Cán bộ xin lại tiền đền bù của dân là không thể chấp nhận được

04/12/2016 07:07
QUỐC TOẢN
(GDVN) - “Tôi nghĩ sai thì phải sửa, trả lại tiền cho dân, xin lỗi người dân thì sẽ nhận được sự đồng tình của nhân dân, đó mới là cán bộ của dân, vì dân”, ông Diến nói

Trước đó, theo xác minh của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều hộ dân tại trú tại phố 7, phố 8, phường Đông Cương (TP. Thanh Hóa) vừa nhận được tiền đề bù đất, bất ngờ bị cán bộ phường này "xin" gần một nửa số tiền nói trên

Điều đáng nói là, trong số các hộ dân "bị" cán bộ phường Đông Cương “xin” lại tiền đền bù theo kiểu "tự nguyện", có rất nhiều thành phần thuộc diện nghèo, người quá tuổi lao động.

Hiện tại, UBND thành phố Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu lãnh đạo phường Đông Cương báo cáo sự việc có liên quan.

Không thể chấp nhận được

Bình luận về việc này (hôm 3/12), bà Nguyễn Thị Khá - nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, đây là vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hết sức rõ ràng.

Bà Lê Thị Lũy (73 tuổi, trú tại phố 7, phường Đông Cương, TP. Thanh Hóa), một trong những hộ dân trong diện đền bù của dự án, gia cảnh nghèo khổ nhưng cán bộ vẫn quyết xin bà tiền đền bù.
Bà Lê Thị Lũy (73 tuổi, trú tại phố 7, phường Đông Cương, TP. Thanh Hóa), một trong những hộ dân trong diện đền bù của dự án, gia cảnh nghèo khổ nhưng cán bộ vẫn quyết xin bà tiền đền bù.

"Người dân nhận tiền đền bù mà cán bộ thu/xin lại trong bất cứ hoàn cảnh nào là điều hết sức vô lý.

Tôi cho rằng đây là việc làm sai trái của chính quyền địa phương.

Vấn đề tự nguyện đóng góp ở đây phải được hiểu là tự mình muốn làm, tự mình muốn như thế, không ai bắt buộc được. 

Ví dụ, cơ quan có thẩm quyền phát động chương trình đóng góp để hỗ trợ người nghèo, hoặc ủng hộ đồng bào bão lụt... mà được người dân ủng hộ, hưởng ứng theo cách ai có nhiều đóng góp nhiều, có ít đóng góp ít, thì đó mới gọi là tự nguyện.

Nguyên Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thị Khá tại Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Ảnh VGP/Nhật Bắc)
Nguyên Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thị Khá tại Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Còn trong trường hợp này, cán bộ xin/thu lại tiền đền bù của người dân, dù dưới bất cứ hình thức nào, thì sao lại nói người ta tự nguyện được? "Tự nguyện" theo kiểu này là không rõ ràng.

Mà nếu có huy động đóng góp cho địa phương thì người ta cũng không nên huy động những người nghèo, người hết tuổi lao động.

Đằng này, người ta thu/xin lại tiền của những người không còn sức lao động, người nghèo, là làm sao dân đủ sức đóng góp được", bà Nguyễn Thị Khá phân tích.

Đại biểu Quốc hội khóa XIII đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc, xác minh làm rõ, trả lời công khai trước công luận và nhân dân..

"Người nào thực hiện sai chủ trương thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", bà Khá đề nghị.

Sai phải xin lỗi dân

Đồng quan điểm trên, ông Mai Sỹ Diến – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa phân tích thêm, nếu đúng bản chất sự việc theo phản ánh, thì rất khó chấp nhận cách làm của lãnh đạo phường Đông Cương.

Đại biểu Mai Sỹ Diến phân tích: “Tiền đề bù khi thu hồi đất đai là chính sách của Nhà nước đối với người dân bị thu hồi đất để giúp họ chuyển đổi nghề nghiệp, đảm bảo mưu sinh, ổn định cuộc sống…

Chính quyền các cấp phải động viên, tạo điều kiện để họ sớm ổn định sản xuất, tìm việc làm mới khi họ không còn tư liệu sản xuất truyền thống là đất đai.

Không một tổ chức, cá nhân nào dưới các danh nghĩa khác nhau lợi dụng vị trí công tác để vận động đóng góp, ủng hộ “tự nguyện” nhưng dưới hình thức “ép buộc” mà bản thân người dân không muốn, không tự nguyện bởi họ còn trăm bề lo toan.

Việc làm trên là không đúng quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở”, ông Diến cho biết.

Ông Mai Sỹ Diến – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa (ảnh: Vietnamplus.vn).
Ông Mai Sỹ Diến – Phó trưởng đoàn Đại biểu  Quốc hội tỉnh Thanh Hóa (ảnh: Vietnamplus.vn).

Một số ý kiến cho rằng, đây là một hình thức tham nhũng chính sách khi thực hiện đền bù đất cho người dân, làm ảnh hưởng niềm tin của người dân đối với cơ quan quản lý.

Nhận định về vấn đề này, ông Diến cho rằng, tham

Cán bộ xin lại tiền đền bù của dân là không thể chấp nhận được ảnh 4

Người dân vừa nhận tiền đền bù thì cán bộ đến "xin" lại gần một nửa

nhũng chính sách là việc cán bộ có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi chính sách.

"Ở đây tôi đề nghị chính quyền Thành phố Thanh Hóa chỉ đạo nắm tình hình, nếu đúng như báo nêu thì chỉ đạo xem xét, kết luận và xử lý vi phạm nếu có, nhất là xem xét việc có lợi dụng để vụ lợi, tham nhũng hay không?

Nếu có thì đề nghị xử lý cho nghiêm để giáo dục, răn đe và ngăn chặn các trường hợp tương tự”, Đại biểu Mai Sỹ Diến đề nghị.

Cũng theo Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, trường hợp cán bộ làm sai thì nên khắc phục và xin lỗi nhân dân.

“Tôi nghĩ sai thì phải sửa, trả lại tiền cho dân, xin lỗi người dân thì sẽ nhận được sự đồng tình của nhân dân, đó mới là cán bộ của dân, vì dân”, ông Diến cho biết.

QUỐC TOẢN