Chạy công chức 100 triệu: 3 lý do để dân hoài nghi kết luận thanh tra

25/01/2013 07:28
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Sau khi có những thông tin thanh kiểm tra về vụ việc này của Sở Nội vụ Hà Nội, bản thân tôi cũng thấy có chút băn khoăn nếu không muốn nói là có chút thất vọng…”, ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng nói.
Một chút băn khoăn nếu không muốn nói là thất vọng trước kết quả thanh tra

Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói: “Tôi tin tưởng rằng một người giữ cương vị như đồng chí Trần Trọng Dực khi nói ra thì đã có cơ sở về điều mình nói. Và vụ việc sẽ tiếp tục được làm sáng tỏ, trách nhiệm của những cá nhân hoặc tổ chức có liên quan được làm rõ”. 

Chia sẻ suy nghĩ về kết luận thanh tra việc chạy công chức 100 triệu, ông Hùng nói: “Sau khi có những thông tin thanh kiểm tra về vụ việc này của Sở Nội vụ Hà Nội, bản thân tôi cũng thấy có chút băn khoăn nếu không muốn nói là có chút thất vọng. Trong việc này, dư luận không chỉ có ở Hà Nội mà ở các địa phương khác cũng có.

Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội
Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

Nhưng dù đây chỉ là những kết quả bước đầu nhưng việc đồng chí Trần Trọng Dực là một Thường vụ cấp uỷ mà dám nói công khai như vậy trong một kỳ họp HĐND thì đó là điều rất đáng ghi nhận nhưng người dân cũng rất mong vụ việc này sẽ được kiểm tra kỹ, được xử lý”.

Theo ông Hùng, có 3 lý do để hiện nay dù đã có kết luận thanh tra việc chạy công chức 100 triệu nhưng dường như dư luận vẫn chưa bày tỏ sự tin tưởng cao. Thứ nhất, trong cuộc sống hàng ngày, người dân biết qua các kênh thông tin và hiểu rằng ở mức độ nào đó những chuyện này (chuyện chạy công chức) là có thật.

Thứ hai là, nếu có chuyện chạy công chức thì tiêu cực kiểu như thế này rất tinh vi, khó có bằng chứng, khó có thể làm rõ để đấu tranh có hiệu quả. Khi một người nhờ người khác có quyền hạn, chức trách giúp mình làm một việc gì đó trong phạm vi quyền hạn của họ, rồi đưa phong bì cảm ơn thì ít có trường hợp nào ghi âm hoặc ghi hình hoặc tạo ra bằng chứng xác thực về việc đó. Cho nên chỉ căn cứ vào những bằng chứng như vậy thì ở mức độ nào đó việc này là khó khăn. 

“Thứ ba là, người dân có quyền hoài nghi việc cơ quan chức năng có làm đến nơi, đến chốn không hay vì sức ép từ dư luận và báo chí mà vào cuộc rồi kết luận bước đầu như thế. Khi người dân còn hoài nghi thì tôi nghĩ là có cơ sở. Và một trong những nguyên nhân để hiệu quả thanh kiểm tra không đạt kết quả cao là xuất phát từ cơ chế người đúng đầu chịu trách nhiệm”, ông Hùng nói.

Trước ý kiến cho rằng cần phải có cơ quan điều tra vào cuộc vụ “chạy công chức 100 triệu”, ông Hùng cho rằng: “Việc này là một việc cần thiết nếu các cơ quan chức năng thấy có dấu hiệu vi phạm luật hình sự”.

Ông Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội
Ông Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội

3 mất của nhà nước khi tuyển phải công chức "chạy"

Nói về những nguy cơ khi Nhà nước tuyển phải những công chức “chạy” (những cán bộ công chức dùng tiền chạy để đỗ), ông Hùng chia sẻ: “Có một số lo ngại. Thứ nhất là những người đó được tuyển dụng chủ yếu là những người trẻ dễ dẫn đến một cung cách làm việc “méo mó” từ đó tác động đến sự méo mó của hệ thống.

Thứ hai là các cán bộ này sẽ tìm cách thu hồi vốn, thậm chí còn phải có lãi và từ đó xuất hiện những tiêu cực mới. Thứ ba là niềm tiên của người dân vào Nhà nước sẽ giảm sút và đó là sự mất mát cực kỳ to lớn. Ngoài ra còn có những hậu quả khác nữa”.

Ông Hùng cũng cho rằng lý do lương thấp để các cán bộ tuyển dụng công chức phải “ăn tiền” để chạy công chức chỉ là một sự nguỵ biện. Vấn đề lương thấp chỉ là yếu tố nhỏ góp phần vào việc xuất hiện tiêu cực này nhưng tại sao lương thấp mà sao vẫn có nhiều người chấp nhận bỏ cả hàng trăm triệu ra chỉ để “chạy” công chức?

Vấn đề ở đây là đạo đức của các cán bộ. Không thể nói là vì lương thấp mà bắt buộc phải chạy công chức và đó là sự bất khả kháng. Cải cách tiền lương cũng là vấn đề mà Đảng và Nhà nước rất quan tâm nhưng phải có lộ trình, có sự thời gian.

Để hạn chế việc chạy công chức, ông Hùng cho rằng: “Chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật; xây dựng bộ máy chuyên trách về phòng chống tham nhũng; xây dựng cơ chế để kiểm soát công khai thu nhập một cách minh bạch, cải cách trong chế độ tiền lương để nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức…
Có lẽ theo tôi, biện pháp vừa lâu dài, vừa tác dụng ngắn hạn là cần phải công khai thông  tin hơn nữa để cho nhân dân giám sát. Đó là liều thuộc đặc trị để phòng chống tham nhũng một cách hiệu quả”.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang