Chống đối Cảnh sát giao thông sẽ bị phạt 20 triệu đồng

24/07/2013 15:15
Liễu Phạm (Tổng hợp)
(GDVN) - Dự thảo sửa đổi lần 6 Nghị định 71/2012/NĐ-CP lần này tiếp tục giữ nguyên quan điểm không xử phạt xe không chính chủ và nón bảo hiểm không đạt chuẩn. Đặc biệt, nếu được thông qua thì hành vi không đóng phí đường bộ cũng sẽ không bị xử phạt, trong khi các hành vi uống rượu bia và không chấp hành quy định về thiết bị giám sát hành trình sẽ bị xử nghiêm.
1. Bỏ phạt xe không chính chủ và mũ bảo hiểm rởm

Trên báo VOV ngày 23/7 cho biết, tại Dự thảo sửa đổi lần 6 Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Bộ GTVT đã không đưa ra quy định xử phạt đối với các hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện (xe không chính chủ) và hành vi đội mũ bảo hiểm rởm.

Đặc biệt, trong dự thảo nghị định lần này, một trong những nội dung gây tranh cãi và được dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua, đó là về mức xử phạt với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện, và đội mũ bảo hiểm không đủ 3 lớp sẽ bị phạt từ 200.000 - 10.000.000 đồng nay đã được rút ra khỏi dự thảo nghị định. 

Bộ GTVT đã quyết định bỏ phạt xe không chính chủ, mũ bảo hiểm rởm vào dự thảo lần này do không bảo đảm tính khả thi.
Bộ GTVT đã quyết định bỏ phạt xe không chính chủ, mũ bảo hiểm rởm vào dự thảo lần này do không bảo đảm tính khả thi.

Việc xử phạt xe không chính chủ và đội mũ bảo hiểm rởm là hai nội dung gây nhiều tranh cãi trong dư luận và các bộ ngành thời gian vừa qua. Trong khi Bộ Công an cho rằng, việc xử phạt này là cần thiết để thuận lợi cho quá trình điều tra các vụ án...còn Bộ Giao thông thì đánh giá "không phù hợp và thiếu cơ sở pháp lý".

Vì vậy trong dự thảo Nghị định lần thứ 6 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Bộ Giao thông để thay thế cho Nghị định 71,34... thì nội dung xử phạt xe không chính chủ và đội mũ bảo hiểm rởm đã được cắt bỏ, để tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của người dân và trình lên Thủ tướng quyết định.   

2. Uống rượu bia điều khiển xe có thể bị phạt 8 triệu đồng

Ngày 23/7, trên báo Sài Gòn giải phóng đưa tin, Bộ GT-VT cho biết vừa hoàn thiện dự thảo mới nhất quy định phạt nặng đối với hành vi uống rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong đó, đối tượng điều khiển xe trên đường mà trong máu và khí thở có nồng độ cồn trên 50-80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt 7- 8 triệu đồng.

Cũng trong NĐ 71 hiện hành, hành vi không mua hoặc nộp phí đường bộ cho phương tiện theo quy định sẽ phạt tiền 800.000-1,2 triệu đồng/xe máy và 6-10 triệu đồng/ô tô. Lý giải việc loại bỏ hành vi xử phạt này, Bộ GT-VT cho rằng hiện vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh việc xác định hành vi này thuộc lĩnh vực phí và lệ phí hay lĩnh vực giao thông đường bộ.

Đối tượng điều khiển xe trên đường mà trong máu và khí thở có nồng độ cồn trên 50-80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt 7- 8 triệu đồng.
Đối tượng điều khiển xe trên đường mà trong máu và khí thở có nồng độ cồn trên 50-80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt 7- 8 triệu đồng.

Mức xử phạt hành chính cho hành vi vi phạm về hộp đen là 3-5 triệu đồng đối với cá nhân, 6-10 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm. Ngoài bị phạt tiền, lái xe vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày; doanh nghiệp vi phạm bị đình chỉ hoạt động đến khi khắc phục xong vi phạm.

3. Chống đối Cảnh sát giao thông sẽ bị phạt 20 triệu đồng

Báo VnMedia đưa tin, theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, sắt của Bộ giao thông vận tải, tới đây hành vi chống lại người thi hành công vụ sẽ bị phạt tới 20 triệu đồng. 

Cụ thể, Điều 5 của dự thảo nghị định được sửa đổi bổ sung lần thứ 6 này bổ sung xử phạt với người vi phạm, dự thảo nghị định đưa ra mức phạt  từ 15.000.000 - 20.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ gây tai nạn hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ.

Tới đây, hành vi chống đối lại lực lượng cảnh sát sẽ bị phạt tới 20 triệu đồng.
Tới đây, hành vi chống đối lại lực lượng cảnh sát sẽ bị phạt tới 20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, điều 6, quy định về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với một trong các hành vi điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn.

Các hành vi gây tai nạn giao thông khác: Điều khiển xe đi không đúng phần đường, làn đường gây tai nạn giao thông; Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; tránh, vượt không đúng quy định gây tai nạn giao thông hoặc không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông… sẽ bị phạt từ 7.000.000 -  8.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi: Chuyển hướng không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không giảm tốc độ, không nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính gây tai nạn giao thông.
 
Phạt tiền từ 5.000.000 - 7.000.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm các hành vi: Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị;
 
Phạt tiền từ 10.000.000 - 14.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị gây tai nạn; Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ.


Liễu Phạm (Tổng hợp)