Chủ tịch Hội Địa lý: TP.HCM sẽ giống địa phương kiểu Pháp?

25/08/2013 12:00
Theo Vietnamnet
(GDVN) - Chủ tịch Hội Địa lý TP.HCM cho rằng, đề án thí điểm chính quyền đô thị TP.HCM có nét gì đó tương tự tổ chức chính quyền địa phương của nước Pháp.
Đó là ý kiến của PGS.TS Đặng Văn Phan-Chủ tịch Hội Địa lý TP.HCM nêu tại hội nghị các nhà khoa học, trí thức và văn nghệ sĩ góp ý cho đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Theo ông Phan, Đề án có nét tương tự tổ chức chính quyền địa phương của nước Pháp, nghĩa là các quận nội thành (không tính 4 TP vệ tinh) có cơ quan hành chính đại diện chính quyền cấp trên và chủ tịch cơ quan đại diện này do Chủ tịch UBND TP.HCM bổ nhiệm.

 “... Ở các nước phương Tây, chính quyền đô thị của họ đã được qui định trong Hiến pháp dù dưới bất cứ sự lãnh đạo nào cũng phải tuân theo, luôn bền vững. Còn ở nước ta có mấy phương thức tổ chức chính quyền địa phương thì Hiến pháp vẫn chưa thông qua được”, ông Phan nói.

Theo ông Phan, bên cạnh khái niệm chính quyền, ở nước ta còn khái niệm hệ thống chính trị. Trong hệ thống chính trị có Đảng lãnh đạo, có chính quyền, có MTTQ và các thành viên.
Theo ông Phan, bên cạnh khái niệm chính quyền, ở nước ta còn khái niệm hệ thống chính trị. Trong hệ thống chính trị có Đảng lãnh đạo, có chính quyền, có MTTQ và các thành viên.

“Như vậy dù đổi mới gì cũng phải nhìn toàn diện cả hệ thống. Nếu bàn không tổ chức HĐND quận, huyện, phường thì ở đó có cấp ủy, MTTQ hay không? Đây là vấn đề không đơn giản, đặc biệt bộ máy chính quyền mới phải phù hợp với thể chế chính trị, đoàn thể ra sao?”, ông Phan nói.

Nhận định xây dựng chính quyền đô thị  ở TP.HCM  sẽ thành công, song ông Phan cho rằng, phải có bước đi chắc chắn.

Muốn vây, một trong những điều đầu tiên cần làm rõ, đó là định nghĩa về chính quyền đô thị.

“Tuy cố gắng hiểu và nhận thức về chính quyền đô thị song trong tập tài liệu Thành ủy gửi, tôi không hiểu chính quyền đô thị là gì? Tôi đã moi hết các cuốn từ điển nhưng cũng không hiểu được, mặc dù chúng ta nói nó hay lắm.

Phải có một cái định nghĩa rõ ràng về chính quyền đô thị để người dân hiểu”, ông Phan đề nghị.

Một vấn đề mà T.Ư đề nghị TP.HCM làm rõ là phân biệt chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn. Ở điểm này, PGS.TS Đặng Văn Phan nhìn nhận, Đề án chưa thấy nói chính quyền đô thị khác gì với chính quyền nông thôn.

“Đô thị khác nông thôn là rõ ràng, song về bản chất mô hình quản lý ở TP.HCM hiện nay không khác mô hình quản lý một tỉnh bất kỳ, kể cả một tỉnh có dân số ít hơn nhiều. Cơ chế hoạt động của TP.HCM vẫn giống với nông thôn hơn”, ông Phan lý giải.

Dù vậy, ông cho rằng, việc xây dựng chính quyền đô thị vào thời điểm này là đúng đắn thời điểm và đã “chín muồi”. Nhưng TP.HCM cần phải phân tích kỹ lưỡng, hoàn thiện nhiều vấn đề trước khi trình Chính phủ.

Phục vụ dân: mục tiêu hàng đầu

Tại hội nghị, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM Khương Văn Mười bày tỏ lo lắng TP.HCM sẽ bị ngập trên diện rộng vào năm 2070 (nước biển sẽ dâng 46 cm) và bị ảnh hưởng nghiêm trọng vào năm 2100 (nước biển sẽ dâng 75 cm).

"Việc phát triển các TP mới cần phải có sự tính toán phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, chứ dồn công sức, tiền bạc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng rồi sau đó bị nhấn chìm trong nước thì không ổn”, ông Mười đề nghị TP tính toán lại việc xây dựng 4 TP vệ tinh mới.

Ở góc quan tâm khác, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng, mục tiêu quan trọng hàng đầu của chính quyền đô thị là phục vụ người dân trong mọi lĩnh vực, đơn giản thủ tục hành chính, đem đến cho người dân các nhu cầu ăn, ở, nghỉ, đi lại, làm việc, vui chơi và giải trí tốt hơn mô hình cũ.

“Giải tỏa bớt áp lực đất đai, ô nhiễm môi trường, giao thông tắc nghẽn, hạ tầng kỹ thuật tốn kém. Từ mục tiêu nền tảng này ta mới hướng đến các mục tiêu khác như quản lý đô thị, phân cấp và các thành phố vệ tinh và các quan hệ chính quyền đô thị giữa địa phương và T.Ư. Tuy nhiên, đề án chưa làm rõ”, ông Dũng nói.

PGS.TS Cao Minh Thì - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TP.HCM cho rằng, đổi mới là điều hết sức cần thiết nhưng đổi mới là để phục vụ tốt hơn cho nhân dân. Cái gì có lợi cho dân thì ta quyết tâm làm. Do đó TP cần chứng minh rõ ràng hơn người dân được lợi ích gì từ đề án này.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, Bí thư Thành ủy TP.HCM  Lê Thanh Hải cho hay, Ban soạn thảo đề án sẽ nghiên cứu qua đó bổ sung và hoàn thiện.

Theo Vietnamnet