Vụ "nhân bản" phiếu xét nghiệp ở BVĐK Hoài Đức:

“Cái tát" cho người chống tiêu cực và chuyện “nghiêm túc kiểm điểm”!

30/08/2013 08:22
Phạm Nguyễn
(GDVN) - "Sở Y tế Hà Nội cần chủ động và Thành phố Hà Nội cần quyết liệt chỉ đạo để làm rõ trách nhiệm về quản lý, giám sát của những người đứng đầu ngành Y tế Thủ đô trong vụ việc này. Rõ ràng, trách nhiệm của lãnh đạo Sở không thể chỉ là đi trao bằng khen và “nghiêm túc rút kinh nghiệm”.
Những khuôn mặt đầy nước mắt và nặng trĩu suy tư trong lễ trao thưởng. Ảnh: Thái Hà
Những khuôn mặt đầy nước mắt và nặng trĩu suy tư trong lễ trao thưởng. Ảnh: Thái Hà

Vụ việc “nhân bản hàng loạt”  kết quả xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức đã làm chấn động dư luận một tháng qua. Câu chuyện này xảy ra không còn là mới mẻ gì, nhưng đến nay người ta vẫn thấy ghê sợ về sự xuống cấp về đạo đức và y đức của những kẻ liên quan trong vụ việc.

Tuy nhiên, qua đó, xã hội cũng rất cảm động với hành động dũng cảm của những người như chị Nguyệt, chị Định, chị Oanh. Họ đã bất chấp những lời đe dọa, bất chấp nỗi lo sợ bị trù úm để viết đơn tố cáo việc làm sai trái trên. Họ là những người còn y đức.

Đánh giá cao việc này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã yêu cầu “nhanh chóng có hình thức khen thưởng để động viên tinh thần cho những người dũng cảm dám đương đầu với cái xấu, cái ác và có biện pháp bảo vệ họ. Điều đó hoàn toàn xứng đáng, cần kích thích nhân tố để tăng sự tích cực của xã hội, cần làm đến mức tối đa có thể với người chống tiêu cực”.

Đúng là “Hà Nội không vội được đâu!”; hơn 1 tuần sau, chỉ đạo của một ủy viên Bộ Chính trị, người lãnh đạo cao nhất Thành phố được ngành y tế Thủ đô thực hiện thế này (theo tường thuật của báo chí):

Sáng 16.8, buổi lễ trao thưởng cho những người dám dũng cảm chống tiêu cực tại BV Đa khoa Hoài Đức đã diễn ra chóng vánh hơn sự thường thấy tại các buổi khánh tiết.Có lẽ trong lịch sử ngành Y, chưa từng có việc trao thưởng nào lại "đặc biệt" như vậy. Người đến trao thì vội vàng chóng vánh, cá nhân được vinh danh thì vẻ mặt âu sầu, mắt đỏ hoe, buồn nhiều hơn vui.

Không băng - rôn chào mừng, không những bó hoa chúc mừng và lác đác tiếng vỗ tay. Khách tới chúc mừng 3 người phụ nữ dũng cảm chỉ duy nhất chính là các cơ quan thông tin đại chúng, những đại diện tới để ghi lại hình ảnh và diễn biến của buổi trao thưởng này.

Thực ra, nếu đúng ở góc độ những người đi trao thưởng mà xét thì sẽ thấy sự “lạnh nhạt” này cũng chẳng có gì là lạ! Việc khen thưởng cho những người đứng lên tố cáo vụ việc này là sự miễn cưỡng của những người làm công tác y tế của Thủ đô. Chắc hẳn, họ cũng chẳng có tí cảm tình hay vui vẻ gì khi trao giấy khen cho những người đã tố cáo, “làm xấu đi bộ mặt” của Sở, của ngành Y (theo cách nghĩ của họ)?.

Hơn thế nữa, lòng dạ họ cũng đang rối bời, như lửa đốt khi đến phần trách nhiệm mà mình phải gánh vì không hoàn thành việc thanh kiểm tra. Bởi khi nhiều tháng trước, thông tin sự việc đã được nằm trên bàn của người có thẩm quyền của ngành y tế Thủ đô, nhưng chẳng hiểu vì lý do gì nó vẫn cứ… nằm im – dẫu đó là một sự việc “động trời”!?

Những người chứng kiến kể rằng, sau khi nhận tấm giấy khen và 320 nghìn tiền thưởng, những người tố cáo đã khóc. Không phải khóc vì xúc động mà khóc vì “lo lắng cho tương lai của chính mình”.

Và nỗi lo cùng những giọt nước mắt của họ không phải là không có lý. Chỉ 4 ngày sau khi nhận khen thưởng thì 1 trong 3 người đứng tên tố cáo đã nằm trong danh sách bị khởi tố; mặc dù trước đó, những lời cam kết kiên quyết bảo vệ, không trù úm… đã luôn được cất lên.

Cái tên chị Oanh trong danh sách những cá nhân bị khởi tố đã không chỉ làm rơi nước mắt những người đã dũng cảm đưa vụ việc ra ánh sáng và người thân của họ mà nó còn làm bật lên nỗi nấc nghẹn của những người theo dõi, người am tường vụ việc. 

Các cụ đã bảo “đấu tranh thì tránh đâu” và chính chị Oanh, chị Nguyệt khi làm đơn tố cáo cũng xác nhận điều này. Nhưng, đã có rất nhiều người nguyên là lãnh đạo cao cấp đã lên tiếng và cho rằng “rất có thể” đó là “cái tát”, là làm hại cuộc chiến chống tham nhũng.

Ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trương ương đã chia sẻ rằng: “Chị Oanh là người có ký 18 phiếu xét nghiệm mà theo chị nói là do áp lực từ cấp trên, sau đó thấy việc làm như vậy là vô đạo đức nên đã ký vào đơn tố cáo. Dù bị áp lực phải rút chữ ký, nhưng chị Oanh âm thầm đặt camera thu thập chứng cứ sai phạm.

Như vậy, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần công tâm đánh giá giữa lỗi và tội của chị Oanh, nếu không tỉnh táo sẽ làm hại cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng ta đang kêu gọi tất cả các tổ chức nghiêm túc thực hiện, điển hình là Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua. Tôi tin rằng, các cơ quan chức năng sẽ sáng suốt trong sự việc của chị Oanh”. Và nhân dân cũng mong là thế!
Trong câu chuyên Hoài Đức, người ta bàn nhiều về câu chuyện trách nhiệm của những người đứng đầu ngành y tế Thủ đô.

Người ta đặt câu hỏi: Trong vụ việc này, trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội thế nào? Một sự việc động trời, diễn ra hàng năm như vậy mà không hay biết thì đó là sự quan liêu? Còn biết mà không xử lý đi đó là bao che; mà bao che là biểu hiện của hối lộ - tham nhũng. Quan liêu và tham nhũng lại luôn là bạn đồng hành! 

Sở Y tế Hà Nội cần chủ động và Thành phố Hà Nội cần quyết liệt chỉ đạo để làm rõ trách nhiệm về quản lý, giám sát của những người đứng đầu ngành Y tế Thủ đô trong vụ việc này. Rõ ràng, trách nhiệm của lãnh đạo Sở không thể chỉ là đi trao bằng khen và “nghiêm túc rút kinh nghiệm”. 

Cũng giống như ở nhiều vụ việc khác, cụm từ “nghiêm túc rút kinh nghiệm” dường như, đã trở thành câu cửa miệng sau mỗi sự cố. Người chỉ đạo thì phán: “Phải nghiêm túc kiểm điểm”. Kẻ có lỗi thì nhanh nhảu: “Sẽ nghiêm túc kiểm điểm”. Nhưng “nghiêm” thế nào, “kiểm” thế nào, “rút” thế nào, sau đó chẳng ai hay.

Cũng đúng thôi vì cụm từ này thực sự là vô thưởng vô phạt. Đó chỉ là một lời khuyên, một yêu cầu từ cấp trên chứ không phải là một hình thức kỷ luật. Đó cũng không phải là một mệnh lệnh bắt buộc và cũng không có một chế tài nào kiểm tra, giám sát đòi hỏi này. Trong phần “xử lý vi phạm” của tất cả các luật, pháp lệnh, nghị định... đều không có quy định nào về “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”. Và đó là cách chỉ đạo theo phương thức “đóng cửa bảo nhau”, “vỗ vai nhắc nhở”.

Cũng chính vì thế, những người/đơn vị có lỗi, chẳng dại gì mà không “vô cùng phấn khởi” hứa, thậm chí là xin thề, là sẽ “nghiêm túc”, để lần sau... vẫn thế!

Chỉ có điều, sau mỗi lần cụm từ này được thốt ra, là một lần chúng ta đã và đang phải trả giá quá đắt. Sau cụm từ ấy là một doanh nghiệp nhà nước làm ăn đổ bể; một vụ tham nhũng lớn xảy ra; một cây cầu sập; một con đường lún; một vụ xà xẻo tiền trợ cấp của người nghèo; một dự án sai lầm; một đường dây hối lộ tham nhũng vỡ lở; một vụ việc “quan” hà hiếp dân vv và vv…

Bộ máy Nhà nước được vận hành bằng tiền thuế của nhân dân và nhà nước quản lý giám sát chặt chẽ công dân bằng một hệ thống pháp luật nghiêm khắc. Theo đó, mọi hành vi vi phạm, khuyết điểm đều có một hình thức kỷ luật tương ứng.

Còn  giờ đây, khi nói, “nghiêm túc kiểm điểm”, người ta sẽ thấy ngay đằng sau sự “nghiêm túc” ấy là sự… thiếu nghiêm túc.
Phạm Nguyễn