Chính thức bỏ quy định ghi tên thành viên vào sổ đỏ

05/12/2017 16:35
Vũ Phương
(GDVN) - Bộ trưởng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Thông tư số 53 quy định ngưng hiệu lực thi hành Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33 về quy định ghi tên thành viên vào sổ đỏ.

Chiều mùng 5/12, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Mai Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường) xác nhận: “Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ký ban hành Thông tư số 53 quy định ngưng hiệu lực thi hành Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33 về việc ghi tên các thành viên vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được dư luận quan tâm trong thời gian qua”.

Bộ Tài nguyên 'dội nước lạnh' vào nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ Bộ Tài nguyên 'dội nước lạnh' vào nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ

Như vậy, sau thời gian dài hai từ “sổ đỏ” được dư luận đặc biệt quan tâm bởi Khoản 5 Điều 6 Thông tư 33 có quy định về việc ghi thêm tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ gây bức xúc dư luận đã chính thức ngưng hiệu lực.

Trước đó, nhiều người tỏ ra hoang mang và khó hiểu trước việc ban hành văn bản pháp luật của ngành tài nguyên không làm cho thu tục cấp, đổi, chuyển nhượng “sổ đỏ” giảm bớt thủ tục hành chính mà còn làm vấn đề thêm phức tạp hơn.

Quy định tréo ngoe ghi tên các thành viên gia đình vào sổ đỏ của ngành tài nguyên nhiều người xem như một bước thụt lùi, một hủ tục mới của ngành tài nguyên cần phải bác bỏ.

Theo đó, Thông tư 33 có hiệu lực từ 5/12 và điều đó có nghĩa quy định ghi tên các thành viên gia đình vào sổ đỏ đã váp phải phản ứng dữ dội từ dư luận và nhiều chuyên gia đầu ngành.

Thông tin Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ký ban hành Thông tư số 53 quy định ngưng hiệu lực thực thi việc ghi thêm tên vào sổ đỏ từ ngày 5/12 đã nhận được sự đồng thuận từ dư luận.  

Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định ngưng hiệu lực quy định ghi thêm tên thành viên gia đình vào sỏ đỏ nhận được sự đồng thuận từ dư luận. Ảnh: L.Đ.T.Đ
Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định ngưng hiệu lực quy định ghi thêm tên thành viên gia đình vào sỏ đỏ nhận được sự đồng thuận từ dư luận. Ảnh: L.Đ.T.Đ

Theo đó, Điều 1 Thông tư số 53/TT-BTNMT nêu rõ: “Ngưng hiệu lực thi hành Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai từ ngày 5/12/2017 đến thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về vấn đề này”.

Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thi hành Thông tư 53/2017 (cũng có hiệu lực từ ngày 5/12 tới).

Ủy ban nhân dân  các cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Thông tư số 53 cũng nêu rõ: “Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết”.

Chính thức bỏ quy định ghi tên thành viên vào sổ đỏ ảnh 3Bộ Tư pháp nói nếu Bộ Tài nguyên chưa thể làm tốt hơn thì đừng làm vội

Trong thông cáo báo chí, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định việc hướng dẫn ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất đối với trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình quy định tại Khoản 5 Điều 6 của Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT là phù hợp với quy định tại Khoản 29 Điều 3, Khoản 1 Điều 97 và Khoản 2 Điều 98 của Luật Đất đai; Điều 101 và Điều 212 của Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Do trước đây pháp luật về đất đai hướng dẫn ghi đại diện của hộ gia đình sử dụng đất trên Giấy chứng nhận nên trong quá trình thực hiện các giao dịch về quyền của người sử dụng đất, việc ghi tên hộ gia đình trên Giấy chứng nhận như trên đã bộc lộ tồn tại, hạn chế.

Điển hình là việc Nhà nước còn gặp khó khăn khi thực hiện bảo hộ quyền sử dụng đất hợp pháp của các thành viên hộ gia đình sử dụng đất khi có những rủi ro xảy ra trong quá trình thực hiện giao dịch dân sự do quyền sử dụng đất của từng thành viên trong hộ gia đình không được xác lập cụ thể.

Đồng thời phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp về quyền sử dụng đất của các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất, trong khi việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp lại rất khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý và thường kéo dài.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, việc áp dụng Thông tư 33 không làm phát sinh thêm bất cứ thủ tục nào.

Theo quy định của pháp luật đất đai, Giấy chứng nhận đã cấp trước đây về đất đai vẫn có giá trị pháp lý, người sử dụng đất không cần phải thực hiện thủ tục cấp đổi.

Thông tư số 33 cũng không quy định việc phải cấp đổi như lo ngại của dư luận.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định: “Với mong muốn tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và mỗi người dân đều hiểu rõ quyền, lợi ích của việc ghi tên từng thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình trên giấy chứng nhận;

Đồng thời để các địa phương có thêm thời gian chuẩn bị điều kiện triển khai thực hiện tốt hơn, hiểu chính xác và đầy đủ quy định trong Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, Bộ Tài nguyên và Môi trường với tinh thần cầu thị, lắng nghe, nghiên cứu và đánh giá kỹ về thực tế triển khai.

Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời gian có hiệu lực của quy định tại Khoản 5 Điều 6 của Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT đến thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về vấn đề này”.

Vũ Phương