Chính phủ yêu cầu tiếp tục tạo điều kiện để người nghèo, cận nghèo được vay vốn

17/10/2017 13:54
Vũ Phương
(GDVN) - Cho tới nay cả nước đã có gần 32 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn, doanh số 433.000 tỷ đồng, giúp 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo.

Chiều 16/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội, một trụ cột của hệ thống chính sách giảm nghèo.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu để người dân nghèo quá, khó khăn quá, chênh lệch mức sống lớn quá thì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thành công. Ảnh: Chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu để người dân nghèo quá, khó khăn quá, chênh lệch mức sống lớn quá thì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thành công. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu tại hội nghị, nhấn mạnh tín dụng chính sách xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển xã hội, tạo xung lực cho giảm nghèo bền vững, Thủ tướng nêu một số kết quả của chương trình này.

Cho tới nay, đã có gần 32 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn, doanh số 433.000 tỷ đồng, giúp 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo và trên 112.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn để xuất khẩu lao động. Trên 3,5 triệu học sinh, sinh viên vay vốn học tập.

Nhiều chương trình quan trọng khác về xóa đói giảm nghèo được triển khai như 9,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn…

Việc tiếp cận vốn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn lực tài chính được bảo đảm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người nghèo.

Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến của Ngân hàng Chính sách Xã hội là thực hiện tốt việc nhận tiền gửi từ người nghèo nhằm tạo thói quen tích lũy và hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận tín dụng ngân hàng.

“Chúng ta có hơn 20 chương trình tín dụng chính sách, gần 7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có dư nợ nhưng tỉ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,81%, con số rất thấp so với các ngân hàng thương mại”, Thủ tướng nói và nhận định đây là số liệu hết sức đáng mừng.

Chính phủ yêu cầu tiếp tục tạo điều kiện để người nghèo, cận nghèo được vay vốn ảnh 2

Ngăn chặn những yếu kém trong BOT giao thông

Mô hình tổ chức thực hiện tín dụng chính sách ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với điều kiện, cấu trúc hệ thống chính trị của Việt Nam khi đến nay, có 11.000 điểm giao dịch, 200.000 sổ tiết kiệm vay vốn ở tất cả các thôn, bản trong cả nước, kể cả vùng sâu, vùng xa.

Sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội trong thực hiện tín dụng chính sách được xem là một đặc thù sáng tạo của Việt Nam.

Nhắc lại chuyến công tác hồi đầu năm nay tại địa bàn “4 khó” của đất nước là xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, nơi có đông đồng bào dân tộc nhất, nghèo nhất, xa xôi nhất, hẻo lánh nhất, Thủ tướng cho biết: “Người ta có báo cáo điển hình là chúng tôi đã được vay vốn ngân hàng chính sách xã hội như thế này, lý do vì sao chúng tôi vay được thế này và chúng tôi đã phát huy tác dụng thế này”.

Điều này cho thấy hệ thống của ngân hàng chính sách xã hội đã được phổ cập sâu rộng đến các vùng miền.

Qua hoạt động của ngân hàng chính sách xã hội, đã khắc phục hạn chế của chính sách hỗ trợ cho không, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo từ mặc cảm, tự ti, ỷ lại, sợ vay vốn, không biết cách sử dụng vốn đến có ý chí làm ăn, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Vốn tín dụng chính sách góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi, giảm thiểu bất ổn xã hội.

Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, còn nhiều việc phải làm bởi “nếu để người dân nghèo quá, khó khăn quá, chênh lệch mức sống lớn quá thì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thành công”. Đến nay, cả nước còn 1,9 triệu hộ nghèo và 1,3 triệu hộ cận nghèo.

Do đó, theo Thủ tướng, cán bộ làm tín dụng, hệ thống làm tín dụng chính sách nhất thiết phải gần dân, sát dân, phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để đáp ứng tốt hơn, phù hợp với nhu cầu của người vay vốn.

Ngân hàng chính sách xã hội cần tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững.

Lưu ý Ngân hàng chính sách xã hội coi trọng chất lượng tín dụng, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tạo thuận lợi nhất để người nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận vốn tín dụng Ngân hàng chính sách xã hội.

Ngân hàng chính sách xã hội phải kịp thời xem xét, giải quyết các đề xuất, kiến nghị một cách chủ động.

Các bộ, ngành cần chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường nguồn lực, thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Lần đầu tiên Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội ghi kế hoạch trung hạn cho Ngân hàng chính sách xã hội với con số là 21.000 tỷ đồng trong 5 năm. Chính phủ quan niệm rằng đầu tư cho Ngân hàng chính sách xã hội, cho người nghèo là đầu tư cho phát triển”.

Ghi nhận các kiến nghị của một số đại biểu, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất, kiến nghị của các địa phương, kịp thời trình cấp có thẩm quyền để điều chỉnh chính sách tín dụng, đối tượng, mức cho vay, bảo đảm phù hợp với thực tế, khả năng của ngân sách Nhà nước, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn tín dụng của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tại Hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ảnh: Chinhphu.vn
Tại Hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ảnh: Chinhphu.vn

Nhấn mạnh vai trò của xã hội hóa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, Thủ tướng mong muốn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước… ủy thác vốn, đóng góp vốn tự nguyện, không hoàn lại thông qua Ngân hàng chính sách xã hội để chung tay tạo lập nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống.

Các địa phương cần quan tâm bố trí vốn ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội, hỗ trợ cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội.

Chính phủ yêu cầu tiếp tục tạo điều kiện để người nghèo, cận nghèo được vay vốn ảnh 4

Hợp tác kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ lên tầm cao mới

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã biểu dương 16 tỉnh, thành phố có vốn ủy thác trên 100 tỷ đồng, trong đó Hà Nội dẫn đầu với gần 2.000 tỷ đồng.

Tiếp theo là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Quảng Nam, Cần Thơ, Quảng Ninh, Gia Lai, An Giang.

Thủ tướng cũng nêu tên một số tỉnh, thành phố khá giả nhưng có vốn ủy thác chưa tương xứng như Hải Phòng (95 tỷ đồng), Bắc Ninh (65 tỷ đồng), Hải Dương (42 tỷ đồng), Nam Định (15 tỷ đồng) và mong muốn “các đồng chí thúc đẩy để nguồn lực của Ngân hàng chính sách xã hội phong phú”.

Thủ tướng đề nghị các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện tốt hơn nữa những công việc được Ngân hàng chính sách xã hội ủy thác, bảo đảm cho vay đúng chính sách, đúng đối tượng, giúp người nghèo sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, cải thiện đời sống và trả nợ ngân hàng.

Tín dụng chính sách chú trọng vào hỗ trợ người dân khởi nghiệp, nhất là phụ nữ, thanh niên; hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất, tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghiệp, cải thiện năng lực sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ngân hàng chính sách xã hội.

Nhân dịp này, 20 tập thể và 9 cá nhân được Thủ tướng tặng Bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc trong triển khai chương trình tín dụng chính sách.

Vũ Phương