Cháy TTTM Hải Dương: Người dân bức xúc trước công tác cứu hỏa của tỉnh

17/09/2013 14:03
Đỗ Tuyết (tổng hợp)
(GDVN) - Đã hơn một ngày xảy ra vụ hỏa hoạn nhưng đại diện Ban quản lý Trung tâm thương mại Hải Dương vẫn chưa có một lời chia sẻ hay nhận trách nhiệm với dân.
Rạng sáng ngày 15/9 một vụ cháy lớn xảy ra tại Trung tâm thương mại Hải Dương, nhiều gian hàng bị thiêu rụi, thiệt hại tài sản rất nặng nề...
Theo tờ Thanh Niên dẫn nguồn tin cho biết đến 8 giờ sáng nay 17.9, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ cháy tại Trung tâm thương mại Hải Dương (TP.Hải Dương, Hải Dương).

Nơi xảy ra vụ cháy. Ảnh Thanh Niên
Nơi xảy ra vụ cháy. Ảnh Thanh Niên

Tại đây, Đại tá Phạm Văn Loan, Phó giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, cho biết việc khám nghiệm do Viện Khoa học hình sự chủ trì và tiến hành độc lập. Về thời gian để có kết luận khám nghiệm, đại tá Loan cho biết chưa thể xác định được do hiện trường vụ cháy lớn, lớp tro quá dày và có nhiều chỗ khói vẫn còn bốc lên.
Tại hiện trường, toàn bộ các con đường dẫn vào trung tâm đều được phong tỏa. rong khi đó, tại các quán nước ven đường, nhiều tiểu thương vẫn vật vạ chờ đợi, với hy vọng được tiếp cận các quầy hàng, tìm lại số hàng hóa còn sót.
Theo VTC cho hay trước đó, chiều  16/9, đại diện một số cơ quan của tỉnh và chính quyền thành phố Hải Dương đã tổ chức hội nghị để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của trên 500 tiểu thương - nạn nhân vụ hỏa hoạn xảy ra tại Trung tâm Thương mại Hải Dương ngày 15/9 vừa qua.

Ban quản lý 'né' trách nhiệm?

Bày tỏ bức xúc, đau xót trước những thiệt hại do vụ cháy gây nên, ông Nguyễn Tuấn Độ - 77 tuổi (ở 4/2 Bùi Thị Cúc, TP Hải Dương) cho biết, hầu hết bà con tiểu thương kinh doanh ở TTTM đều phải huy động vốn liếng từ anh chị em, bạn bè và thậm chí là phải vay ngân hàng thì nay đã thành con số không.  Ông Độ cũng nhận xét, hệ thống cứu hỏa ở TTTM không phát huy được tác dụng; công tác cứu hỏa của tỉnh quá mỏng manh, vừa thiếu, vừa yếu. Đám cháy xuất hiện từ 1-2 giờ đêm nhưng gần sáng lực lượng cứu hỏa mới có mặt. Bên cạnh đó, tinh thần, trách nhiệm của anh em bảo vệ TTTM khi phát hiện và xử lý đám cháy chưa kịp thời.  Đồng quan điểm nêu trên, ông Đinh Đức Chung, 48 tuổi (ở 27 Quang Trung, TP Hải Dương) cho rằng, trách nhiệm lớn nhất khi xảy ra vụ hỏa hoạn này thuộc về Ban quản lý chợ TTTM Hải Dương. Nếu ban đêm cắt cử lực lượng bảo vệ thường xuyên đi tuần tra sẽ phát hiện ra khi đám cháy mới phát sinh.  Vì vậy, ông Hoàng Đức Trí, chủ hộ kinh doanh điện máy trong TTTM đề nghị phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người thiếu trách nhiệm để xảy ra vụ cháy trong ca trực bảo vệ chợ.  Một tiểu thương khác nhận xét, khu TTTM đường xá xung quanh thuận lợi, mấy hồ nước bên cạnh nhưng lại cứu hỏa không hiệu quả, 2 xe cứu hỏa của tỉnh không phát huy tác dụng. Trong khi đó, lực lượng cứu hỏa của tỉnh khác đến ứng cứu đến đâu hiệu quả đến đó.  Bà Hải, hộ kinh doanh ở TTTM cho biết, các thiết bị báo động cháy nổ ở đây không có; lãnh đạo Ban quản lý chợ mới về không có kinh nghiệm. Bà Hải có mặt tại hiện trường lúc hơn 1 giờ chỉ biết đứng gào khóc, người dân đã gọi điện cho lực lượng PCCC nhưng không ai nghe máy. Phải có người chạy đến tận nơi gọi, sau gần 2 tiếng mới có xe cứu hỏa đến.  Bà Hải và một số hộ tiểu thương khác cũng nêu kiến nghị, yêu cầu Ban quản lý TTTM phải trả lời về trách nhiệm trong vụ cháy này. Đã hơn 1 ngày xảy ra vụ cháy nhưng Ban quản lý TTTM vẫn chưa có động thái nào với bà con tiểu thương. Được biết, lãnh đạo Ban quản lý TTTM cũng có mặt tại hội nghị, song vị này không phát biểu hay có lời động viên đối với hơn 500 bà con thiểu thương dự họp. Ông Nguyễn Văn Họa, 58 tuổi có quầy kinh doanh tại tầng 2, 3 - TTTM đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của Ban quản lý và lực lượng PCCC. Theo ông Họa, bao năm nay, bà con tiểu thương vẫn phải đóng góp đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, giờ bị hỏa hoạn trách nhiệm của bà còn được gì? Những hỗ trợ bước đầu Tiếp thu và chia sẻ mất mát với hơn 530 bà con tiểu thương, ông Vũ Tiến Phụng - PCT UBND TP Hải Dương cho biết, về mặt chủ trương, TP sẽ xây dựng chợ tạm, bà con vẫn được đảm bảo đúng, đủ vị trí, diện tích như cũ. Dự kiến chợ tạm sẽ được xây dựng ngay sau quảng trường Thống nhất (phía trước TTTM đã cháy), bằng cột bê tông, lợp mái tôn. Sau này sẽ có phương án xây dựng lại TTTM ở vị trí hiện nay.  Trước mắt, tỉnh sẽ hỗ trợ bà con mỗi hộ 10 triệu đồng, thành phố hỗ trợ 3 triệu đồng để bà con tạm thời ổn định sinh hoạt, khắc phục hậu quả; miễn toàn bộ thuế, phí cho các hộ tiểu thương trong vòng từ 1-3 năm. Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành chức năng sẽ lấy thông tin của bà con cung cấp về gia cảnh và những thiệt hại để có cơ sở đề xuất trình với lãnh đạo tỉnh có hướng hỗ trợ, giúp đỡ, giải quyết các chế độ, chính sách liên quan giúp bà con vơi bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, tiếp tục kinh doanh buôn bán.  Ngoài ra, miễn toàn bộ chi phí cho con em các tiểu thương có tài sản bị cháy đang học tại các trường phổ thông trên địa bàn. Đối với con em các tiểu thương hiện đang học tại các Trường THCN, cao đẳng, đại học, UBND Thành phố cùng các sở, ngành nhất trí mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người…  Đối với việc bà con tiểu thương "tố" và yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Ban quản lý TTTM và công tác PCCC, ông Vũ Tiến Phụng - PCT UBND Thành phố cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương đã thành lập Ban chuyên án điều tra làm rõ nguyên nhân, quy rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc để xảy ra cháy và công tác phòng cháy, chứa cháy.  Nếu nghiêm trọng sẽ khởi tố, truy tố trước pháp luật, ông Phụng cho biết.  Theo ông Phụng, xảy ra thảm họa cháy TTTM Hải Dương, chính quyền cũng tổn thất chứ không chỉ có bà con tổn thất.  Chính quyền Thành phố bày tỏ mong muốn nhận được sự đùm bọc, sẻ chia của các cơ quan, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đối với bà con thiểu thương - nạn nhân trong vụ hỏa hoạn vừa qua, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, dần từng bước khắc phục hậu quả để tiếp tục buôn bán kinh doanh.
Đỗ Tuyết (tổng hợp)