“Chống tham nhũng chứ có phải bắt một xe hàng vi phạm đâu mà làm nhanh được”

25/12/2015 07:34
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
(GDVN) - Cục trưởng Cục chống tham nhũng cho biết, thông qua đường dây nóng, đơn vị đã nhận được nhiều phản ánh về tham nhũng, trong đó nhiều thông tin có cơ sở.

LTS: Thông qua đường dây nóng, hàng trăm thông tin tố cáo tham nhũng được chuyển về Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ.

Tuy nhiên, việc xác minh, xử lý thông tin phản ánh không phải là chuyện có thể giải quyết trong một sớm, một chiều.

Mặt khác, vấn đề này cần có sự hợp tác chặt chẽ từ phía người dân...

Để làm rõ nội dung trên, hôm 24/12, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ.

PV: Đến thời điểm hiện tại, thông tin phản ánh về tham nhũng thông qua đường dây nóng của Cục phòng chống tham nhũng diễn ra như thế nào không thưa ông?

Cục trưởng Phạm Trọng Đạt: So với năm ngoái, đến thời điểm hiện tại (2015), thông tin người dân tố cáo tham nhũng tăng cao hơn.

Cục chống tham nhũng đã tiếp nhận được hàng trăm cuộc điện thoại, phản ánh những vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản.

Ông đánh giá như thế nào về những phản ánh của người dân trước những thông tin tố giác tham nhũng nói trên?

Cục trưởng Phạm Trọng Đạt: Bên cạnh nhiều nguồn tin tố cáo tham nhũng có cơ sở, còn không ít trường hợp phản ánh chưa đủ căn cứ.

Cục trưởng Cục chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt (ảnh của Báo Lao động).
Cục trưởng Cục chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt (ảnh của Báo Lao động).

Đối với những tố cáo có cơ sở thì chúng tôi đề nghị người tố cáo hợp tác, cung cấp thêm bằng chứng, làm rõ hành vi vi phạm.

Cần phải nói thêm rằng, những phản ánh tiêu cực là quyền của người dân. Còn việc chứng minh sai phạm là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, được giao nhiệm vụ.

Cơ quan chuyên trách khuyến khích, đánh giá cao người tố cáo tham nhũng, kèm cả bằng chứng xác thực.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đánh trân trọng, đánh giá cao những nguồn tin người dân cung cấp thông qua đường dây nóng, bởi đó là những thông tin rất quan trọng để cơ quan có thẩm quyền xác minh, làm rõ hành vi vi phạm nếu có.

Thưa ông, việc xử lý, xác minh thông tin tố cáo tham nhũng thông qua đường dây nóng của Cục chống tham nhũng sẽ được tiến hành như thế nào?

Cục trưởng Phạm Trọng Đạt: Chúng tôi là cơ quan

3 số điện thoại đường dây nóng của Cục chống tham nhũng là: 08.048228; 0902.386.999 và 0125.698.6688.

chuyên trách về chống tham nhũng, do đó những phản ánh của người dân sẽ được đơn vị phối hợp, chuyển giao thông tin tới những cơ quan, đơn vị có liên quan, đề nghị xác minh đơn tố giác và các bằng chứng đi kèm, theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trong quá trình trao đổi Cục cũng giải thích và hướng dẫn người phản ánh để họ hiểu và thực hiện tố cáo tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Không ít độc giả phản ánh việc xác minh thông tin tố cáo, xử lý hành vi tham nhũng vẫn còn chậm, theo ông đâu là nguyên nhân?

Cục trưởng Phạm Trọng Đạt: Chống tham nhũng không phải chuyện một sớm, một chiều, nên không thể làm nhanh được. Đây là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, không giống như chuyện bắt một xe hàng vi phạm...

Có những sự việc phải mất đến nhiều tháng, có khi cả năm trời mới được làm sáng tỏ.

Theo ông, làm thế nào để đường dây nóng tố cáo tham nhũng phát huy hiệu quả hơn nữa?

Cục trưởng Phạm Trọng Đạt: Chúng tôi là cơ quan quản lý nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng nên rất cần những thông tin thực tế để lấy căn cứ xác minh, làm rõ những vi phạm (nếu có).

Ngoài việc tố cáo tham nhũng, cơ quan chuyên trách

“Chống tham nhũng chứ có phải bắt một xe hàng vi phạm đâu mà làm nhanh được” ảnh 2

Ông Vũ Quốc Hùng: Chúng ta phải xác định "cuộc chiến một mất, một còn"

cũng khuyến khích người dân chia sẻ thông tin, hiến kế chống tham nhũng.

Do đó, người dân có thể gọi điện vào các số máy đã được công khai, để phản ánh, góp ý cho công tác phòng chống tham nhũng, chứ không phải riêng gì trong dịp Tết.

Còn đối với việc xử lý vi phạm về quà Tết, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có văn bản gửi các địa phương, các cơ quan có liên quan, nhằm kiểm soát, xử lý nếu phát hiện vi phạm.

QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)