Bòn rút tiền ngân sách không chỉ phạm pháp mà còn phạm đạo đức công vụ

22/10/2018 07:34
Kiến Văn
(GDVN) - Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, với hành vi lập khống hồ sơ rút tiền nhà nước tại Bộ Nội vụ mà chỉ khiển trách, rút kinh nghiệm là quá nhẹ nhàng.

Sự việc cán bộ thuộc Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) lập hồ sơ khống rút tiền làm thêm giờ và chi phí đi công tác tỉnh đang thu hút sự chú ý của dư luận những ngày qua.

Đáng chú ý, trong kết luận của Bộ Nội vụ về vụ việc này chỉ yêu cầu những người trực tiếp vi phạm “rút kinh nghiệm”.

Trong đó, ông Nguyễn Quang Dũng – Vụ trưởng Vụ Tiền lương (người trực tiếp ký vào các giấy tờ đề nghị thanh toán tiền làm thêm giờ và chi phí công tác – không có thật) cũng không phải chịu trách nhiệm gì cụ thể.

Hình thức xử lý sai phạm của cán bộ đơn giản như vậy liệu có hợp lý không?

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Bảo (Đại biểu Quốc hội khóa 13) cho rằng, những hành vi sai phạm đã được chỉ ra trong kết luận của Bộ Nội vụ như vậy không thể rút kinh nghiệm rồi bỏ qua.

“Xử lý cán bộ, thuộc cấp luôn là việc khó, nhưng nếu như không nghiêm khắc thì làm sao có thể lãnh đạo được? Làm sao ăn nói với dân? Sai phạm như vậy mà chỉ rút kinh nghiệm là hết sức dễ dãi, tùy tiện”, ông Bảo đánh giá.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, với những sai phạm của cán bộ Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) mà chỉ bị "rút kinh nghiệm" là quá dễ dãi. ảnh: NQ.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, với những sai phạm của cán bộ Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) mà chỉ bị "rút kinh nghiệm" là quá dễ dãi. ảnh: NQ.

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, theo kết luận số 3637/KL-BNV ngày 3/8/2018 của Bộ Nội vụ đã chỉ rõ:

Đối với nội dung tố cáo về hành vi vi phạm trong việc thanh toán tiền làm thêm giờ: Có cơ sở để xác định bà Nguyễn Thị Phương Lan chấm công làm thêm giờ đối với bà Thúy để trình Vụ trưởng ký xác nhận bảng chấm công, ký văn bản đề nghị Văn phòng Bộ thanh toán tiền làm thêm giờ tháng 9, 10/2014 đối với bà Thúy trong khi bà Thúy không đi làm thêm giờ (đang thai kỳ tháng 8,9).

Bà Phương Lan là người đã ký và nhận số tiền 3, 8 triệu đồng (làm tròn - pv) là tiền làm thêm giờ tháng 9, 10/2014 ghi tên bà Thúy (bà Thúy không làm thêm giờ và không nhận khoản tiền này).

Có cơ sở để xác định bà Phương Lan, ông Phạm Văn Nghìn, ông Kim Trọng Hà không đi công tác đoàn Tuyên Quang – Hà Giang nhưng đã ký vào giấy đi đường và bà Phương Lan là người làm thủ tục thanh toán công tác. 

Trách nhiệm của ông Nguyễn Quang Dũng – Vụ trưởng Vụ Tiền lương cũng được nêu rõ: Có hành vi ký xác nhận việc chấm công, ký văn bản đề nghị Văn phòng Bộ thanh toán tiền làm thêm giờ đối với bà Thúy (dù bà Thúy không làm thêm giờ và không nhận tiền làm thêm giờ); ký xác nhận vào giấy đi đường và đề nghị Văn phòng Bộ thanh toán tiền công tác phí cho những người không đi công tác đoàn Tuyên Quang – Hà Giang.

Theo kết luận, Bộ trưởng Bộ nội vụ yêu cầu kiểm tra rà soát thu hồi khoản chi sai từ việc thanh toán tiền lương làm thêm giờ ghi tên của bà Lê Thị Thúy trong tháng 9, 10/2014 và tiền công tác phí của đoàn Tuyên Quang – Hà Giang.

Bòn rút tiền ngân sách không chỉ phạm pháp mà còn phạm đạo đức công vụ ảnh 2Ông Dũng đã bòn rút tiền nhà nước, sao chỉ cho rút kinh nghiệm?

Tuy nhiên, tất cả những cá nhân có liên quan tới sự việc này, bao gồm ông Vụ trưởng Nguyễn Quang Dũng, bà Nguyễn Thị Lan Phương, ông Phạm Văn Nghìn và ông Kim Trọng Hà đều chỉ bị đề nghị “rút kinh nghiệm”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, trong trường hợp này rõ ràng là cán bộ của Vụ Tiền lương đã vi phạm đạo đức công vụ, nếu là đảng viên thì còn vi phạm cả vào những điều cấm đảng viên không được làm.

“Các đồng chí là công chức đang được hưởng lương ngân sách từ tiền thuế của nhân dân đóng góp thì phải hết sức nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.

Khi có vi phạm thì các đồng chí phải nhìn nhận thẳng thắn vào sự việc, chí ít là phải công khai xin lỗi trước nhân dân, chứ không thể nào im lặng cho qua chuyện.

Bộ Nội vụ là cơ quan xây dựng các tiêu chí tuyển dụng cán bộ, xây dựng các tiêu chí quản lý cán bộ, nhưng khi cán bộ vi phạm lại xử lý nhẹ nhàng như vậy thì không ai chấp nhận được.

Đây là hành vi sai trái rõ ràng, nói thẳng ra là những cán bộ này đã làm giả giấy tờ, vi phạm đạo đức công vụ.

Tôi chưa rõ là tổng số tiền họ đã rút được sau khi làm giả giấy tờ là bao nhiêu, cũng có thể không phải là khoản tiền lớn, nhưng cái mà chúng ta nhìn thấy đó là hành vi rất không đàng hoàng.

Bòn rút tiền nhà nước không xong, giờ phải trả lại mà chỉ rút kinh nghiệm thì quá đơn giản, làm sao răn đe được.

Tôi cho rằng trong trường hợp này Bộ trưởng cần tỏ thái độ mạnh mẽ, xử lý dứt khoát hơn, tránh để sự việc kéo dài gây dư luận không tốt”.

Đối với trách nhiệm của Vụ trưởng Nguyễn Quang Dũng, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng: “Là Vụ trưởng trực tiếp quản lý cán bộ, anh phải nắm được cấp dưới làm gì.

Nếu lý giải là vì không biết nên mới ký vào các giấy tờ đề nghị thanh toán thì liệu có phải anh dễ dãi quá không?

Vai trò quản lý của anh ở đâu?

Anh phải xin lỗi và phải tự nhận hình thức kiểm điểm nghiêm khắc với cá nhân mình chứ”.

Kiến Văn