Cần chấm dứt chuyện bỏ phiếu bầu cán bộ kiểu “anh này được đấy!”

28/05/2018 10:08
Đỗ Thơm
(GDVN) - Theo đại biểu Bùi Văn Phương, người bỏ phiếu mà chỉ gặp nhau 1, 2 lần, chào hỏi vui tươi cảm thấy “anh này được đấy" thì khó chọn được cán bộ tốt.

Đại biểu Bùi Văn Phương - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, cán bộ và công tác cán bộ là vấn được quan tâm từ lâu. Ai cũng nhận thức về ý nghĩa tầm quan trọng của nó nhưng thời gian qua việc triển khai không đạt được kết quả như mong muốn.

Ông Phương dẫn chứng, chủ trương của Đảng về chiến lược công tác cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa ở Nghị quyết Trung ương 3 khóa 8, triển khai nhiều lần.

“Chủ trương rất đúng, mọi người nhận thức cũng thấy đúng nhưng làm thì lại không có được kết quả như mong muốn. Nguyên nhân vì sao?", ông Phương đặt câu hỏi.

Theo đại biểu Bùi Văn Phương, nguyên nhân đó là chủ trương chỉ là đường hướng chung nhất, nhưng từ chủ trương ra vấn đề cụ thể là từng việc gì thì lại không cụ thể.

Cùng với đó, những vấn đề phải cụ thể thì lại thể hiện chung chung như chủ trương dẫn đến thực hiện kết quả không được như mong muốn.

Đại biểu Bùi Văn Phương trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. ảnh: ĐT.
Đại biểu Bùi Văn Phương trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. ảnh: ĐT.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình nhận định: “Nói về bổ nhiệm cán bộ, quy trình rất đầy đủ. Tôi là người nhiều năm làm tổ chức, tôi phải nói là quy trình rất đúng. Nhưng quy trình ấy phát huy dân chủ đã thực chất chưa?

Trong các văn bản của Đảng cũng nói phải thực sự phát huy dân chủ, nhưng trên thực tế thì ở nơi này nơi khác lại có chuyện dân chủ hình thức.

Chính vì những chuyện dân chủ hình thức nên chủ trương rất đúng nhưng quá trình thực thi dẫn đến kết quả cuối cùng không như mong đợi”.

Vấn đề bây giờ là phải khắc phục những tồn tại này như thế nào?

“Tôi cho là vừa rồi từ chủ trương đến biện pháp thực hiện đã được lượng hóa bằng việc định lượng cụ thể.

Đây chính là điểm mới trong Nghị quyết 26 của Hội nghị Trung ương 7 khóa 12.

Bổ nhiệm làm bao nhiêu việc, các bước quy hoạch ra làm sao. Tôi hy vọng mọi việc cụ thể như vậy sẽ cho ra sản phẩm là một cán bộ thực sự đủ đức, đủ tài”, đại biểu Phương phân tích.

Ngoài việc định lượng cụ thể trong công tác cán bộ, theo đại biểu Phương, vấn đề bỏ phiếu bầu cử cán bộ tới đây cũng phải đổi mới cách làm.

Cần chấm dứt chuyện bỏ phiếu bầu cán bộ kiểu “anh này được đấy!” ảnh 2Ông Dương Trung Quốc: “Cán bộ trong sạch chưa đủ mà phải biết xấu hổ”

“Việc bầu cử phải theo thứ tự, mỗi người tự lên nhận phiếu, vào bàn gạch phiếu. Chỉ có mình anh, anh cân nhắc chọn ứng viên nào rồi bỏ vào hòm phiếu.

Thực sự việc phát phiếu đại trà như hiện nay, ai gạch ứng viên lại sợ người bên cạnh nhòm thấy.

Người đó mà thêu dệt kiểu như: “Ơ hôm nọ, thằng ấy nó gạch anh!” và bình luận thêm chút nữa thì người gạch ứng viên đủ chết rồi! Điều đó gây ảnh hưởng tâm lý với người bỏ phiếu”, ông Phương nêu quan điểm.

Đại biểu Bùi Văn Phương phân tích thêm, đối tượng tham gia lấy phiếu tín nhiệm cán bộ cần rộng hơn.

Việc rộng hơn này phải dựa trên nguyên tắc là những người liên quan và hiểu biết đến công việc của ứng viên, để lá phiếu đó chất lượng, không hình thức.

“Người bỏ phiếu mà chỉ gặp nhau 1, 2 lần, chào hỏi vui tươi và cảm thấy “anh này được đấy!”. Việc bỏ phiếu như vậy rất cảm tính làm sao chọn được ứng viên tốt nhất”, ông Phương nhận định.

Vì thế, theo đại biểu Phương, người được mời tham gia bỏ phiếu phải có am hiểu chuyên môn, có hiểu biết về phẩm chất, đạo đức của ứng viên. Khi ấy, lá phiếu đó mới thực sự có giá trị.

Cuối cùng là về tổ chức thi tuyển cán bộ, Nghị quyết 26 Trung ương 7 cũng đã đề cập đến việc thi tuyển công khai chọn cán bộ cấp vụ, sở, phòng. Đó là việc cần nhân rộng để đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong lựa chọn cán bộ.

Vấn đề là cách thi thế nào để không ai can thiệp vào kết quả?

Cần chấm dứt chuyện bỏ phiếu bầu cán bộ kiểu “anh này được đấy!” ảnh 3Chủ trương một, quyết tâm phải mười

Ông Phương nói: “Tôi cho rằng, hiện nay công nghệ thông tin rất hiện đại.

Các cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi tuyển có thể soạn ra một ngân hàng đề để cho ứng viên thi. Chỉ mình ứng viên và máy tính, anh làm xong là có kết quả.

Còn việc phỏng vấn trực tiếp, đưa tình huống, hội đồng chấm là một chuyện nhưng có thể có khán giả bên dưới cũng được đánh giá như các cuộc thi trên truyền hình hiện nay.  

Khán giả bên dưới cũng phải là người có chuyên môn, am hiểu về vị trí, con người này. Nếu chúng ta làm được những việc này, chắc chắn việc lựa chọn cán bộ sẽ tạo được kết quả tốt”.

Đỗ Thơm