Cán bộ vi phạm, cần xử lý cả người tiến cử

22/02/2018 07:29
XUÂN QUANG
(GDVN) - Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho rằng, đây là một trong những vấn đề quan trọng trong xử lý cán bộ vị phạm cần được quan tâm, xem xét...

Vi phạm về công tác cán bộ do người đứng đầu chưa nghiêm túc

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, việc nhiều cán bộ, nguyên cán bộ cấp cao có vi phạm về công tác cán bộ vừa bị đưa ra xử lý thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng, Nhà trong việc chống tiêu cực, suy thoái, làm trong sạch bộ máy.

Đây cũng sẽ là dấu hiệu tích cực góp phần củng cố niềm tin của toàn Đảng, toàn dân đối với cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Cán bộ vi phạm, cần xử lý cả người tiến cử ảnh 1Nói như Kiểm tra, Thanh tra Thanh Hóa thì bộ máy Nhà nước còn đâu kỷ cương nữa!

Nhận định về nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái của một số cán bộ cấp cao có vi phạm về công tác tổ chức cán bộ tại một số tỉnh như Thanh Hóa, Quảng Nam, Hải Dương... thời gian vừa qua, Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho rằng, việc này chủ yếu do người đứng đầu (nơi xảy ra vi phạm) chưa nghiêm túc.

"Những quy định về việc bổ nhiệm cán bộ rất chặt chẽ. Theo đó, nếu quy trình được thực hiện khách quan, vô tư thì chúng ta sẽ chọn được cán bộ tốt.

Tuy nhiên quy trình sẽ trở nên hình thức nếu người đứng đầu thiếu công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ.

Hay nói cách khác, quy trình sẽ bị "bóp méo" nếu người đứng đầu tác động vào quy trình để hợp thức hóa mục đích cá nhân, nhằm bố trí người thân, quen vào các vị trí quyền lực.

Khi đó, kết quả đánh giá của tập thể khó có thể coi là khách quan được.

Cho nên, nếu quy trình chỉ mang tính hình thức sẽ không tìm đúng người cần tìm vào vị trí đề bạt, bổ nhiệm", Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho biết. 

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền - Ảnh: Trinh Phúc.
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền - Ảnh: Trinh Phúc.

Cần lượng hóa quy định khi kỷ luật cán bộ 

Vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng cho rằng, việc một số địa phương đưa ra hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ vi phạm về công tác tổ chức cán bộ thời gian qua, điển hình như Thanh Hóa trong vụ Trần Vũ Quỳnh Anh là cách làm có phần nể nang, né tránh, chưa thể hiện đúng tinh thần của Trung ương trong việc kỷ luật cán bộ vi phạm.

Bên cạnh đó, Đại biểu Bùi Văn Xuyền cũng cho rằng, cấp có thẩm quyền cũng cần có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể hơn trong việc xử lý vi phạm của cán bộ.

"Các quy định của Đảng trong việc xử lý cán bộ vi phạm là rất nghiêm khắc, nhưng theo tôi khi xử lý vi phạm, cần phải căn cứ cụ thể hơn từng đến hành vi vi phạm, lượng hóa hậu quả xảy. 

Tức là, cần soi chiếu hành vi vi phạm của cán bộ theo những quy định cụ thể để đưa ra mức kỷ luật tương ứng.

Cán bộ vi phạm, cần xử lý cả người tiến cử ảnh 3Ông Lưu Bình Nhưỡng nói nên cách chức ông Ngô Văn Tuấn

Chẳng hạn, trường hợp cán bộ vi phạm chậm khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, hoặc khi đã có chỉ đạo của Trung ương, nhưng đơn vị có trách nhiệm không thực hiện đúng thì cần tăng nặng mức xử lý vi phạm. Cái này cần có quy định cụ thể.

Làm như vậy, cấp dưới sẽ không dám hời hợt trong việc xử lý vi phạm của cán bộ", Đại biểu Xuyền nói.

Vị Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đề nghị xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, người tiến cử cán bộ nếu trong quá trình làm việc cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, để xảy ra vi phạm.

"Quy trách nhiệm cho người đứng đầu phải lượng hóa như thế nào nếu cấp dưới vi phạm?

Đây là một trong những hạn chế hiện nay cần phải được xem xét. 

Bên cạnh đó cũng cần xử lý trách nhiệm liên đới của người giới thiệu, đề bạt, trong trường hợp cán bộ đó vi phạm", Đại biểu Xuyền nêu ý kiến.

XUÂN QUANG