Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Chạy công chức 100 triệu: Cần 'day tận trán' kẻ nhận tiền chạy chức

09/12/2012 07:48
Hồng Chính Quang
(GDVN) - Khi được hỏi về giải pháp để hạn chế vấn nạn “chạy” công chức này, ông Lê Như Tiến – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho rằng: “Tốt nhất là cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc để phát hiện chắc chắn những việc như vậy mà xử lý. Không chỉ vậy mà cả xã hội cũng phải lên án…”.
Trước vấn đề “chạy” không dưới 100 triệu đồng xảy ra ở một số quận, huyện của Hà Nội để được thi và đỗ công chức như ông Trần Trọng Dực – Trưởng Ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội phát biểu tại buổi thảo luận sáng 7/12 của HĐND TP. Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đại biểu Lê Như Tiến – (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội).

Ông Tiến cho biết: “Lâu nay dư luận xã hội nói nhhiều về vấn đề tham nhũng trong đó có việc chạy để được thi và để được đỗ công chức rồi. Ngay trong việc thi cử cũng vậy, không chỉ thi trong công chức mà ngay cả thi trong các trường Đại học, Cao đẳng cũng vậy: muốn qua được môn nào đó hoặc là muốn điểm cao hơn thì đều “chạy”... Và không chỉ ở Hà Nội mà ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đã có hiện tượng như vậy rồi”.

Đại biểu QH Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: Tiến Dũng)
Đại biểu QH Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: Tiến Dũng)

Ông Lê Như Tiến cho rằng: “Chạy để đỗ công chức tức là để làm một công chức trong bộ máy hành chính nhà nước mà đã hàng trăm triệu rồi thì chạy vào một vị trí nhất định nhất là những vị trí có thể lợi dụng để kiếm tiền bất chính thì còn nhiều hơn.

Ở kỳ họp Quốc hội trước, đại biểu Lê Văn Cuông ở Đoàn Đại biểu tỉnh Thanh Hóa cũng đã nói về hiện tượng chạy chức, chạy quyền. Bản thân tôi đã có lần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề này. Tuy nhiên, các anh ấy đều nói “không bắt tận tay, day tận trán thì làm sao biết được đó là chạy chức, chạy quyền””. 

“Trước kia, tôi chỉ nghĩ đó là những hiện tượng cá biệt thôi, còn bây giờ nghe dư luận nhiều thì tôi thấy nó đã rất phổ biến rồi. Có một thực trạng đó là tâm lý của người dân lo không “chạy” thì sẽ không đạt được nguyện vọng. Nhưng cứ làm như vậy thì xã hội sẽ loạn lên.

Những người có tiền thì được vào cơ quan nhà nước, còn những người có tài năng thực sự mà không có tiền thì không được làm công chức. Điều này khiến cho bộ máy hành chính của nhà nước ngày càng yếu kém về năng lực làm việc”, ông Lê Như Tiến chỉ ra tác hại của việc “chạy” công chức. 

Khi được hỏi về giải pháp để hạn chế vấn nạn “chạy” công chức này, ông Tiến cho rằng: “Tốt nhất là cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc để  phát hiện chắc chắn những việc như vậy mà xử lý. Thứ hai là phải phát động các cán bộ công chức dứt khoát nói “không” với hiện tượng “chạy” trong đó có cả việc chạy chức chạy quyền và người xin tuyển làm công chức cũng nhất quyết không “chạy” mà phải dựa vào năng lực thực tế của mình. 

Không chỉ vậy mà cả xã hội cũng phải lên án. Trong việc này có trách thì phải trách cả hai: người đưa tiền (người đưa hối lộ) và người nhận tiền để cho người khác được thi, được đỗ công chức (người nhận hối lộ). Ngay cả trong luật cũng đã quy định cả người đưa hối lộ và người nhận hối lộ đều vi phạm pháp luật.

Hiện nay, việc thi công chức tù mù, việc chấm điểm không công tâm là có. Thế nên chúng ta phải minh bạch hóa việc tuyển dụng, công khai, phải chọn những người trong ban giám khảo công tâm, trong vấn đề thi cũng phải khách quan. Ai được điểm cao thì người đó được vào thì chúng ta mới chọn được người tài vào bộ máy nhà nước”.

Ông Tiến cũng cho rằng: “Hà Nội cần tập trung giáo dục và phải làm rõ một vài trường hợp cụ thể và truy trách nhiệm cá nhân chứ không phải nói chung chung rồi không chỉ ra được ai thì không được. Bản thân các cơ quan bảo vệ pháp luật của Hà Nội cũng phải vào cuộc xem có hiện tượng như vậy không, ai vi phạm pháp luật và khi phát hiện ra thì phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật”.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang