Chủ Nhà hàng Cát Vàng: Chối bỏ nguồn gốc, chối bỏ bản thân mình

09/03/2013 06:36
Viết Cường
(GDVN) - Chủ nhà hàng Cát Vàng là một người Việt Nam. Ông từ chối bán hàng cho người Việt chẳng khác nào ông đang giẫm đạp lên chính nguồn gốc, tổ tiên và cay đắng hơn, ông đang kỳ thị, chối bỏ chính bản thân mình…

Tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của tình đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Sinh thời, Bác Hồ thường gọi mọi người dân và toàn dân ta là đồng bào, thể hiện một tình cảm tốt đẹp về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam trong truyền thống lịch sử. Trong suy nghĩ và việc làm của Bác thì nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi.

Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mới thắng lợi, trước những sự chia rẽ dân tộc của kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chính sách đoàn kết dân tộc và nêu rõ: Cộng đồng các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam dù là dân tộc đa số hay dân tộc thiểu số "đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt", có chung giang sơn và chính phủ nên phải đoàn kết, thật sự bình đẳng, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công.

Nhưng giờ đây, khi đất nước đã hòa bình, toàn dân đang hăng say với công cuộc xây dựng đất nước thì lại xuất hiện những con người chỉ vì một chút lợi danh mà quên đi lời dặn của Bác. Mới đây, chúng ta thật đau xót khi nghe câu chuyện một nhà hàng ở Việt Nam không bán hàng cho chính ‘đồng bào’ của mình vì lí do người Việt…nghèo, xấu tính?

Nhà hàng Cát Vàng từ chối bán hàng lưu niệm cho người Việt. (ảnh
Nhà hàng Cát Vàng từ chối bán hàng lưu niệm cho người Việt. (ảnh 

Xin thưa với quí độc giả, ông chủ của Nhà hàng Cát Vàng chẳng phải là người Trung Quốc, chẳng phải người Mỹ hay đến từ một quốc gia xa xôi nào đó, ông là một người Việt bình thường như bao người Việt Nam khác. Ông cũng có gia đình, có tổ tiên, bạn bè, làng xóm…Nơi ông sinh ra có lẽ cũng từ một miền quê yên bình với những cánh đồng lúa xanh thẳng cánh cò bay, có những người nông dân cần cù, chất phác và cả những điệu ru ầu ơ của bà, của mẹ. Lời ru đó, miền quê đó đã từng nuôi nấng, che chở, tạo dựng để ông khôn lớn thành đạt như ngày hôm nay. Giờ ông chối bỏ!

Việc ông không bán hàng cho người Việt không chỉ đơn thuần là một kiểu kinh doanh mà sâu xa hơn, đó là sự kỳ thị. Ông chê người Việt nghèo, xấu tính là ông đang giẫm đạp lên nguồn gốc, tổ tiên của mình và cay đắng hơn, ông đang kỳ thị, chối bỏ chính bản thân mình. Bởi vì ông là người Việt?

Nhà hàng Cát Vàng rồi đây có thể sẽ bị ‘xóa sổ’ bởi chính quyền đã vào cuộc, dư luận nhiệt tình kêu gọi tẩy chay nhưng còn ông chủ quán, ông đi đâu và sẽ làm gì? Chắc rằng, với lối tư duy đó, ông sẽ chẳng thể kinh doanh được ngành nào trên lãnh thổ cong cong hình chữ S này bởi ở đây, người như ông chỉ còn duy nhất.

Chúng ta có thể dễ dàng vứt bỏ một con sâu trong nồi canh ra vì nó khiến ta ghê sợ nhưng không dễ "chối bỏ" một con người đang làm ‘buồn’ cho xã hội ra khỏi cộng đồng. Trước hành động kỳ thị người Việt của ông chủ nhà hàng Cát Vàng, dư luận đang vô cùng phẫn nộ. Và giờ đây, họ đang chờ thái độ ăn năn hối cải của ông ta, chờ sự ứng xử của ông ta trước dư luận xã hội...

Viết Cường