Chủ tịch Quốc hội:Tín nhiệm thấp là đòi hỏi nghiêm túc để phấn đấu

12/06/2013 09:09
Lê Kiên/Tuổi trẻ
Tín nhiệm thấp là đòi hỏi nghiêm túc đối với các vị để tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt hơn những yêu cầu của đất nước hiện đang gặp nhiều khó khăn. Quốc hội đặt niềm tin ta sẽ phấn đấu tốt hơn trong thời gian tới
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - người nhận nhiều phiếu tín nhiệm cao - Ảnh: Việt Dũng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - người nhận nhiều phiếu tín nhiệm cao - Ảnh: Việt Dũng


* Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, phó chủ tịch Quốc hội: nhiều phiếu “tín nhiệm cao”
* Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: nhiều phiếu “tín nhiệm thấp”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh như vậy sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 người giữ các chức danh cao cấp trong bộ máy nhà nước, ngày 11-6.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Có cả loại phiếu tín nhiệm cao, có loại phiếu tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Kết quả của những vị được lấy phiếu tín nhiệm có trọng trách liên quan đến các lĩnh vực nóng như ngân hàng, giáo dục, y tế, xây dựng... cho thấy Quốc hội đòi hỏi trách nhiệm cao hơn. Tín nhiệm thấp là đòi hỏi nghiêm túc đối với các vị để tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt hơn những yêu cầu của đất nước hiện đang gặp nhiều khó khăn. Quốc hội đặt niềm tin ta sẽ phấn đấu tốt hơn trong thời gian tới”

Ông Hùng cũng khẳng định kết quả lấy phiếu tín nhiệm là “khách quan, phản ánh được tình hình đất nước ở đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, tư pháp...”.

Không có ai trong số 47 người bị đưa vào quy trình bỏ phiếu bãi nhiệm do tỉ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” đều ở dưới mức 50%. Được 372/492 đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm cao”, phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu danh sách được đánh giá tín nhiệm cao nhất.

Người phải nhận nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” nhất là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Nguyễn Văn Bình với con số 209/492. Ông Bình chỉ nhận được 88 phiếu đánh giá “tín nhiệm cao”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận được 330 phiếu “tín nhiệm cao” (66,27%), 133 phiếu “tín nhiệm” và 28 phiếu “tín nhiệm thấp”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận được 210 phiếu “tín nhiệm cao” (42,17%), 122 phiếu “tín nhiệm” và 160 phiếu “tín nhiệm thấp”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận được 328 phiếu “tín nhiệm cao” (65,86%), 139 phiếu “tín nhiệm” và 25 phiếu “tín nhiệm thấp”.

Trong số các thành viên Chính phủ, Thống đốc Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Phạm Vũ Luận phải nhận nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” nhất; trong khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang lần lượt nhận được số phiếu “tín nhiệm cao” nhiều nhất. Kết quả chung cho thấy các lãnh đạo khối lập pháp nhận được tín nhiệm cao hơn các lãnh đạo khối hành pháp.

"Khi kết quả cuộc lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên trong lịch sử Quốc hội nước ta được công bố, tôi thấy đa số cử tri đều hoan nghênh, có người còn vỗ tay vì Quốc hội xứng đáng là cơ quan đại diện cho quyền lực của nhân dân.

Kết quả cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần này là bài học kinh nghiệm cho việc tổ chức các lần sau. Cử tri kỳ vọng rằng những người có tín nhiệm cao cũng như tín nhiệm thấp đều phải tự rút ra bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn trọng trách đã được giao phó."

Ông Nguyễn Đình Hương (nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương)

Lê Kiên/Tuổi trẻ