Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau

24/08/2017 10:52
Diệu Linh
(GDVN) - Thủ tướng ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020.

Mục đích nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội góp phần thực hiện thắng lợi chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.

Tổ chức Phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm;

Hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020;

Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần).

Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau. ảnh: TTXVN.
Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau. ảnh: TTXVN.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tùy theo từng nhóm đối tượng, các bộ, ban, ngành, các địa phương đề ra nội dung thi đua phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ giảm nghèo.

Theo tiêu chuẩn thi đua, đối với các Bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương phải hoàn thành có chất lượng, đúng thời hạn các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền;

Chủ động, tích cực nghiên cứu, rà soát, tích hợp, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách giảm nghèo với lộ trình phù hợp tình hình và yêu cầu thực tế, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở và cộng đồng, khuyến khích và phát huy vai trò của cộng đồng, đặt người nghèo làm chủ thể, làm trọng tâm trong quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo, tập trung ưu tiên cho các địa bàn nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, mở rộng đối tượng hỗ trợ hợp lý, giảm chính sách cho không, tăng chính sách cho vay có điều kiện, có hoàn trả.

Tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa bàn nghèo thực hiện có hiệu quả chính sách, chương trình giảm nghèo; chủ động, tích cực huy động nguồn lực, có nhiều sáng kiến mô hình giảm nghèo bền vững được nhân rộng, giúp cho người nghèo tham gia phát triển sản xuất kinh doanh, làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, không tái nghèo.

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình, kế hoạch công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn;

Đề ra các nội dung, giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình và điều kiện của địa phương; bố trí ngân sách địa phương ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho các xã, thôn, bản nghèo trên địa bàn;

Phân bổ, sử dụng kinh phí đúng chế độ và quyết toán đúng thời gian quy định. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên.

Chủ động, tích cực huy động các nguồn lực trong xã hội để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2%/năm trở lên, trong 5 năm liên tục (đối với các tỉnh tỷ lệ nghèo dưới 10%, trong 5 năm lên tục quy mô hộ nghèo giảm trên 70% so với đầu kỳ).

Đối với cấp huyện, huyện (không là huyện nghèo) giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5%/năm trở lên, trong 5 năm liên tục; huyện nghèo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7%/năm trở lên, trong 5 năm liên tục.

Đối với cấp xã, xã/phường giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7%/năm trở lên, trong 5 năm liên tục; xã nghèo khu vực III chỉ còn tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo dưới 20%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10% sau 5 năm; xã nghèo khu vực II chỉ còn tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo dưới 15%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 8% sau 5 năm; xã nghèo khu vực I chỉ còn tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo dưới 10%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5% sau 5 năm.

Đối với thôn, bản phải hỗ trợ vốn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật để hộ nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống và thoát nghèo;

Xây dựng được quy chế quản lý, duy trì, thu hồi và luân chuyển được phần vốn của ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện các dự án mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả và nhân rộng được các mô hình giảm nghèo trên địa bàn và cộng đồng;

Huy động có hiệu quả nguồn lực từ nhân dân, cộng đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Điều kiện sống của người nghèo trên địa bàn được cải thiện rõ rệt, nhất là về thu nhập, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; được tiếp cận ngày càng thuận lợi với các dịch vụ xã hội cơ bản; giảm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo từ 7%/năm trở lên, trong 5 năm liên tục.

Diệu Linh