Cả nước nên học tập Thanh Hóa

28/07/2018 07:15
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Các Đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết trong việc phát huy tính tự quản, tính dân chủ trực tiếp của cộng đồng dân cư sau khi sáp nhập thôn.

 Kỳ cuối

LTS: Sau loạt bài sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ phía các chuyên gia, đại biểu Quốc hội trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của thôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập thôn. Qua đó phát huy tính tự quản, tính dân chủ trực tiếp của cộng đồng dân cư, không chỉ riêng Thanh Hóa mà ở nhiều địa phương khác trên cả nước.

Ông Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Không nên biến tổ tự quản thôn, tổ dân phố thành “cấp hành chính thứ 5”

Một điều tôi cho là đang bị lợi dụng ở không ít cấp xã, phường, thị trấn là biến tổ tự quản thôn, tổ dân phố thành “cấp hành chính thứ 5”.

Nhiều việc lẽ ra thuộc cấp hành chính (cấp xã) nhưng đều yêu cầu người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố nắm bắt, báo cáo tình hình và triển khai công việc... 

Ông Mai Sỹ Diến - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa
Ông Mai Sỹ Diến - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Nên để người hoạt động không chuyên trách làm đúng công việc của họ tại tổ tự quản, chứ không nên yêu cầu họ làm nhiệm vụ của người hoạt động chuyên trách, công chức, nhưng lại trả thù lao theo kiểu hỗ trợ, động viên.

Điều này là không công bằng. Tôi đề nghị các địa phương phải rà soát và khắc phục nếu có tình trạng nêu trên.

Cùng với việc sáp nhập thôn, tổ dân phố, các cấp ủy, chính quyền các địa phương phải kịp thời đào tạo, bồi dưỡng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với nhân tố cốt cán cấp ủy đảng, trưởng thôn, trưởng khu phố, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các đoàn thể cũng như các chức danh khác ở thôn, tổ dân phố.

Cả nước nên học tập Thanh Hóa ảnh 2Thanh Hóa sáp nhập thôn, tổ dân phố và bài học sức mạnh quần chúng

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn thống nhất, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc xử lý hồ sơ, thủ tục khi tên thôn, tổ dân phố có sự thay đổi sau khi sáp nhập. 

Mặt khác, hiện nay, nhiều nhà văn hóa thôn là nơi thờ Thành hoàng làng, hoạt động tín ngưỡng dân gian.

Do vậy, các cấp chính quyền cần động viên, tạo điều kiện để người dân tiếp tục thực hiện tín ngưỡng, truyền thống của đồng bào;

Cần thận trọng điều chỉnh những vấn đề phát sinh sau sáp nhập theo nguyên tắc thật sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người dân và để người dân quyết định việc của dân theo đúng pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở. 

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Sáp nhập thôn, tổ dân phố không nên chạy theo thành tích

Thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú; nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao.

Tên thôn, làng, tổ dân phố thường gắn liền với nguồn gốc  văn hóa lịch sử, niềm tự hào của người dân.

Do vậy, trong thời gian tới nếu thực hiện sáp nhập thôn một cách cơ học (theo Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 về sửa đổi thông tư số 04/2012/TT-BNV hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố) mà không lưu ý tới các yếu tố phong tục tập quán, truyền thống văn hóa lịch sử, rất dễ tạo ra những tác động tiêu cực từ khu dân cư, gây khó khăn trong việc quản lý, hoạt động của tổ tự quản.

Hay nói cách khác, nếu việc sáp nhập thôn chạy theo thành tích có thể gây ra sự tác động không tích cực đến đời sống, sinh hoạt thôn, tổ dân phố. 

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh của VOV.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh của VOV.

Do đó, việc sáp nhập thôn, tổ dân phố bên cạnh mục tiêu giảm đầu mối, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền, thì phải gắn liền với mục đích ổn định chính trị, an ninh trật tự, tại khu dân cư.

Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội: Cần lưu ý tới nhân tố con người trong quá trình sáp nhập thôn, tổ dân phố

Sáp nhập thôn, tổ dân phố sẽ dẫn tới việc phải tinh giản một số lượng rất lớn người hoạt động không chuyên trách. Bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách trong diện “tinh giản” sau khi thực hiện sáp nhập, cần quan tâm tới việc lựa chọn người để điều hành hoạt động của tổ tự quản. 

Đây là những người cùng ở, cùng làm, cùng sinh hoạt với người dân nên phải chọn người thật sự tâm huyết, uy tín mới làm cho dân nể phục, từ đó từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của khu dân cư có tính chất tự quản.

Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.
Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.

Theo tôi, không nên đòi hỏi người đứng đầu tổ tự quản và các chức danh hoạt động không chuyên trách khác ở thôn, tổ dân phố phải có bằng cấp như cán bộ, công chức. Quan trọng nhất, những người đó phải được nhân dân tín nhiệm, có uy tín trong cộng đồng dân cư. 

Để chọn được người gánh vác việc thôn, tổ dân phố tốt, có tâm huyết, trong quá trình thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố, việc lựa chọn phải làm thận trọng, khách quan, cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch, tránh làm xáo trộn hoạt động, đời sống tại khu dân cư.

"Cán bộ phải gần dân, sát dân để hiểu người dân muốn gì"

Từ thực tế sáp nhập thôn, tổ dân phố tại huyện Thọ Xuân, ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) cho rằng, để thực hiện có hiệu quả đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố, điều quan trọng nhất là phải tạo được sự đồng thuận của người dân.

Muốn làm được điều này, cán bộ phải gần dân, sát dân để nắm bắt tâm tư của người dân, qua đó điều chỉnh, bổ sung đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố cho phù hợp với tình hình thực tế và nguyện vọng của người dân.

"Trước khi thông qua đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành quyết định số 462-QĐ/HU, ngày 4/9/2013, quy định về việc đi cơ sở và dự sinh hoạt chi bộ của các đồng chí Huyện ủy viên.

Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy  phụ trách cụm, Huyện ủy viên phụ trách cơ sở, cán bộ chuyên viên các ban Huyện ủy, các phòng thuộc Ủy ban nhân dân huyện, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị cấp huyện đi dự sinh hoạt chuyên đề với các chi bộ khối xã, thị trấn với nội dung tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về thực hiện đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện.

Các buổi sinh hoạt chuyên đề giúp cán bộ đánh giá cụ thể, đúng thực trạng thôn, tổ dân phố hiện nay, (cái được, cái chưa được); định hướng công tác, quán triệt, triển khai, nhất là làm một bước tư tưởng về tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố và nắm bắt tình hình, tư tưởng tâm tư nguyện vọng của nhân dân để động viên kịp thời.

Việc tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, nhân dân là cơ sở để các đơn vị thực hiện hiệu quả sáp nhập thôn, tổ dân phố một cách đồng loạt, theo lộ trình đề án đặt ra", ông Hùng cho biết.

Đến nay sau gần 1 năm thực hiện đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố, huyện Thọ Xuân đã tiến hành sáp nhập 257 thôn, tổ dân phố để thành lập 131 thôn, tổ dân phố, giảm 126 thôn, tổ dân phố... 

QUỐC TOẢN