốc lá, thực phẩm, hoa quả, đồ chơi trẻ em (trong đó có nhiều loại mang tính bạo lực); tân dược, dược liệu, phân bón… Đáng chú ý, nhiều đối tượng đã lợi dụng buôn lậu để vận chuyển trái phép ma túy, ngoại tệ qua biên giới. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này là lợi dụng sơ hở trong việc quản lý đi lại qua biên giới (các đường tiểu mạch), lợi dụng chính sách tạm nhập, tái xuất, lợi dụng chính sách cư dân biên giới được miễn hàng hóa qua biên giới (với số lượng đến 2 triệu đồng/người/ngày) để thuê họ vào việc vận chuyển hàng lậu.

Công an Sóc Trăng bắt giữ một vụ hàng nhập lậu
Công an Sóc Trăng bắt giữ một vụ hàng nhập lậu

- Có ý kiến chỉ rõ, việc để tội phạm lợi dụng cho thấy còn những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các lực lượng?

Đó cũng là một thực tế, trong đánh giá tình hình, Bộ Công an cũng luôn nhìn thẳng vấn đề này. Rõ ràng, mặc dù công tác phối hợp đấu tranh giữa các lực lượng chức năng (Công an, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển) đã có nhiều cố gắng, đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là trong trao đổi thông tin, phòng ngừa, phát hiện bắt giữ, điều tra, xử lý tội phạm buôn lậu nhưng có những thời điểm, tại một số địa bàn chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao, nhất là ở một số địa bàn xung yếu ở biên giới. Bộ Công an cùng các cơ quan chức năng sẽ có đánh giá đầy đủ hơn về công tác này, làm rõ nguyên nhân, đưa ra các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế, đảm bảo sự hiệp đồng tác chiến ngày càng hiệu quả hơn.

- Ở trên, Bộ trưởng có đề cập những kẽ hở trong cơ chế, chính sách pháp luật khiến tội phạm buôn lậu lợi dụng hoạt động. Vậy thời gian tới, Bộ sẽ chủ động tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ “trám” lỗ hổng này ra sao?

Để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần chống thất thu thuế cho Nhà nước, ổn định thị trường, tạo điều kiện sản xuất trong nước phát triển, Bộ Công an chủ động tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp đề cao trách nhiệm, tăng cường chỉ đạo phối hợp, triển khai đồng bộ các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nhân dân nâng cao nhận thức, thấy rõ tác hại của tội phạm buôn lậu và không tiếp tay, vận chuyển, mua bán các mặt hàng này. Nâng cao hiệu lực, công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này.

Bộ Công an phối hợp cơ quan chức năng kiến nghị khắc phục những kẽ hở trong cơ chế, chính sách pháp luật như quy định tạm nhập tái xuất, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất để buôn lậu; quy định về việc cư dân biên giới được mua hàng miễn thuế trị giá 2 triệu đồng/người/ngày (theo quyết định số 254 ngày 7/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ) để vận chuyển hàng lậu.

- Nhiều vụ án trộm cắp, chiếm đoạt tiền, tài sản qua thẻ tín dụng, thủ phạm đã sử dụng công nghệ là máy móc, thiết bị điện tử có nguồn gốc nhập lậu. Đây sẽ là vấn đề nóng được Bộ quan tâm xử lý?

Về vấn đề này, Bộ Công an đang chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục kịp thời tình trạng nhập các thiết bị điện tử, viễn thông, nghe nhìn bí mật. Bộ Công an đã phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành Nghị định quản lý việc nhập khẩu các loại thiết bị này. Đây chính là nguyên nhân xảy ra các vụ án lợi dụng công nghệ cao để trộm cắp thông tin, thẻ tín dụng để chiếm đoạt tiền, tài sản, nghe lén điện thoại, quay lén, chụp lén hình ảnh đưa lên mạng internet, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

- Ngoài những vụ buôn lậu thông thường thì đối với các đường dây buôn lậu lớn, đây là vấn đề dư luận quan tâm bởi có bóc gỡ được “cá lớn” thì mới đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung. Cùng với đó là đòi hỏi bản lĩnh của cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận đối mặt không ít cám dỗ. Bộ trưởng có thể chia sẻ gì về điều này?

Về phía lực lượng Công an, chúng tôi sẽ tăng cường chỉ đạo đấu tranh chống buôn lậu, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong quản lý Nhà nước, đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, đi sâu phát hiện, triệt phá các đường dây buôn lậu, các ổ nhóm vận chuyển hàng lậu qua biên giới. Chống buôn lậu phải không nề hà gian khó, đòi hỏi sự quyết tâm, sự gắng sức của cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận này. Khó ở đây còn là bản lĩnh để vượt lên thực tại bởi anh em làm nhiệm vụ chống buôn lậu, nhất là tại biên giới ngoài phải đối mặt nguy hiểm cả về địa hình, thời tiết thì phải có bản lĩnh để vượt qua cám dỗ đồng tiền bởi tội phạm buôn lậu dùng các thủ đoạn để có thể mua chuộc. Đương nhiên, đối với các vụ buôn lậu lớn, liên quan nhiều đối tượng, nhiều địa bàn, cần sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa nhiều lực lượng. Nhiều lần đi thực tế, thăm hỏi, chia sẻ cùng cán bộ, chiến sĩ, tôi thấu hiểu những thách thức, khó khăn trong chống buôn lậu. Để bóc gỡ được những đường dây buôn lậu lớn, đó là cả quá trình gian nan từ nắm tình hình, chỉ đạo đến triển khai kế hoạch thực hiện, có khi anh em phải rời gia đình hàng tháng để theo dõi, mật phục trong điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt, địa hình vùng biên hiểm trở, rồi sự đe dọa, hung hãn của đối tượng buôn lậu, kể cả dùng tác động của người có chức quyền hòng giải thoát... Cho nên, nói buôn lậu phức tạp, tinh vi, nói kiên quyết chống buôn lậu nhưng cần tránh hô hào, để thành công cũng cần hiểu hoàn cảnh, tâm tư, tình cảm của những người chống buôn lậu...

Tới đây, Bộ sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm buôn lậu, hàng giả. Chẳng hạn Điều 158, BLHS “tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi” nhưng đến nay chưa có hướng dẫn thế nào là “số lượng lớn”, “gây hậu quả nghiêm trọng”. Hay Điều 171 “tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” hiện chưa có hướng dẫn thế nào là “quy mô thương mại” nên việc định tội danh để xử lý hình sự đối với các hành vi quy định tại điều này gặp khó khăn…

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

THEO CAND