Bức thư đặc biệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

07/10/2013 08:21
Ngọc Quang (ghi)
(GDVN) - Vào tháng 6 năm 1987, ông Vũ Mão khi ấy là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên, đã nhận được thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bức thư ngắn gọn, nhưng chất chứa nhiều tình cảm đã đi theo ông Vũ Mão suốt cả cuộc đời.

LTS: Trong không khí đau buồn, thương tiếc vô hạn về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Báo Giáo dục Việt Nam xin gửi tới độc giả một bức thư đặc biệt mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi tới ông Vũ Mão 26 năm về trước. Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã đưa bức thư của Đại tướng vào hồi ký của mình.

Ông Vũ Mão tâm sự: Một phần tư thế kỷ đã trôi qua nhưng mỗi lần đọc lại lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi cho tôi mà vẫn thấy lòng bồi hồi, xúc động. Lá thư gửi cho tôi vào ngày 10/6/1987, khi ấy tôi đang là Bí thư thứ nhất Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Bức thư viết:

Tôi vừa đi thăm công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và làm việc với các đồng chí: Tổng Giám đốc Tổng Công ty xây dựng Sông Đà, Tổng chuyên viên đoàn chuyên gia Liên Xô.

Hiện nay, công trường đang khẩn trương thi công nhằm kịp thời chống lũ năm 1987. (Công việc thi công khẩn trương nhất là trong tháng 6 này).Bên cạnh những khó khăn rất lớn về vật chất – kỹ thuật, về đời sống và sức khỏe của công nhân thì công tác tổ chức và động viên tinh thần thi đua, nâng cao kỷ luật lao động là một yêu cầu cấp bách.

Trong buổi làm việc với tôi, đồng chí Tổng chuyên viên Liên Xô Bagachencô tỏ ý không hài lòng về công tác thanh niên ở công trường và rất mong sự có mặt của đồng chí Vũ Mão ở công trình thanh niên cộng sản này.

Theo tôi, đồng chí nên cố gắng bố trí thời gian sớm, lên công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình thăm hỏi và góp ý kiến cụ thể với lực lượng thanh niên đó (kể cả bộ đội)”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Vũ Mão.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Vũ Mão.

Nhớ lại ngày ấy, khi nhận được thư của Đại tướng, tôi đã hội ý Ban Bí thư Trung ương Đoàn và ngay ngày hôm sau xin gặp Đại tướng để cảm ơn và xin thêm ý kiến chỉ đạo. Đại tướng tiếp chúng tôi rất vui vẻ và gửi gắm nhiều tâm tình vào lớp trẻ.

Chúng tôi đã khẩn trương triển khai các công việc theo lời căn dặn của Đại tướng.

Ngày 12/6/1987, tức là ngay sau một ngày nhận được thư của Đại tướng, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã họp để bàn những biện pháp tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo trên công trường.

Ngày 13/6, trên công trường đã diễn ra cuộc họp sôi nổi tại “bờ” của “thủ lĩnh” thanh niên các đơn vị. Sau khi lắng nghe tất cả, tôi kết luận ngắn gọn: “Chúng ta hãy hết mình để đảm bảo tiến độ! Chăm lo tốt hơn nữa đến bữa ăn của người lao động. Động viên tinh thần và khí thế cách mạng của tuổi trẻ, xứng đáng là Công trường Thanh niên Cộng sản!”.

Đọc thư của Đại tướng, tôi rất cảm kích trước sự quan tâm của Đại tướng và nhớ tới những kỷ niệm:

Thứ nhất, năm 1982, sau Đại hội Đảng lần thứ V, là Ủy viên Trung ương Đảng, tôi được cùng Đại tướng tham gia sinh hoạt trong Ban chấp hành Trung ương. Khi Đại tướng là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình thì tôi với cương vị Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, được là thành viên của Ủy ban, nên tháng nào cũng họp dưới sự chủ trì của Đại tướng. Đối tượng của công tác này chủ yếu là thanh niên và phụ nữ nên Đại tướng thường yêu cầu tôi và chị Nguyễn Thị Định – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cần có kế hoạch triển khai cụ thể.

Do nhận thức đúng tầm quan trọng và chọn người chủ trì vừa tài ba vừa quyết tâm nên trong thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ XX tình hình dân số ở Việt Nam phát triển hợp lý, được Tổ chức dân số thế giới thừa nhận.

Tôi muốn được nói thêm, từ lâu công tác Dân số và Kế hoạch hóa gia đình ở Việt nam, được các nhà lãnh đạo quan tâm và nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của nó. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định thành lập cơ quan này từ ngày 26/12/1961. Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Quốc gia Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chính là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, sau đó chuyển giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thứ hai là Võ Hồng Anh – con gái của Đại tướng và tôi đều là học viên trường Thiếu Sinh Quân Việt nam. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, những ngày gian khổ ở núi rừng Việt Bắc đã làm cho chúng tôi thêm gắn bó với nhau hơn.

Chính vì thế, khi nhận được thư của Đại tướng, tôi rất vui và nghĩ rằng mình là bậc con cháu mà được Đại tướng viết thư thăm hỏi và trao nhiệm vụ là điều vô cùng hạnh phúc. Đại tướng bộn bề trăm công ngàn việc mà vẫn quan tâm đến công tác Thanh niên do tôi phụ trách. Đại tướng là người nhìn xa trông rộng, dồn nhiều tâm sức lo toan cho công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà để sớm có dòng tiện cho Tổ quốc.

Tuy nhiên, qua thư của Đại tướng, tôi cũng có chút chạnh lòng. Tôi tự kiểm điểm thấy mình đã hết lòng với công trường, đã huy động thanh niên cả nước hướng về Sông Đà, ủng hộ Sông Đà tất cả những gì có thể. Thực tế từ trước tới nay, chưa một công trường lớn nào của đất nước lại được quan tâm và ưu tiên như Công trường Sông Đà. Sông Đà cần gì ở Đoàn Thanh niên thì chúng tôi cố gắng đáp ứng tới mức tối đa, thế mà lại có những phản ánh làm cho Đại tướng không hài lòng. Trong tôi có chút buồn là thế.

Ngọc Quang (ghi)