Cắn răng nhịn nhục làm hết hợp đồng, lao động Việt Nam bị giữ trái phép ở Ả Rập

28/01/2016 13:22
THỤY DU
(GDVN) - “Tao sẽ cho mày về theo dạng bị trục xuất, còn bây giờ mày phải đi làm lúc nào tao bảo nghỉ mới được nghỉ. Còn mày không đi làm tao không cho mày về nước”.

Khóc hết nước mắt vì bị giữ lại trái phép dù đã hết hạn hợp đồng 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn cầu cứu của một số lao động người Việt Nam tại Ả Rập Saudi (còn được gọi là Saudi Arabia, Arab Saud, Ả-Rập-Xê-Út), phản ánh về việc họ bị chủ sử dụng lao động vắt kiệt sức lao động, cuộc sống không đảm bảo, giam giữ trái phép không cho về nước dù đã hết hợp đồng…

Anh N.V.Đ (Vân Hội, Tam Dương, Vĩnh Phúc) cho biết, tháng 10/2012, anh được đơn vị cung ứng lao động - Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Cát (sau đây xin gọi tắt là Công ty Vĩnh Cát, có trụ sở tại Hà Nội) ký hợp đồng đưa người đi làm việc có thời hạn tại Ả Rập Saudi, ngành nghề lao động: Thợ sắt.

Tuy nhiên, tại Ả Rập Saudi, người lao động không được đơn vị sử dụng lao (Công ty Mohamed Suleiman Muhaisin Contracting) động bố trí đúng chuyên môn đào tạo.

“Tôi sang đây,  họ cho  làm công việc linh tinh, có đúng

Cắn răng nhịn nhục làm hết hợp đồng, lao động Việt Nam bị giữ trái phép ở Ả Rập ảnh 1

Tiếng kêu cứu khẩn thiết của người lao động Việt Nam từ Ả- rập Xê- út

ngành nghề đăng ký, đào tạo đâu. Hôm thì cho tôi đi vác xi - măng hôm thì cho đi trộn hồ”, anh Đ. nói.

Cũng theo anh Đ., trong quá trình làm việc, chủ sử dụng lao động đã không đáp ứng đầy đủ chế độ tiền lương, chi phí sinh hoạt theo quy định trong hợp đồng.

Chúng tôi và những người lao động Việt Nam tại Ả Rập Saudi đã bị bóc lột sức lao động thậm tệ. Ngày nào cũng làm 12 tiếng cực kỳ vất vả, cực nhọc.

Có khi người lao động bị ốm mà họ cũng không cho nghỉ. Nếu xin nghỉ vì ốm, mà chủ không cho, đồng nghĩa với việc họ không chịu khoản phí khám chữa bệnh nào cho chúng tôi.

Nếu là bệnh nhẹ thì không sao, nhưng nếu bệnh nặng, chờ họ đưa đi bệnh viện thì chắc là tôi chết lâu rồi”, anh Đ. cho biết.

Bữa cơm đạm bạc của người lao động Việt Nam tại Ả Rập Saudi, vì lý do an toàn cho người lao động nên chúng tôi đã phải cắt bỏ phần hình ảnh khuôn mặt. (ảnh Nhân vật cung cấp).
Bữa cơm đạm bạc của người lao động Việt Nam tại Ả Rập Saudi, vì lý do an toàn cho người lao động nên chúng tôi đã phải cắt bỏ phần hình ảnh khuôn mặt. (ảnh Nhân vật cung cấp).

Anh Đ. kể tiếp: “Từ khi sang đây, chúng tôi như người mất quyền công dân. Chủ sử dụng lao động bảo làm gì là phải nghe đó.

Họ thích trả lương vào ngày nào thì trả, trả bao nhiêu thì trả. Có hôm bị ốm, tôi không đi làm được, chủ sử dụng lao động dọa, "nếu không đi làm thì không được về Việt Nam”

Điều đáng nói là sau khi hết hợp đồng lao động tại Ả Rập Saudi, người lao động chưa được can thiệp để về nước theo quy định.

Lao động bị giữ lại làm việc không có hợp đồng trong nhiều tháng và luôn trong tâm thế lo lắng, sợ bị đe dọa trục xuất, hoặc vào trại tị nạn nếu không nghe lời ông chủ.

"Tao sẽ cho mày về theo dạng bị trục xuất, còn bây giờ mày phải đi làm lúc nào tao bảo nghỉ thì mày mới được nghỉ.

Còn mày không đi làm tao không cho mày về nước”, anh Đ. tố cáo hành vi đe dọa của chủ sử dụng lao động tại Ả Rập Saudi.

Tiền lương cơ bản kết kết trong hợp đồng (SR1150 tương đương 320USD) và số tiền lao động thực lĩnh (SR 550 tương đương 150 USD) của người lao động có sự chênh lệch khá lớn (ảnh: Nhân vật cung cấp).
Tiền lương cơ bản kết kết trong hợp đồng (SR1150 tương đương 320USD) và số tiền lao động thực lĩnh (SR 550 tương đương 150 USD)  của người lao động có sự chênh lệch khá lớn (ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cũng theo anh Đ. hiện tại ở Ả Rập Saudi còn 5 người Việt Nam đang lao động theo hợp động với chủ sử dụng lao động, trong đó nhiều người đã hết hạn hợp đồng, bị "giữ" lại nhiều tháng mà không có hợp đồng lao động mới. 

“Chúng tôi lo sợ nhất là về nước theo dạng bị trục xuất vì có người sang cùng chúng tôi đã đóng tiền về mà vẫn phải vào trại tị nạn hai tuần.

Giờ đây, mong mỏi lớn nhất của chúng tôi là đoàn tụ cùng gia đình.

Còn bây giờ, chúng tôi bên này chẳng biết bấu víu vào ai và thật sự lo lắng cho số phận của mình những ngày sắp tới. 

Chúng tôi mong cơ quan chức năng, báo chí vào cuộc giúp đỡ chúng tôi sớm hồi hương”, anh Đ. cho biết.

Quá hạn hợp đồng là "chuyện bình thường"

Hôm 25/1, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về việc lao động quá hạn không được ký tiếp hợp đồng lao động, nhưng chủ sử dụng vẫn "giữ" người, đại diện lãnh đạo Công ty Vĩnh Cát cho rằng, đây là chuyện bình thường".

“Chắc bên họ đang cần người cần việc nên họ giữ lao động của mình ở lại vài ba tháng. Còn việc lao động muốn về nước sau khi hợp đồng kết thúc thì chủ sử dụng lao động phải làm vi-sa cho họ.

Khi đó lao động mới được về chứ đâu đơn giản”, ông Nguyễn Thanh Sơn – Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Cát cho biết.

Cũng theo ông Sơn, đến thời điểm hiện tại, Công ty chưa nhận được đề nghị của lao động về việc muốn về nước sau khi hết hợp đồng.

“Bọn nó chưa liên lạc về Công ty làm sao biết được nó muốn về hay không? Đúng không?.

Nếu nhận được phản hồi, chúng tôi sẽ can thiệp với chủ sử dụng lao động bên đó, xem xét theo đề nghị của người lao động theo quy định”, ông Sơn nói.

"Bữa cơm chan đầy nước mắt" của người lao động ở Ả Rập Saudi. Ảnh người lao động cung cấp.
"Bữa cơm chan đầy nước mắt" của người lao động ở Ả Rập Saudi. Ảnh người lao động cung cấp.

Tuy nhiên, tại mục 5, điều II, hợp đồng đưa người lao động đi làm việc có thời hạn tại Ả Rập Saudi,  quy định quyền và trách nhiệm của Công ty Vĩnh Cát thể hiện rõ: Tổ chức cho người lao động đi và về theo đúng hợp đồng đã ký kết với đối tác nước ngoài.

Mục 17.3 điều III, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động ghi rõ: Khi lao động kết thức hợp đồng phải về nước. Nếu gia hạn hợp đồng phải được sự đồng ý của Công ty Vĩnh Cát.

Như vậy, về trách nhiệm, Công ty Vĩnh Cát phải tổ chức đưa lao động về nước sau khi kết thúc hợp đồng theo quy định tại mục 5, điều II.

Công ty Vĩnh Cát càng không thể đưa ra lý do nhằm thoái thác trách nhiệm theo kiểu "quá hạn hợp đồng là chuyện bình thường".

Hay nói cách khác, đó không phải là chuyện người lao động "thích về là về, thích ở là ở" theo cách nói của lãnh đạo Công ty này (vi phạm quy định tại mục 17.3, điều II).

Trong khi đó, phía người lao động thì cho rằng, họ đã liên lạc nhiều lần tới Công ty Vĩnh Cát để “cầu cứu” nhưng bị làm ngơ: “Chúng tôi có liên lạc với Đại sứ quán thì họ nói gọi về Công ty Vĩnh Cát đề nghị giải quyết.

Phía Công ty cung ứng lao động vẫn làm ngơ, chưa có động thái gì “giải cứu” người lao động hết hợp đồng”, anh Đ. Cho biết. 

THỤY DU