"Bộ trưởng còn hiền quá"

13/06/2013 08:39
Võ Văn Thành/Tuổi trẻ
“Bộ trưởng còn hiền quá” - đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhận xét như vậy sau khi nghe Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát giải đáp chất vấn ông đưa ra.

Là một trong những đại biểu đầu tiên chất vấn trong phiên làm việc chiều 12-6, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu vấn đề: “Nông dân đang bị lỗ kép vì hai yếu tố là doanh thu của nông dân suy giảm trong khi chi phí đầu vào tăng. Bộ trưởng có giải pháp đột phá nào giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững và nông dân thoát nghèo?”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Tôi xin cảm ơn tình cảm của đại biểu Trần Hoàng Ngân...- Ảnh: VIỆT DŨNG
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Tôi xin cảm ơn tình cảm của đại biểu Trần Hoàng Ngân...- Ảnh: VIỆT DŨNG

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời giải pháp quan trọng có tính chất đột phá là triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. “Chúng tôi đã xây dựng đề án tái cơ cấu và Thủ tướng vừa mới phê duyệt” - ông Phát thông tin.

Giá xuống, thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng

Trước câu hỏi của đại biểu Ngân về quan điểm của bộ trưởng đối với sự cần thiết có gói hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người sản xuất nông nghiệp, ông Phát cho biết: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là lúa chín đầy đồng, trái cây nhiều, heo gà nhiều, cá tra nhiều nhưng thị trường gặp khó khăn nên giá xuống, thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng.

Mới đây sau khi Chính phủ có chủ trương cấp tốc mua 1 triệu tấn quy gạo ở đồng bằng sông Cửu Long thì giá lúa đã nhích lên. Chính phủ cũng đã chủ trương giao ngành ngân hàng tăng cường cấp tín dụng cho nông dân, chỉ đạo các bộ phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ các loại nông sản. Đó là trước mắt, còn lâu dài thì phải thực hiện các giải pháp nằm trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

“Câu này không phải câu hỏi”

Dù “tư lệnh” ngành nông nghiệp đã có văn bản trả lời chất vấn rất kỹ lưỡng gửi đến từng đại biểu Quốc hội, nhưng danh sách đăng ký chất vấn trực tiếp ông tại hội trường vẫn rất nhiều.

Đến lượt mình, đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (tỉnh Thái Bình) dành khá nhiều thời gian trình bày về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các tỉnh ven biển nói chung, trong đó có tỉnh Thái Bình, khiến Chủ tịch Quốc hội phải nhắc “đề nghị đại biểu đặt câu hỏi”. Tiếp đó, thay vì nêu thẳng câu hỏi, đại biểu Hoàn lại “kính mong bộ trưởng quan tâm hỗ trợ tỉnh nông nghiệp Thái Bình” trong việc xây dựng đê biển. Hội trường Quốc hội cười ồ lên khi Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng hóm hỉnh nhận xét: “Câu này không phải câu hỏi”!

V.V.THÀNH

Theo ông Phát, một mặt cần hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, mặt khác cũng phải đầu tư căn cơ cho việc nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cấp cơ sở hạ tầng để giúp nông dân sản xuất hiệu quả, “ví dụ như ở Bạc Liêu, Sóc Trăng đang muốn nhanh chóng cải thiện hạ tầng để phòng chống dịch bệnh cho ngành nuôi tôm”.

Nghe xong trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phát, đại biểu Trần Hoàng Ngân lại đăng ký đứng lên và đưa ra nhận xét: “Các ngành khác gặp khó khăn, ví dụ như lĩnh vực xây dựng thì đã tổ chức rất nhiều hội thảo, hội nghị sao cho việc đầu tư gỡ khó từ Nhà nước và cả xã hội được quan tâm hơn. Nhưng tiếng nói của ngành nông nghiệp còn nhẹ quá, mong bộ trưởng thể hiện sự mạnh mẽ hơn để hỗ trợ nông dân”.

Tiếp lời đại biểu Ngân, Bộ trưởng Phát nói: “Tôi xin cảm ơn tình cảm của đại biểu Trần Hoàng Ngân, bà con nông dân sẽ rất cảm kích trước lời đại biểu”. Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc “tư lệnh” ngành nông nghiệp cần trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào giải pháp để “nghe có khí thế” hơn.

Nông dân có thực lãi từ 30% trở lên?

Nhiều đại biểu tập trung chất vấn xung quanh chủ trương mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân. Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng Nhà nước bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để thực hiện việc mua tạm trữ, nhưng “lợi ích nằm ở phần gốc, còn nông dân nằm ở phần ngọn?”.

Bộ trưởng Phát nói đề xuất mua tạm trữ lúa gạo là biện pháp hỗ trợ thị trường chứ không phải là bao tiêu nông sản cho nông dân, lịch thu hoạch ở các tỉnh rất khác nhau nên không thể có một chương trình mua đáp ứng hết tất cả. Liên quan trực tiếp đến chủ trương mua tạm trữ thì việc hỗ trợ lãi suất là vào doanh nghiệp, nhưng nông dân được hưởng lợi ở chỗ giá lúa nâng lên.

Cụ thể qua việc hỗ trợ lãi suất thì doanh nghiệp được lợi hơn 200 tỉ đồng, còn nhờ giá lúa nâng lên nên cứ 1 triệu tấn lúa thì nông dân được lợi thêm (so với giá không có chủ trương hỗ trợ mua) 100-150 tỉ đồng, “vừa qua chúng ta thu hoạch 11 triệu tấn lúa, không phải tất cả số này đều được hưởng lợi từ giá lúa nâng lên, nhưng trong đó cứ 1 triệu tấn lúa thì bà con được hưởng lợi thêm như nêu trên”.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Bộ trưởng còn hiền quá - Ảnh: VIỆT DŨNG
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Bộ trưởng còn hiền quá - Ảnh: VIỆT DŨNG

Bà Khá hỏi tiếp: “Trong tình hình giá cả hiện nay thì nông dân có thực lãi từ 30% trở lên như chủ trương Chính phủ hay không?”. Theo ông Phát, căn cứ thực tế cho thấy bà con chưa được lãi như mong đợi, hiện Chính phủ đang gấp rút thực hiện nhiều biện pháp, trong đó căn cơ là đẩy mạnh xuất khẩu.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) về tỉ lệ phụ thuộc nước ngoài trong đầu vào của giống cây con, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi... Bộ trưởng Phát khẳng định: “Cơ bản các loại giống cây trồng, vật nuôi sản xuất trong nước, có ý kiến nói lúa có tới 60-70% giống nước ngoài là không chính xác. Ví dụ như giống cao su, cà phê là chúng ta tự làm.

Về chất lượng thì tùy từng cây từng con, có loại chất lượng tốt, nhưng có loại thua kém nước ngoài, chẳng hạn với cà phê thì năng suất hàng đầu nhưng ở ta là cà phê vối, nhiều nước có cà phê chè chất lượng cao hơn. Với phân bón, nước ta không có nguồn kali nên phải nhập khẩu, phân đạm thì chủ động được 2/3 nhu cầu nội địa...”.

Chất vấn của đại biểu Lù Thị Lừu (Lào Cai) về việc nhiều mẫu phân bón kém chất lượng khi đưa phúc kiểm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (TP.HCM) từ chỗ không đạt yêu cầu thành đạt yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Nguyễn Quân cho biết đây là trung tâm được đầu tư tiềm lực trang thiết bị từ nhiều năm nay.

Đáng chú ý, ông Quân cho biết do nguồn ngân sách hạn chế nên chương trình quốc gia về nâng cao năng lực của các trung tâm chưa đáp ứng yêu cầu, các tỉnh phía Nam chỉ có một trung tâm là Trung tâm 3 ở TP.HCM.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ kiểm tra cụ thể việc đại biểu phản ảnh, đồng thời bày tỏ lo ngại: “Hiện nay nhiều mặt hàng cần kiểm tra chất lượng, mũ bảo hiểm cũng phải kiểm tra, mong bộ trưởng trình Chính phủ để triển khai tốt hơn chương trình nâng cao năng lực của các trung tâm. Nếu không làm rõ đúng hay sai, giả hay thật thì dân ta cứ xài hàng giả mãi”.

Có nhiều câu hỏi đặt ra với Bộ trưởng Cao Đức Phát - thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn kỳ họp này, song trong một buổi chiều dành chất vấn ông rõ ràng chưa đủ. Sáng nay (13-6), Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang):

Giải pháp vẫn đều đều là “cố gắng phấn đấu”

Tôi thấy giải pháp vẫn đều đều là “cố gắng phấn đấu”. Đại biểu hỏi có mấy phút, bộ trưởng trả lời gần một giờ mà vẫn tràng giang đại hải, không vào vấn đề gì trọng tâm. Các phương án bộ trưởng đưa ra cũng hợp lý cả nhưng tôi mong bộ trưởng làm đúng như những gì đã đưa ra.

Về hỗ trợ trực tiếp cho nông dân thì bây giờ mới đưa ra, chứ còn trước đây hỗ trợ chỉ mang tính chất nửa trực tiếp, nửa gián tiếp. Tôi cho là nên có hỗ trợ trực tiếp cho nông dân và một đơn vị nào đó sẽ chịu trách nhiệm đứng ra cung ứng thì bà con nông dân sẽ tin tưởng hơn rất nhiều.

MAI HƯƠNG ghi

Võ Văn Thành/Tuổi trẻ