Cảnh sát cơ động sẽ được trang bị máy bay, tàu thủy

24/12/2013 10:37
Phương Linh (tổng hợp)
(GDVN) - Ngày hôm qua (23.12) Pháp lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) thông qua tại phiên họp thứ 23 về việc CSCĐ được trang bị máy bay, tàu thủy và các vũ khí tối tân khác.

Tuy nhiên, trong các tình huống xảy ra bạo loạn, tụ tập đông người phá rối an ninh, việc sử dụng vũ khí vừa phải tuân thủ những quy định của pháp lệnh nêu trên và vừa phải tuân thủ các quy định riêng để bảo đảm không làm ảnh hưởng đến an ninh, chính trị và tính mạng, sức khỏe con người. 

Là lực lượng đặc biệt, CSCĐ được ưu tiên trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thủy, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng hiện đại. 

Theo đó, CSCĐ thuộc Công an nhân dân, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. CSCĐ có các nhiệm vụ chính như: cơ động chiến đấu chống các hoạt động phá hoại an ninh, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin; trấn áp kịp thời các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm có vũ trang; các vụ gây rối, biểu tình bất hợp pháp và các hành vi vi phạm pháp luật khác xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. 

Vũ trang tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật. Vũ trang canh gác bảo vệ các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa; tham gia hỗ trợ các hoạt động tư pháp... 

Ảnh :QĐND
Ảnh :QĐND

Tại báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý Pháp lệnh, theo ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh (QPAN) của QH - do tính chất đặc thù, CSCĐ ngoài việc được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định trong Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, còn được trang bị, sử dụng một số loại vũ khí khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh đó và được trang bị, sử dụng các loại phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng. 

Trong các tình huống xảy ra bạo loạn, tụ tập đông người phá rối an ninh, việc sử dụng vũ khí vừa phải tuân thủ những quy định của pháp lệnh nêu trên và vừa phải tuân thủ các quy định riêng để bảo đảm không làm ảnh hưởng đến an ninh, chính trị và tính mạng, sức khỏe con người.  

Quá trình thảo luận về việc sử dụng vũ khí, ý kiến ĐBQH đã đặt câu hỏi về quy định cho phép nổ súng của CSCĐ trong trường hợp xảy ra bạo loạn, biểu tình, tụ tập đông người phá rối an ninh. Theo Chủ nhiệm Ủy ban QPAN, pháp lệnh cũng quy định việc nổ súng của CSCĐ trong trường hợp xảy ra bạo loạn, tụ tập đông người phá rối an ninh do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

Cũng theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh, khi thảo luận về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ CSCĐ, đa số ý kiến nhất trí cần quy định chế độ, chính sách đặc thù đối với lực lượng CSCĐ, tuy nhiên cần xác định rõ đối tượng và loại chính sách cụ thể trên cơ sở phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và bảo đảm sự cân đối trong tổng thể chính sách chung đối với lực lượng Quân đội, Công an và các đối tượng khác ngoài Quân đội, Công an.

Theo tờ trình trước đó, CSCĐ có nhiệm vụ tham gia cứu nạn, cứu hộ, phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả bão, lũ lụt, hỏa hoạn. Nhưng hiện nay lực lượng CSCĐ, CSĐN đang gặp khó khăn, vướng mắc về cơ chế chỉ huy, điều hành, về cơ chế phối hợp với các lực lượng có liên quan trong việc đảm bảo an ninh, trật tự; về sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ đã được trang bị; về phân công, phân cấp, chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sỹ. 

Để tạo cơ sở pháp lý vững chắc, toàn diện trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, khủng bố, bạo loạn; bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, việc xây dựng, ban hành Pháp lệnh CSCĐ là một đòi hỏi khách quan, cần thiết

Trong khi đánh giá lại kỳ họp thứ sáu của QH, Chủ nhiệm Ủy ban QPAN Nguyễn Kim Khoa cho biết có những buổi thảo luận, có đoàn ĐBQH chỉ có 1 người tham dự. “Cử tri đã đặt câu hỏi khi trong nhiều phiên họp đại biểu vắng quá nhiều” - ông nói. Dù thông tin mỗi ngày QH họp chi phí mất 1 tỉ đồng đã được Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định là không có cơ sở từ trước, nhưng chuyện trách nhiệm của các ĐBQH trong chuyện họp hành vẫn bị cử tri than phiền.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng sau đó đề nghị Ban Công tác đại biểu gửi văn bản yêu cầu ĐBQH rút kinh nghiệm việc vắng họp. “Mấy kỳ gần đây đại biểu vắng họp quá nhiều, nói rõ là cử tri phê bình về nhiều phiên họp vắng quá nhiều đại biểu”. Ông cũng đề nghị các ĐBQH tham dự họp đầy đủ, không xếp lịch đi công tác nước ngoài và các chương trình khác khi QH họp./.

Phương Linh (tổng hợp)