Cầm điếu cày phân làn giao thông: Một khi dân đã 'cùn'

20/10/2011 07:05
Nam Phong
(GDVN) - TS Tâm lí Phạm Mạnh Hà, GV bộ môn Tâm lí, trường ĐH KHXH&NV đã phân tích về nguyên nhân sâu xa của hành động dùng điếu cày điều khiển giao thông.

Theo TS. Tâm lí Phạm Mạnh Hà, người tham gia giao thông đi lấn làn, cố tình chen lấn cũng chỉ là bởi cực chẳng đã. Và nó bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa vốn tồn tại từ lâu nay nhưng vẫn chưa thể giải quyết tận gốc, đó là vấn nạn ùn tắc giao thông.

Điều đó cũng dễ hiểu cho việc vì sao dẫn tới hành động dùng điếu cày để phân làn giao thông của một thanh niên đã thu hút sự chú ý quan tâm của dư luận xã hội trong những ngày qua.

Người thanh niên mặc quần đùi, áo cộc cầm chiếc điếu cày ra đường phân làn giao thông.
Người thanh niên mặc quần đùi, áo cộc cầm chiếc điếu cày ra đường phân làn giao thông.

"Trong thời gian vừa qua tôi cũng có xem và theo dõi video này, ta nên phân tích ở từng góc độ một. Trước hết, về mặt pháp lý thì anh thanh niên này không được phép ra đường để làm việc phân làn giao thông với những hành động như vậy.

Nói trên góc độ này thì có thể coi anh ta đã vi phạm pháp luật dù là anh ta có làm tốt đi chăng nữa thì vẫn phải lên án. Bởi anh ta không được giao nhiệm vụ để làm việc đó.

Tuy nhiên, hành vi vi phạm luật pháp đó lại được dư luận xã hội, được mọi người ủng hộ thì đó mới là điều đáng nói ở đây. Ở đây hành vi của anh ta được ủng hộ là vì sao? Không phải giá trị xã hội đã bị đảo lộn mà nó có nguyên nhân sâu xa của nó", TS Hà nói.

TS. Hà không tỏ ra bất ngờ về sự đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội đối với hành động của anh "cảnh sát bất đắc dĩ" này. TS Phạm Mạnh Hà cho rằng: Có thể thấy rằng sự ủng hộ đó là việc phản ứng của xã hội đối với một số những cơ quan chức năng, những người có quyền lực trong tay, có đầy đủ những công cụ mà lại không làm được việc. "Có thể thẳng thắn mà nói rằng đó là sự bất lực, sự yếu kém của các cơ quan, những người có trách nhiệm trọng việc đảm bảo trật tự giao thông. Để cho một con người hết sức bình thường phải làm thay họ như vậy".

TS. Phạm Mạnh Hà: "Có thể thẳng thắn mà nói rằng đó là sự bất lực, sự yếu kém của các cơ quan, những người có trách nhiệm trọng việc đảm bảo trật tự giao thông." (Ảnh NP)
TS. Phạm Mạnh Hà: "Có thể thẳng thắn mà nói rằng đó là sự bất lực, sự yếu kém của các cơ quan, những người có trách nhiệm trọng việc đảm bảo trật tự giao thông." (Ảnh NP)

TS. Hà nói, sự bất lực và yếu kém này không phải bây giờ nó mới được thể hiện ra. Để minh chứng cho điều này, ông dẫn chứng bằng việc "Đồng chí Phó tránh thanh tra giao thông của Sở GTVT Hà Nội đã nói về việc cắm biển báo và đã xảy ra những vụ tai nạn, nhiều người dân đã đâm phải những cột này thì đó là lỗi do người đi đường chứ không phải do lỗi của cơ quan chức năng."
 
Theo ông, đó là sự phủ nhận trách nhiệm, né tránh trách nhiệm. "Rõ ràng anh là người quản lý, là người có trách nhiệm mà lại không làm được việc đó thì còn nói gì nữa?"

Ta có thể hiểu rằng, việc ủng hộ việc làm của anh thanh niên kia từ phía dư luận xã hội nó không chỉ đơn thuần là ủng hộ không thôi. Mà bên cạnh đó, là họ đã và đang thể hiện thái độ bất bình (có phần hơi thái quá) đối với sự thiếu trách nhiệm của những người liên quan trong việc để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn ra." TS Phạm Mạnh Hà nói.

Phân tích về nguyên nhân hành động lăm lăm điếu cày phân làn giao thông, TS Hà cho rằng: "Vì sao anh ta lại hành động như vậy? Cực chẳng đã anh ta mới phải làm thế, điều đó cũng dễ hiểu, bởi anh ta cũng nằm trong xã hội, anh ta cũng bức xúc về tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội nói chung và nói để cho những người lãnh đạo chịu trách nhiệm trong việc giữ gìn, đảm bảo trật tự, ATGT nói riêng. Điều đó có thể hiểu, anh ta muốn nhắn nhủ tới những người có trách nhiệm rằng “anh không làm được điều ấy nhưng tôi làm được”.

Theo TS. Phạm Minh Hà, lực lượng chức năng đã bộ lộ bất lực và sự yếu kém trong công tác đảm bảo an toàn, trật tự giao thông tại các đô thị. (Ảnh NP)
Theo TS. Phạm Minh Hà, lực lượng chức năng đã bộ lộ bất lực và sự yếu kém trong công tác đảm bảo an toàn, trật tự giao thông tại các đô thị. (Ảnh NP)

Nói về vấn đề ý thức khi tham gia giao thông của người dân, chuyên gia tâm lí không đồng tình với ý kiến cho rằng ý thức của người dân kém. Mà ngược lại, ông cho rằng người dân tham gia giao thông hoàn toàn rất có ý thức. "Họ cố tình vi phạm như vậy bởi quyền lợi của người ta bị động chạm quá nhiều rồi, họ đã thua thiệt nhiều rồi."

"Nếu người ta đi đúng đường, đi đúng theo quy định về giao thông thì người ta phải được hưởng lợi. Họ sẽ phải được đến cơ quan một cách nhanh chóng, họ sẽ được đi trên con đường mà sẽ không gặp phải bất cứ cản trở gì cả. Nhưng ở đây, nếu họ làm theo những điều đó thì lại họ lại phải chịu tắc đường, nhiều khi là bị va quệt khiến họ bị tổn hại về mặt kinh tế, thời gian, thậm chí là cả tính mạng.

Vì thế, có thể nói rằng người dân đã “cùn” và làm như thế để nói với những người làm công tác quản lý rằng họ yếu kém. Nhưng điều đó là điều cực chẳng đã nên người ta mới làm như vậy để người có trách nhiệm thấy được sự tồn tại yếu kém của mình." - TS Phạm Mạnh Hà phân tích.

Nam Phong