Chủ nhiệm VP Quốc hội: Việc lấy phiếu tín nhiệm không lo “hòa cả làng”

10/06/2013 08:24
Mai Nguyễn
(GDVN) - Hôm nay (ngày 10/6), mở đầu tuần làm việc thứ 4 kỳ họp thứ 5, lần đầu tiên Quốc hội nước ta thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt được Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Mở đầu một tuần mới – ngày 10/6 Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.  

Trách nhiệm cao từ mỗi lá phiếu
Trách nhiệm cao từ mỗi lá phiếu

Mở đầu sự kiện rất được trông đợi này Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sẽ báo cáo một số vấn đề về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Sau đó Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết danh sách những người được Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được Quốc hội thảo luận ở Đoàn. 

Chiều cùng ngày, Quốc hội tổ chức họp phiên toàn thể tại hội trường. Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương sẽ trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở Đoàn và báo cáo về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu tín nhiệm. Cuối buổi làm việc, Quốc hội tiến hành bầu Ban kiểm phiếu và triển khai lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả sau kiểm phiếu sẽ được công bố ngày hôm sau.

47 chức danh lấy phiếu tín nhiệm, gồm:

- Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước;

- Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

-Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ;

- Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao;

Do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn là 2 chức danh vừa được bổ nhiệm, điều chuyển vào đầu kỳ họp, chưa đủ 1 năm công tác nên chưa lấy phiếu tín nhiệm kỳ này.

Trước đó trả lời báo chí liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sau khi tiến hành lấy phiếu sẽ công bố kết quả theo 3 mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Khi số phiếu “tín nhiệm thấp” dưới 50% được coi là không đạt và sẽ phải bỏ phiếu tín nhiệm.

Cũng theo Chủ nhiệm VPQH ai được đại biểu đánh giá tín nhiệm cao nhiều thì người đó coi như hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trường hợp tín nhiệm thì là hoàn thành nhiệm vụ. Trường hợp người nào nhiều phiếu tín nhiệm thấp quá thì mới đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ.

Về nội dung này ông Phúc cũng khẳng định các cơ quan báo chí sẽ được tham dự ngay từ đầu đến khi công bố kết quả. Ông Phúc không lo “hòa cả làng”, điều quan trọng là phải đánh giá kết quả một cách hợp lý. Trường hợp nhiều người được bỏ phiếu tín nhiệm cao cũng không sao cả.

“Tôi phải suy nghĩ vì mình đại diện cho dân để khi cầm lá phiếu đánh giá cho chính xác. Mỗi người là đại diện cho nhân dân, cầm lá phiếu phải suy nghĩ lắm. Với tôi, tiêu chí đầu tiên là anh có hoàn thành nhiệm vụ hay không, rồi mới đến phẩm chất đạo đức. 

Cái quan trọng nhất người ta nhìn vào anh là với tư cách tư lệnh lãnh đạo một ngành. Đấy là nhiệm vụ đầu tiên phải làm rõ đã. Anh không làm tốt thì tôi đánh giá anh không hoàn thành nhiệm vụ” – Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ với tư cách là người “chấm điểm” các chức danh được Quốc hội lấy phiếu.

Việc lấy phiếu tín nhiệm được các ĐBQH “bàn luận” rất sôi động trên diễn đàn báo chí trong những ngày qua. Mỗi người đưa ra một tiêu chí. Ai hoàn thành, ai không hoàn thành nhiệm vụ mà cử tri cũng như ĐBQH giao phó, câu trả lời sẽ có trong nay mai.

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm:

Buổi sáng ngày 10/6:

- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo một số vấn đề về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

- Quốc hội biểu quyết danh sách những người được Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

- Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm.

Buổi chiều ngày 10/6:

Từ 15 giờ: Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường:

- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn và báo cáo về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu tín nhiệm.

- Quốc hội bầu Ban Kiểm phiếu.

- Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

Ban Kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu vào sáng ngày 11/6.

Mai Nguyễn