Chủ tịch QH nêu 4 vấn đề quan trọng tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13

21/10/2013 09:59
Ngọc Quang
(GDVN) - Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 cách đây ít phút, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các vị ĐBQH nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tham dự đầy đủ các phiên họp, phát huy trí tuệ, thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội nhận định, gần 3 năm qua, kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro và khả năng phục hồi chậm. Trong nước, lạm phát tăng, tồn kho, nợ xấu cao, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao, tăng trưởng chậm lại, thu ngân sách giảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong bối cảnh đó, bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các ngành, các cấp, các địa phương và các doanh nghiệp, đến nay tình hình kinh tế-xã hội đã có bước chuyển tích cực, đúng hướng trên hầu hết các lĩnh vực, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất huy động giảm.

Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả bước đầu. Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Tiềm lực quốc phòng được tăng cường; độc lập, chủ quyền, an ninh chính trị được giữ vững, đối ngoại tiếp tục mở rộng…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các nội dung quan trọng sau đây:

Một là, thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được tổ chức lấy ý kiến nhân dân và thu hút được sự tham gia tích cực với nhiều ý kiến tâm huyết của đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài.

Sau kỳ họp thứ 5, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã họp nhiều phiên, nghiêm túc nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Quốc hội, nhân dân, các ngành, các cấp, các chuyên gia, các nhà khoa học. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã dành thời gian cho ý kiến về Dự thảo và tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lấy ý kiến về Dự thảo.

Để việc thông qua Hiến pháp đạt kết quả cao, bảo đảm dân chủ, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, trong kỳ họp này Quốc hội sẽ dành thời gian thích đáng để tiếp tục tổ chức thảo luận dân chủ, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao với tinh thần chân thành lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục những vấn đề đặt ra.

“Một lần nữa, Quốc hội hoan nghênh và trân trọng cảm ơn đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài đã nhiệt tình hưởng ứng và có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Hai là, thông qua dự án Luật đất đai (sửa đổi). Dự án Luật đất đai (sửa đổi) có phạm vi điều chỉnh rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống của mọi người dân. Đây là một đạo luật nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân; Quốc hội đã dành 3 kỳ họp để thảo luận, cho ý kiến, đồng thời chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc ý kiến của nhân dân, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để hoàn thiện dự thảo Luật.

Quốc hội yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong quá trình thảo luận, kết hợp với việc thảo luận, thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, xử lý thấu đáo các vấn đề mà thực tiễn đặt ra, bảo đảm để Quốc hội thông qua một đạo luật về đất đai đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và lòng mong mỏi của nhân dân.

Ba là, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2013; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015); việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; việc phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ cho một số dự án quan trọng, cấp bách.

Bốn là, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012”; xem xét các báo cáo kết quả giám sát do Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thực hiện; nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII; báo cáo của Chính phủ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4, thứ 5.

Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, tội phạm; công tác thi hành án; phê chuẩn nhân sự Chính phủ, bầu nhân sự một số cơ quan của Quốc hội và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Ngọc Quang