Cán bộ sa ngã, tù tội... thiệt hại quá lớn cho dân, cho nước

18/01/2018 06:35
ĐẠI TÁ NGUYỄN HUY VIỆN
(GDVN) - Để không xảy ra tình trạng lớp cán bộ trước vào tù, lớp cán bộ sau có thể tiếp bước sai phạm thì phải gắn liền phát triển kinh tế với cải cách thể chế...

LTS: Trước sự việc nhiều cán bộ, lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp rơi vào cảnh lao lý, tác giả Nguyễn Huy Viện, một Đại tá quân đội đã nói lên nỗi lòng mình...

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tại phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân Hà Nội xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 thuộc cấp, trong phần tự bào chữa cho mình, ông Đinh La Thăng nghẹn ngào:

Bị cáo mong làm sao chấp hành án, trước khi chết được ra tù để được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân. Nếu có chết thì là ma tự do, chứ không phải ma tù”.

Nghe lời khẩn cầu này, dù có oán giận ông Đinh La Thăng bao nhiêu, mọi người cũng không thể không bùi ngùi cho một con người khi ở đỉnh cao quyền lực “nói vạn người nghe, đe ngàn người sợ” lại rơi vào tình cảnh bi đát như vậy.

Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Trong bài đàm luận này, người viết không phê phán, oán trách các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm trong vụ án này và rất nhiều bị cáo, phạm nhân trong nhiều vụ án kinh tế khác ở các tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế Nhà nước hay những cán bộ lạm dụng chức quyền để vụ lợi.

Bởi vì các bản án, các quyết định kỷ luật đã tuyên, sự thể cũng đã “hai năm rõ mười” hơn nữa có rất nhiều bài báo viết về các nhân vật và chủ đề này.

Tôi chỉ đặt ra những giả định “nếu như…” dưới đây với các cơ quan công quyền, đó là:

Nếu như có sự nhìn nhận đúng mức vai trò của công tác giáo dục phẩm chất đạo đức, của “đấu tranh tự phê bình và phê bình” để đừng tuyệt đối hóa hoặc quá kỳ vọng vào những phương pháp này mà tập trung cho cải cách thể chế, cải cách cơ chế thì liệu có xảy ra hàng chục đại án trong các doanh nghiệp Nhà nước?

Liệu hàng trăm cán bộ mà phần đông được đào tạo cơ bản, trong đó nhiều người có năng lực có bị kỷ luật hoặc lâm vào cảnh lao lý không?

 Nếu như việc cải cách cơ chế quản lý kinh tế quyết liệt hơn, nhằm đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch;

Nếu như chủ trương cổ phần hoá không chùng chình; nếu như Nhà nước đừng quá ôm đồm trong quản lý kinh tế mà chỉ đóng vai trò “kiến tạo” như Thủ tướng Chính phủ vẫn thường xuyên nhấn mạnh trong những năm gần đây;

Nếu như công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ở tất cả các cấp đều đảm bảo thực chất thì Nhà nước có bị thất thoát hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng như vừa qua hay không?

Cán bộ sa ngã, tù tội... thiệt hại quá lớn cho dân, cho nước ảnh 2Cải cách thể chế, “nhóm lợi ích" và “bè cánh”

Khi bàn luận về vấn đề này, cần phải nhắc lại một sự việc.

Đó là tại Hội nghị của Chính phủ triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước năm 2014 - 2015, tổ chức hôm 18/2/2014, ông Phan Đăng Tuất lúc bấy giờ là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Rượu bia & Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã cảnh báo:

"Mâu thuẫn trong các doanh nghiệp Nhà nước không bao giờ hết. Nếu Vinashin, Vinalines cổ phần hóa sớm thì quản lý nhà nước cũng đỡ vất vả.

Mà không đẩy nhanh cổ phần hoá thì tôi e mấy năm tới, nhiều anh ở đây (dự Hội nghị nêu trên – tác giả ghi chú) cũng lại phải “đi” thôi (ý nói phải đi tù – tác giả ghi chú)"*.

Đúng như dự cảm của ông Phan Đăng Tuất, rất nhiều người dự hội nghị trên đây và cả những người không dự hội nghị này cho đến nay nặng thì trở thành những bị can, bị cáo, phạm nhân; nhẹ thì bị kỷ luật, mất chức.

Riêng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hàng loạt các đời Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Thành viên Hội đồng thành viên bị khởi tố bị can.

Nếu như chúng ta để cho kinh tế thị trường vận hành theo đúng quy luật của nó, không có tình trạng “con đẻ” “con nuôi” trong một nền kinh tế, mọi thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng thì đến năm 2017 (tức sau hơn 30 thực hiện đường lối năm đổi mới), không thể có thực trạng đáng buồn đó là:

Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% Singapore, 17,6% Malaysia, 87,4% Lào;

GDP theo đầu người của Việt Nam không chỉ dừng lại ở mức 2.385 USD (thuộc nhóm các nước thấp nhất Đông Nam Á) mà phải gấp đôi, gấp ba con số đó.

Bởi các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan… điểm xuất phát cũng tương đương điểm xuất phát của Việt Nam, nhưng chỉ sau 20 năm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GDP theo đầu người của họ là 5 đến trên 8000 USD.

Chúng ta đã không tận dụng được lợi thế của nước đi sau.

Từ những thành công và những hạn chế, mất mát của hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới;

Từ thực tiễn vận hành của nền kinh tế thị trường và kinh nghiệm quản trị quốc gia của các nước phát triển giúp chúng ta rút ra được những bài học xương máu dưới đây:

Thứ nhất: Cần khắc sâu lời dạy của Hegel, Marx (các nhà kinh điển của phép biện chứng), rằng mọi quy luật tự nhiên cũng như quy luật xã hội đều tồn tại, vận động khách quan, ngoài ý muốn của con người.

Cán bộ sa ngã, tù tội... thiệt hại quá lớn cho dân, cho nước ảnh 3Cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Và muốn tồn tại, phát triển thì dù là một cá thể, một quần thể, một cộng đồng hay một quốc gia đều phải tôn trọng và thích ứng với quy luật chứ không được can thiệp vào quy luật! 

Bởi vậy, khi chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường thì phải tôn trọng các quy luật nội tại của kinh tế thị trường, mọi sự can thiệp đều làm cho nền kinh tế trở nên méo mó và đều phải trả giá đắt.

Điều này được chứng minh qua thực tiễn của đất nước trong mấy chục năm qua.

Thứ hai: Phải thẳng thắn và dũng cảm thừa nhận, nguyên nhân sâu xa của “quốc nạn” tham nhũng hiện nay là do những bất cập về thể chế và cơ chế quản lý kinh tế.

Nếu chỉ dừng lại ở “công đoạn” điều tra, phát hiện, xét xử tham nhũng thì khó mà thành công trong việc chống loại “giặc nội xâm này”.

Vì như vậy chỉ xử lý phần ngọn (trong Y học gọi là chỉ chữa trị triệu chứng mà chưa chữa trị căn nguyên của con bệnh), chống tham nhũng kiểu như vậy thì lớp cán bộ trước vào tù lại có lớp cán bộ sau tiếp bước.

Cho nên muốn chống tham nhũng tận gốc và không để mất cán bộ thì không có cách nào khác là phải cải cách thể chế và cơ chế quản lý kinh tế, xã hội. Vì đây là cái gốc của vấn đề.

Việt Nam là nước đi sau trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường và xây dựng nhà nước pháp quyền, muốn cải cách thể chế và cải cách cơ chế quản lý kinh tế thành công không thể không tham khảo, tiếp thu tinh hoa của nhân loại về vận hành của kinh tế thị trường và xây dựng nhà nước pháp quyền.

Bởi đây là tinh hoa của nhân loại về phát triển kinh tế và xây dựng bộ máy nhà nước, được các quốc gia tiên tiến áp dụng thành công hàng trăm năm qua và đã trở thành giá trị phổ quát của thế giới văn minh.

Nếu chúng ta không mạnh dạn tham khảo, tiếp thu mà lại tiếp tục mò mẫm tìm đường kiểu “dò đá qua sông” trong xây dựng bộ máy Nhà nước thì đang vô tình tự đẩy đất nước càng ngày càng tụt hậu! 

Thứ ba: Chủ trương “Chính phủ không đi bán bia, bán sữa” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần sớm được thực hiện trong các lĩnh vực, các ngành kinh tế để mạnh dạn cổ phần hóa, tư nhân hóa các doanh nghiệp kinh tế Nhà nước.

Đã là kinh tế thị trường, nên chăng các doanh nghiệp kinh tế Nhà nước chỉ tham gia các lĩnh vực phi lợi nhuận và những lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng.

Để không xảy ra tình trạng lớp cán bộ trước vào tù lại có lớp cán bộ sau tiếp bước sai phạm; để đất nước phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh thì phải gắn liền phát triển kinh tế với cải cách thể chế, cải cách cơ chế quản lý kinh tế, xã hội.

Tài liệu tham khảo:

*"Rề rà cổ phần hóa, sẽ mất chức!", báo Người lao động ngày 18/2/2014.

ĐẠI TÁ NGUYỄN HUY VIỆN