"Cách tính GDP của ta rất lơ mơ, không biết thế nào mà lần"

12/03/2015 06:49
Ngọc Quang
(GDVN) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ rõ như vậy khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thống kê sửa đổi.

Chiều ngày 11/3, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật thống kê sửa đổi, nhằm hướng tới sự minh bạch và phân rõ trách nhiệm của những đơn vị liên quan.

Đề nghị bổ sung quy định "nghiêm cấm làm sai lệch số liệu thống kê"

Trình bày tờ trình Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư – ông Bùi Quang Vinh cho biết, hiện nay số lượng, chất lượng thông tin thống kê tuy đã được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, nhưng vẫn còn 4 hạn chế, bất cập:

Một là, thiếu các chỉ tiêu thống kê phản ánh chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

Hai là, công tác phân tích và dự báo thống kê phát triển chậm; việc phổ biến thông tin thống kê làm chưa tốt, vừa thiếu, vừa trùng chéo, trong một số trường hợp còn do phương pháp tính khác nhau dẫn đến chưa thống nhất về số liệu.

Ba là, phối hợp giữa hệ thống thống kê tập trung với thống kê bộ, ngành còn chưa chặt chẽ.

Bốn là, khó tiếp cận với cơ sở dữ liệu ban đầu của các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê; hệ thống thống kê tập trung khó tiếp cận khai thác thông tin từ nguồn dữ liệu hành chính và dữ liệu đăng ký hành chính của các bộ, ngành.

Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung thêm quy định "nghiêm cấm các hành vi làm sai lệch số liệu thống kê". ảnh minh họa, internet.
Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung thêm quy định "nghiêm cấm các hành vi làm sai lệch số liệu thống kê". ảnh minh họa, internet.

Từ những vấn đề còn tồn tại, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội đặt câu hỏi: Luật thống kê khắc phục được điểm gì mà công tác thống kê còn mặc phải? Tại Quốc hội ngoài các Đại biểu Quốc hội thì nhiều thành viên của Chính phủ cũng cho rằng nhiều chỉ tiêu không đảm bảo nên tính dự báo không cao. Vậy quy định nào đảm bảo tính chính xác của thông tin thống kê?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: “Luật này sẽ khắc phục tình trạng chênh lệch số liệu bằng việc làm rõ trách nhiệm và hệ thống chỉ tiêu giao cho Tổng Cục thống kê chịu trách nhiệm. Trước ở cấp tỉnh không có hệ thống chỉ tiêu mà theo Trung ương thì giờ quy định rõ cấp tỉnh, huyện, xã khắc phục số liệu chồng chéo nhau. Ngoài ra GDP của Trung ương thì Trung ương tính, còn tại các địa phương là do Trung ương quản lý cách tính để không chênh lệch”.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội – ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, dự thảo luật quy định còn chung chung, chưa rõ các nội dung phân tích, dự báo, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan thuộc hệ thống tổ chức thống kê nhà nước, kỳ phân tích của từng cơ quan trong hệ thống tổ chức thống kê nhà nước, cơ sở phân tích, việc phân cấp cơ quan thực hiện phân tích và dự báo.

Có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc quy định nội dung dự báo thống kê trong dự thảo luật, vì cho rằng công tác dự báo là dựa vào phân tích, xử lý số liệu trong quá khứ nhưng lại dự báo trước các hiện tượng và sự việc sẽ xảy ra trong tương lai điều này dẫn đến sự thiếu chính xác.

Ông Giàu nhấn mạnh: “Đề nghị bổ sung quy định rõ việc công bố thông tin thống kê trong dự thảo luật, quy định cụ thể một số chỉ tiêu công bố như GDP, CPI, tỉ lệ thất nghiệp, thời điểm công bố cố định đối với 3 loại số liệu thống kê như số liệu ước tính, số sơ bộ, số chính thức. Đề nghị bổ sung nghiêm cấm các hành vi can thiệp, chỉ đạo làm sai lệch số liệu thống kê trong hoạt động thống kê tại Điều 10 của dự thảo luật”.

Cơ quan thống kê có nên độc lập?

Về hệ thống tổ chức thống kê, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết có 3 luồng ý kiến: Một là Cơ quan thống kê trung ương thuộc Chính phủ, để bảo đảm tính minh bạch, khách quan trong hoạt động thống kê, góp phần nâng cao chất lượng thông tin thống kê; Hai là Cơ quan thống kê trung ương do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; 

Ba là, cơ bản kế thừa quy định của Luật Thống kê hiện hành, chỉ sửa đổi, bổ sung những quy định cho phù hợp với thực tế hiện nay và cho rằng hệ thống tổ chức thống kê hiện nay đang vận hành có hiệu quả, do vậy nên giữ ổn định cơ cấu tổ chức tránh phát sinh thêm biên chế và với mô hình hiện nay cần nghiên cứu bổ sung quy định thành lập Hội đồng thẩm định gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia để thẩm định trước khi công bố một số chỉ tiêu thống kê quan trọng về kinh tế, xã hội và môi trường hàng năm.

Đề cập tới sự minh bạch của luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ lo lắng khi gần 100% điều khoản giao cho Thủ tướng và Chính phủ quy định và kể về câu chuyện hài hước trong thống kê: Có một báo cáo về tình hình kinh tế xã hội ghi là GDP tăng, nhưng khi đại biểu hỏi GDP là gì thì cán bộ giải thích đó là Gạo, Dầu, Phân. Thấy vậy mọi người dự hội nghị đều vỗ tay.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: “Cách tính GDP của ta rất lơ mơ, không biết thế nào mà lần. GDP là con số thống kê quan trọng nhất của đất nước nhưng cũng không chính xác. Vậy luật lần này khắc phục thế nào? Vì chỉ tiêu không minh bạch nên mới dẫn đến tính trùng. Chỉ tiêu không chính xác thì sao lãnh đạo đất nước được? Phải công khai minh bạch chỉ tiêu quốc gia, cho nên phải quy định chỉ tiêu quốc gia vào thẳng trong luật. Phải quy định từ chỉ tiêu cho đến cách tính cho rõ ràng và chịu trách nhiệm rõ ràng vào trong luật”.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu: "Phải công khai minh bạch chỉ tiêu quốc gia".
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu: "Phải công khai minh bạch chỉ tiêu quốc gia".

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm chính là luật hiện hành có quy định thống kê "không chính thức", nhưng dự án luật (sửa đổi) không quy định thống kê "không chính thức".

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, bên cạnh việc quy định hoạt động thống kê nhà nước, dự thảo Luật cũng cần quy định cả hoạt động thống kê ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước nhằm bảo đảm quản lý nhà nước toàn diện đối với hoạt động thống kê và quyền tự do kinh doanh của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, đồng thời hạn chế tối đa những tác động tiêu cực phát sinh từ hoạt động thống kê này.

Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn: "Thống kê không chính thức nếu chúng ta không quy định thì ở đâu quản lý? Chúng ta đang bỏ rơi vấn đề này. Ví dụ các tổ chức đưa lên thống kê về số người xem chương trình truyền hình thực tế nhằm mục đích lôi kéo quảng cáo. Vậy ai chịu trách nhiệm trước các công bố thống kê này. Như vậy ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. Nếu luật không quy định thì anh Vinh phải tìm cách giải quyết".

Ngọc Quang