Bộ trưởng Trần Đại Quang cấm bức cung, mớm cung...

22/08/2014 08:10
Ngọc Quang
(GDVN) - Điều tra viên không được ăn uống, nhận quà, tiền hoặc lợi ích khác của bị can hoặc thân nhân, bạn của bị can,người bị tạm giữ hoặc người có liên quan đến vụ án

Nội dung quan trọng này được nêu rõ trong Thông tư số 28/2014/TT-BCA do Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành quy định trong công tác điều tra hình sự Công an Nhân dân có hiệu lực từ 25/8.

Điều tra viên chịu trách nhiệm nếu để lọt thông tin

Theo đó, cấm điều tra viên, cán bộ điều tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, không được tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và đơn, thư khiếu nại, tố cáo trái quy định hoặc không được Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan Điều tra phân công. Cấm tiếp thân nhân của bị can, người bị tạm giữ hoặc những người khác có liên quan ở bất cứ địa điểm nào, trừ trường hợp do yêu cầu nghiệp vụ thì phải được sự đồng ý của Thủ trưởng Cơ quan Điều tra.

Trường hợp bị can hoặc thân nhân, bạn của bị can, người bị tạm giữ tự động đến nhà của điều tra viên hoặc gặp gỡ điều tra viên ở ngoài trụ sở cơ quan công an thì phải giải thích, yêu cầu họ đến trụ sở làm việc, đồng thời phải báo cáo ngay cho cấp trên biết.

5 cựu điều tra viên công an tại Phú Yên ra tòa vì dùng nhục hình làm chết nghi can.
5 cựu điều tra viên công an tại Phú Yên ra tòa vì dùng nhục hình làm chết nghi can.

Thông tư cũng quy định, điều tra viên không được ăn uống, nhận quà, tiền hoặc lợi ích khác của bị can hoặc thân nhân, bạn của bị can, người bị tạm giữ hoặc người có liên quan đến vụ án. Nếu thân nhân, bạn của bị can, người bị tạm giữ và người có liên quan đến vụ án cố tình biếu, tặng quà, tiền hoặc các lợi ích khác, điều tra viên phải từ chối, báo cáo ngay việc này cho Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra để được chỉ đạo xử lý. Cấm nhờ vả, sách nhiễu hoặc cầu lợi dưới bất kỳ hình thức nào đối với bị can, người bị tạm giữ, thân nhân của họ.

Nghiêm cấm bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào. Không được cho người đang bị tạm giữ, tạm giam sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để liên lạc, trao đổi thông tin với người khác. Trừ trường hợp đặc biệt để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án thì phải được sự đồng ý của Thủ trưởng Cơ quan Điều tra.

Điều tra viên phải tiếp và làm việc với người bị triệu tập tại trụ sở cơ quan công an hoặc Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc của họ. Trường hợp điều tra viên cần tiếp và làm việc với người bị triệu tập ngoài trụ sở công an, Ủy ban xã phường hoặc cơ quan của họ phải được sự đồng ý của Thủ trưởng Cơ quan Điều tra.

Điều tra viên phải giữ bí mật điều tra vụ án theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc để lọt, lộ thông tin thuộc bí mật điều tra vụ án.

5 giải pháp chống bức cung, nhục hình

Trước đó tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13, Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng đã nêu rõ 5 biện pháp chống bức cung nhục hình:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về điều tra xử lý tội phạm, nhất là các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo cũng như tạo điều kiện trên thực tế để người bào chữa được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. Theo đó, Bộ cũng yêu cầu cơ quan điều tra và điều tra viên ngoài thu thập chứng cứ buộc tội phải chú trọng thu thập chứng cứ gỡ tội để có thể giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm và chuyên môn của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra và điều tra viên trong công tác điều tra phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Bộ Công an đang chỉ đạo thực hiện Đề án phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của lực lượng CAND.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo công tác điều tra xử lý tội phạm của cơ quan điều tra cấp trên đối với cơ quan điều tra cấp dưới. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với điều tra viên, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra có vi phạm trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự.

Điển hình là vụ việc một số cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Thạch Thất, Hà Nội đánh người bị tạm giữ dẫn đến tử vong ngày 22/6/2012, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP Hà Nội tước danh hiệu CAND đối với 7 cán bộ, chiến sĩ và khởi tố vụ án hình sự, điều tra truy tố trước pháp luật. Điều đó chứng minh chúng tôi xử lý rất nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Mới đây nhất, trong vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn (tỉnh Bắc Giang), ông Đặng Thế Vinh (trưởng phòng 10, Viện KSND tỉnh Bắc Giang) và ông Trần Nhật Luật (Thượng tá, Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã bị khởi, bắt giam để điều tra về hành vi cố tình "làm sai lệch hồ sơ vụ án” theo điều 300 Bộ luật Hình sự.

Thứ tư, với trách nhiệm là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Công an đang tích cực phối hợp với các bộ ngành có liên quan nghiên cứu soạn thảo báo cáo Chính phủ  trình Quốc hội ban hành Luật tổ chức điều tra hình sự theo đúng tiến độ thời gian để nhằm hoàn thiện một bước cơ sở pháp lý trong hoạt động tổ chức điều tra  hình sự. Đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay trong hoạt động điều tra hình sự.

Thứ năm, Bộ Công an đã có kế hoạch tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, chính trị, pháp luật, tâm lý, đạo đức cho đội ngũ điều tra viên để điều tra viên tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và của ngành Công an trong hoạt động điều tra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót vi phạm có thể xảy ra.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, những vụ án oan sai trên thực tế đã xảy ra, dẫu ít nhưng viện kiểm sát cũng có 5 việc cần phải làm: Thứ nhất phải kịp thời minh oan cho người bị oan; Thứ hai là tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ án, tìm ra thủ phạm; Thứ ba là triển khai trách nhiệm bồi thường theo quy định của luật; Thứ tư là xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra oan sai, sai đến đâu xử tới đó; Thứ năm là tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá nguyên nhân, ban hành các kiến nghị để khắc phục, nếu luật yếu thì sửa luật, nếu cán bộ yếu hoặc quá trình điều hành chỉ đạo có sai sót ở đâu thì xử lý ở đâu.

Ngọc Quang