Các phương án chống ngập úng cục bộ ở Hà Nội trong mùa mưa

09/08/2013 08:25
Đỗ Thanh Bình
(GDVN) - Việc ngập úng cục bộ tại các thành phố, đặc biệt là Hà Nội đem lại nhiều khó khăn cho người dân tham gia giao thông khi có mưa lớn, gây ách tắc giao thông, cản trở công việc di chuyển và gây hỏng hóc cho nhiều phương tiện khi nước ngập sâu, làm mất đi vẻ mỹ quan của thành phố.
Cơn mưa kéo dài từ hai ngày nay, đặc biệt càng lớn hơn vào trưa 8/8 khiến các tuyến phố Hà Nội và ngay cả khu trung tâm cũng bị ngập lụt, cây đổ, giao thông ùn ứ...Những ngày này giao thông đi lại khó khăn, nhiều phương tiện giao thông dính nước bị hư hỏng... đã gây rất nhiều khó khăn, phiền toái thậm chí là nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Hơn 4h chiều, đoạn đường đối diện tòa nhà Keangnam ngập sâu trong nước
Hơn 4h chiều, đoạn đường đối diện tòa nhà Keangnam ngập sâu trong nước


Là một người dân sống ở Hà Nội, ông Đỗ Thanh Bình - Trưởng Ban KD Cty BHNT Prudential VN, thành viên sáng lập CLB TN GMVN trình bày một số phương án có thể giảm bớt sự ngập úng cục bộ tại các thành phố khi mưa to kéo dài

Phương án I: Sử dụng hồ, đầm có sẵn:

Giữ cho mực nước ở các hồ tương đối thấp để tăng sức chứa nước thêm khi có mưa lớn. Trước khi có mưa bão lớn có thể bơm thoát bớt nước ở các hồ này ra để tăng sức chứa, khi có ngập úng cục bộ có thể mở đường thoát nước về chứa tạm ở các hồ này, sau khi mưa tạnh, nước rút lại bơm nước ra.

Phương án này khó giải quyết triệt để nạn úng ngập cục bộ vì sức chứa nước của các hồ có hạn và nhiều khu vực không có hồ chưa kể đến việc sợ ảnh hưởng đến các sinh vật sống trong hồ.

Phương án II: Xây các bể chứa lớn:

Các bể chứa dung tích lớn từ vài trăm cho đến vài chục nghìn, hoặc vài triệu mét khối nước có thể xây ngầm dưới đất gần các khu vực hay ứng ngập cục bộ. Khi mưa to gây ngập úng đến mức báo động thì mở đường thoát nước vào đây chứa tạm thời chờ khi mưa tạnh, nước thoát thì bơm nước ra theo hệ thống thoát nước của thành phố

Các bể chứa căn cứ vào khối lượng nước chứa ở khu vực đó, hoặc có thể xây theo từng giai đoạn để tránh lãng phí. Nếu thấy một bể chưa đủ dung tích thì xây bể tiếp theo.

Sau này, khi công nghệ của đất nước phát triển, nước chứa trong các bể có thể lọc để tái sử dụng

Phương án này rất phù hợp với điều kiện hiện nay của đất nước, không tốn quá nhiều chi phí, đem lại hiệu quả ngay và giảm bớt gánh nặng cho hệ thống thoát nước của thành phố. Xây dựng một hệ thống thoát nước quy mô cho các thành phố, khu đô thị ở Việt Nam cần nhiều kinh phí và công nghệ ở thời điểm hiện tại khó đáp ứng được

Phương án III: Sử dụng các túi chứa nước có dung tích lớn:

Sử dụng các túi chứa nước bằng vật liệu đặc biệt để chứa nước mưa do máy bơm vào từ các khu vực ngập úng, khi mưa tạnh, nước rút thì tháo nước ra hệ thống thoát nước của thành phố

Phương án này phù hợp cho những khu vực với lượng nước mưa không lớn như sân các trường học, cơ quan hay các khu phố cổ không thể xây được bể chứa nước ngầm.

Trên đây là một vài phương án tôi mạnh dạn đề xuất. Rất mong được các quý vị đóng góp thêm và nghiên cứu áp dụng vào thực tế để đất nước ta ngày một phát triển, thủ đô ngày một hiện đại hơn.

Đỗ Thanh Bình