Câu chuyện về chiếc bụng phệ của cảnh sát giao thông

07/03/2013 07:13
Bùi Hải
(GDVN) - Sáng kiến mới nhất 8 bước nhằm cải thiện hình ảnh cảnh sát giao thông, là một bước đi nỗ lực và thú vị của công an TP. Hà Nội.
CSGT phì phèo khói thuốc khi đang làm việc, đeo kính đen cũng sẽ bị xử lý kỷ luật.
 CSGT phì phèo khói thuốc khi đang làm việc, đeo kính đen cũng sẽ bị xử lý kỷ luật.


Những chiến sĩ bụng phệ, thấp bé nhẹ cân và nói năng không đúng mực sẽ phải  ngồi bàn giấy, tránh tiếp xúc với dân.

Nếu coi việc “phải về làm những công việc văn phòng thay vì hướng dẫn và xử lý vi phạm” là một hình phạt với CSGT, thì sẽ có một câu hỏi quan trọng được đặt ra.

Theo nguyên lý thông thường công việc văn phòng có thể ăn trắng mặc trơn, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu.

Trong khi đó, công việc hướng dẫn giao thông và xử lý vi phạm giao thông thì bụi bặm, mệt mỏi, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Thế thì tại sao, CSGT “không đủ tiêu chuẩn” lại bị phạt đưa về nơi... sướng hơn?

Chuyện ngược đời như vậy, nhưng có lẽ ai cũng hiểu:  Được vào cái nơi bụi bặm, mệt mỏi, nguy hiểm ấy, không phải là việc dễ dàng.

Nói đi thì phải nói lại cho công bằng. Nghề CSGT là một nghề chịu nhiều mất mát.

Nhiều CSGT đã hi sinh khi làm nhiệm vụ.

Nhiều CSGT khác đã bị xe điên biến thành “ngôi sao phim hành động bất đắc dĩ”, khi hất họ lên nắp capo, kéo lê tại cánh cửa xe, trên đường bỏ chạy.

Không ít kẻ vi phạm giao thông sẵn sàng cầm hàng nóng, vỏ chai đập vỡ, lấy luật giang hồ chống lại luật Giao thông.

Những mối “hiểm nguy” khác cũng đến với CSGT từ rất nhiều cuộc điện thoại can thiệp cho những đại gia, thiếu chủ biến đường phố thành sân nhà.

Những ngày nắng nóng gần 40 độ C, những ngày dưới 10 độ C rét cắt da cắt thịt, họ vẫn phải cắm chốt trên những tuyến đường.

Phải “chiến đấu” trong cái hỗn loạn của người tham gia giao thông thiếu ý thức suốt 3 khung giờ cao điểm ở các thành phố lớn mỗi ngày, mới thấy không có sức chịu đựng đủ lớn, họ không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Nhưng, những hình ảnh ấy, chỉ làm vợi đi phần nào, chứ không thể che lấp được những ác cảm mà xã hội dành cho lực lượng này. Mỗi khi nhắc đến những từ “làm luật”, “chung chi”, không ai là không hiểu.

Nhân viên hải quan Việt Nam ở một số nơi đã nhận được chỉ thị phải cười khi tiếp xúc với dân.

Sự thân thiện cởi mở của các công bộc là rất đáng quý, nhưng nếu sau khi cười rất tươi mà các “đầy tớ” vẫn tìm mọi cách ngấm ngầm sách nhiễu đương sự, thì nụ cười ấy sẽ chứa rất nhiều nọc độc.

Cơ chế “một cửa, một dấu” đem lại rất nhiều sự thông thoáng trong thủ tục, nhưng vẫn có nơi ngấm ngầm thực hiện “một cửa, nhưng nhiều… khóa” để vòi vĩnh nhân dân.

Tránh để CGTS bụng phệ tiếp xúc trực tiếp với dân là việc rất nên làm để thay đổi hình ảnh về một cán bộ “nặng nề, chậm chạp” trong mắt dân. Nhưng đó chỉ là việc trước mắt.

Việc lâu dài để thay đổi hình ảnh một cách triệt để nhất, chính là ngăn chặn được những CSGT bụng không phệ, nói năng không thô lỗ, nhưng lại rất biết cách làm “phệ” hầu bao của mình bằng cách… ăn bẩn.

Trong xã hội, không thiếu những người bụng phệ, béo tốt, nhưng hoàn toàn trong sạch. Và ngược lại.


Bùi Hải