Chiều mai, Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm

14/11/2014 10:28
Ngọc Quang
(GDVN) - Chủ tịch Quốc hội: "Nếu chúng ta nhầm lẫn thông tin, nghiêng về mặt này, nghiêng về mặt kia hay phán đoán thì kết quả đánh giá của chúng ta sẽ không chính xác"

Sáng nay (14/11), các đoàn đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận kín về việc lấy phiếu tín nhiệm. Sáng mai (15/11), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - ông Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm. Tiếp đó, Quốc hội bầu Ban kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm; chiều mai sẽ công bố kết quả.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ: "Rút kinh nghiệm lần này lấy phiếu làm bình tĩnh hơn chứ không làm vội vàng, dành 30 phút để lấy phiếu, trong 30 phút này các vị Đại biểu Quốc hội có thể ngồi tại hội trường hoặc có thể về đoàn, sau đúng 30 phút mời các vị về hội trường để bỏ phiếu. Kết quả sẽ công khai trước Quốc hội".

Đây là lần thứ 2 Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Sau lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên, nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành đã có nhiều nỗ lực, được dư luận đánh giá cao.
Đây là lần thứ 2 Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Sau lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên, nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành đã có nhiều nỗ lực, được dư luận đánh giá cao.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, ở lần lấy phiếu tín nhiệm thứ 2 này có nhiều thời gian hơn (tiến hành vào sau 3 năm của nhiệm kỳ).

“Lần trước, chúng ta đánh giá 2 năm đầu còn khó khăn, lần này thì thuận lợi hơn, chúng ta có kinh nghiệm trong việc bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm. Điều rất quan trọng là vào kỳ họp cuối năm ngoái và kỳ họp này chúng ta đã thảo luận về tình hình đất nước, kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, giữ vững độc lập chủ quyền. Qua đợt đánh giá năm ngoái và đánh giá năm nay, lần này chúng ta lấy phiếu, bỏ phiếu là thuận lợi có căn cứ vững chắc…

Đồng bào cử tri cả nước đặt niềm tin ở từng vị Đại biểu Quốc hội, chúng ta tiến hành một cách thận trọng, khách quan, công tâm, do vậy lá phiếu chúng ta đánh giá phải chính xác”, Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong đánh giá của Quốc hội thì thấy rằng công tác hành pháp, công tác lập pháp, công tác tư pháp đều có chuyển biến tích cực; hoạt động quốc phòng, hoạt động an ninh, hoạt động đối ngoại… cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Thi hành án đều có chuyển biến tích cực và tinh thần của các cơ quan hành pháp, tư pháp và thi hành nghiêm chỉnh Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này. Đây là căn cứ quan trọng để đánh giá các vị lãnh đạo, các chức danh chủ chốt.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá: “Lần lấy phiếu trước có những đồng chí được Quốc hội đánh giá tín nhiệm cao, thì các đồng chí này cũng coi đánh giá của Quốc hội là điều nhắc nhở phải tiếp tục hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Có những đồng chí được đánh giá chưa thật cao thì cũng nhận thức được trách nhiệm của mình, phấn đấu khắc phục khuyết điểm nhược điểm, khuyết điểm của ngành mình”.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các vị Đại biểu Quốc hội cần phải tự mình căn cứ và nhận thức đánh giá của chính mình, cộng với ý kiến của đồng bào cử tri cả nước mà xác lập được, phân tích và đánh giá chính xác.

“Có những thông tin không chính thức, có thể có những thông tin chính thức như đơn khiếu nại, tố cáo, văn bản này văn bản khác gửi đến các vị Đại biểu Quốc hội, nhưng những thông tin chưa được sàng lọc, kiểm nghiệm thì nó không phải là thông tin chính thức, chưa đủ căn cứ để các vị Đại biểu Quốc hội sử dụng. Vì vậy, thứ nhất mong rằng các Đại biểu Quốc hội cảnh giác với những loại thông tin đó; thứ hai là những thông tin chính thức, những đơn từ chính thức thì còn thời gian để xem xét, để thực hiện các quy trình và khi có kết quả thì đó mới là đánh giá.

Còn vào thời điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo không nhận được một yêu cầu nào của Đại biểu Quốc hội yêu cầu báo cáo giải trình chuyện này, chuyện kia. Chúng ta cần phải loại ra những thông tin chưa đủ căn cứ để đánh giá. Nếu chúng ta nhầm lẫn thông tin, nghiêng về mặt này, nghiêng về mặt kia hay phán đoán thì kết quả đánh giá của chúng ta sẽ không chính xác”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Danh sách 50 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm:

1. Ông Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước

2. Bà Nguyễn Thị Doan - Phó Chủ tịch nước

3. Ông Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội

4. Ông Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội

5. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch Quốc hội

6. Bà Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Quốc hội

7. Ông Huỳnh Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Quốc hội

8. Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội

9. Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội 

10. Ông Trần Văn Hằng - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội

11. Ông Nguyễn Đức Hiền - Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội

12. Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách

13. Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội

14. Ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội

15. Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội

16. Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội

17. Bà Nguyễn Thị Nương - Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội

18. Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

19. Ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tốc Quốc hội

20. Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội

21. Ông Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Chính phủ

22. Ông Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ

23. Ông Hoàng Trung Hải - Phó Thủ tướng Chính phủ

24. Ông Phạm Bình Minh - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

25. Ông Vũ Văn Ninh - Phó Thủ tướng Chính phủ

26. Ông Nguyễn Xuân Phúc - Phó Thủ tướng Chính phủ

27. Ông Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch

28. Ông Nguyễn Thái Bình - Bộ trưởng Nội vụ

29. Ông Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

30. Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội

31. Ông Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Tư pháp

32. ông Trịnh Đình Dũng - Bộ trưởng Xây dựng

33. Ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Tài chính

34. Ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Công thương

35. Ông Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo

36. Ông Nguyễn Văn Nên - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

37. Ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn

38. Ông Giàng Seo Phử - Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

39. Ông Trần Đại Quang - Bộ trưởng Công an

40. Ông Nguyễn Minh Quang - Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường

41. Ông Nguyễn Quân - Bộ trưởng Khoa học Công nghệ

42. Ông Nguyễn Bắc Son - Bộ trưởng Thông tin truyền thông

43. Ông Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Quốc phòng

44. Ông Đinh La Thăng - Bộ trưởng Giao thông Vận tải

45. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Y tế

46. Ông Huỳnh Phong Tranh - Tổng Thanh tra Chính phủ

47. Ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư

48. Ông Trương Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

49. Ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

50. Ông Nguyễn Hữu Vạn - Tổng Kiểm toán nhà nước

Ngọc Quang