Chí Viễn: Soi đèn pin tìm con chữ trong đêm sương

06/03/2012 06:00
Kim Ngân
(GDVN) - Con đường đến trường của HS vùng cao xã Chí Viễn (Trùng Khánh, Cao Bằng) chông gai hơn khi hàng ngày các em phải băng rừng trong giá rét.

Soi đèn pin trong đêm tìm con chữ

Những ngày đông giá rét, cả xã Chí Viễn (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) bao trùm lớp sương mù, những trận mưa kéo dài khiến con đường giữa trường tiểu học với các bản, xã lầy lội, sạt lở nghiêm trọng.

Ở Chí Viễn này, những trận rét dưới 10 độ kéo dài mấy tháng, đặc biệt là vào tháng Chạp và tháng 2 trở đi, nhiệt độ xuống tới 8 độ…nhiều học sinh phải nghỉ học. “Cứ thấy lạnh quá và mưa, các em sẽ tự nghỉ ở nhà vì có đi thì đường khó đi, đến lớp lạnh quá cũng chẳng học được. Đường hai bên đều là đá, đi qua sườn núi, phải lách qua cây cối đế đến trường”, bà Ngọc Thị Hoa (Hiệu trưởng trường tiểu học Chí Viễn) cho biết.

Bà Hoa cũng nói thêm rằng trẻ lớp 4 là có thể tự đi bộ đến trường được. Đa số bố mẹ các em đều không có điều kiện để đưa đi đón về, mỗi em đều có đôi ủng để lách rừng, trèo đèo, vượt suối để giữ ấm đến trường.
Bẽn lẽn nhìn tôi, cô bé Chu Phan Hạnh (HS lớp 5B, trường tiểu học Chí Viễn) thỏ thẻ: “ Em đi bộ mất một tiếng đồng hồ, phải dậy từ 6h sáng”.
Hạnh nói nhà ở bản Tân Phong (xã Phong Châu) cách trường hơn chục cây số. Nếu đi đường chính thì xa, nên cô bé phải đi tắt qua rừng, đồi để đến lớp. “Vì bố mẹ không có xe máy, không biết đi xe và không có tiền mua xe đạp nên em tự đi bộ. Bố mẹ còn phải lên nương trồng ngô”, Hạnh bộc bạch.
Hạnh phải đi tắt đường núi, vượt đèo hơn 5 cây số để đến lớp cùng bạn bè.
Hạnh phải đi tắt đường núi, vượt đèo hơn 5 cây số để đến lớp cùng bạn bè.

Còn Nông Minh Tiến (lớp 5A trường TH Chí Viễn) ở Đồng Tâm, hàng ngày đi bộ mất 30 phút để đến thực hiện ước mơ thành bác sỹ của em. Nhìn em, khuôn mặt già dặn, đôi mắt hõm xuống, thấy em chín chắn hơn những đứa trẻ bình thường.

 Bắt chuyện với em, Tiến trả lời một cách rành mạch: “Ở nhà em chăn được 3 con lợn và nấu được cơm. Hôm nay, bố mẹ đi trồng ngô, mấy hôm nay trời mưa rét nên chưa trồng được. Một vụ nhà em thu được 70 bao ngô, mỗi bao được 50 nghìn đồng, mà 3 tháng mới thu hoạch được”.

Hỏi về ước mơ của em, Tiến nhìn tôi một hồi, trả lời: “Em muốn trở thành bác sỹ để chữa bệnh cho mọi người. Em thích đi học và em phải học thật giỏi để không bị nghèo”.

Em Nông Minh Tiến (5A trường tiểu học Chí Viễn) hàng ngày vẫn cuốc bộ đường rừng nửa tiếng đồng hồ để đến trường.
Em Nông Minh Tiến (5A trường tiểu học Chí Viễn) hàng ngày vẫn cuốc bộ đường rừng nửa tiếng đồng hồ để đến trường.

Khó khăn hơn là điểm trường Pản Poong ( nằm trong vùng núi Sơn Long), cách trung tâm xã 5 - 6 cây số đường rừng, nằm cách biệt hẳn với bên ngoài. Chia sẻ về điều kiện học tập ở đây, ông Đàm Văn Vũ (Phó phòng Giáo dục huyện Trùng Khánh) cho biết: “Vùng Sơn Long gồm Boong Trên, Boong Dưới, Bản Tháy là ba bản xa, khó khăn nhất xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ở điểm trường này, lớp học chỉ là tranh tre lứa lá người dân dựng tạm cho các em tiểu học, mầm non học chung. Vì đường xá xa xôi, phải đi bộ leo rừng 5 cây số nên chúng tôi phải ghép lớp, thay phiên cắt cử 2 cô giáo đứng lớp”. Xã Chí Viễn hiện đang có 731 học sinh với 3 cấp học: Mầm non, Tiểu học và THCS.

6 tháng chỉ ăn cháo ngô

Cuộc sống của bà con ở đây còn gặp vô vàn những khó khăn do địa hình hiểm trở, điều kiện giao thông khó khăn, khí hậu khắc nghiệt thường xuyên xảy ra hạn hán, lũ ống, lũ quét…

Những tháng sau Tết, từ tháng 2 trở đi, nhiều nhà chẳng có gạo mà ăn, phải ăn cháo ngô cho qua ngày, chờ đến vụ thu hoạch lúa tháng 9.  Được biết, cháo ngô được chế biến từ ngô nghiền ra, xay thật nhỏ và nấu lên ăn thay cơm.

 “Chủ yếu gieo trồng ngô, lúa một năm có một vụ vì mùa khô hanh không có nước để làm. Có nhà còn phải cháo ngô đến 6 tháng hoặc đi trồng mía, bốc vác bên kia biên giới”, ông Vũ nói.

Ông Đàm Văn Vũ (Phó phòng GD huyện Trùng Khánh) cho biết nhiều điểm học của xã chỉ là lớp học nán tre, lứa do dân dựng tam. Học sinh phải dậy sớm, soi đèn pin vượt rừng đến lớp.
Ông Đàm Văn Vũ (Phó phòng GD huyện Trùng Khánh) cho biết nhiều điểm học của xã chỉ là lớp học nán tre, lứa do dân dựng tam. Học sinh phải dậy sớm, soi đèn pin vượt rừng đến lớp.

Không đủ ăn, không có tiền, đàn ông ở xã Chí Viễn đua nhau đi làm thuê ở thác bản Giốc, thậm chí có gia đình cả vợ, chồng lẫn con đi bốc dỡ gạo chuyển sang Trung Quốc. “ Cứ ăn cơm xong, 6h tối là họ đi đến hết đêm mới về. Đàn ông khỏe thì được 200 – 300 nghìn/ đêm với giá 5 nghìn/ 50 kg. Có những đêm bị hải quan bắt giữ, không có hàng mà bốc, đành quay về không”, chị Nông Thị Tình (bản Đồng Tâm, xã Chí Viễn) cho biết.

Chị Tình cho biết, xã Chí Viễn nhiều đàn ông làm nương không đủ ăn phải lên giáp biên giới để bốc gạo thuê và trồng mía
Chị Tình cho biết, xã Chí Viễn nhiều đàn ông làm nương không đủ ăn phải lên giáp biên giới để bốc gạo thuê và trồng mía

Thậm chí nhiều gia đình còn để con nhỏ 3 – 5 tuổi để đi làm, bọn trẻ con thì học cấp 2 , cấp 3 là đi được, chỉ cần vác được là đi cùng bố mẹ. Con gái thì đi hơn 100 cây số, sang kia bên giới chặt mía thuê. Có những người đi mấy tháng, tết mới về…Nên mỗi khi có tang, tìm  đàn ông, con trai khó, đàn bà phải làm thay.
Hành trình tìm con chữ, việc “gánh chữ” lên nương ở nơi đây còn quá nhiều chông gai, gian nan khi cuộc sống của bà con vẫn có nhiều khó khăn. Hàng ngày, những học sinh ở Chí Viễn, Trùng Khánh vẫn trèo đèo, lội suối để đến trường.

Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

 Video Clip

Kim Ngân