Chủ tịch nước: Chúng ta đã nộp hồ sơ ranh giới thềm lục địa đến Liên Hiệp Quốc

06/12/2015 08:09
Thế Quân
(GDVN) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, thái độ trước sau như một của ta là không bao giờ thừa nhận hành vi 3 lần chiếm đóng đảo mà Trung Quốc đã làm.

Tiếp tục chương trình tiếp xúc với cử tri TP.HCM ngay sau khi kỳ họp của Quốc hội kết thúc,vào chiều ngày 5/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và tổ đại biểu Quốc hội số 1 – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức tiếp xúc với cử tri quận 3, TP.HCM.

Đau đầu vì hành vi của Trung Quốc

Nhiều cử tri của quận 3, TP.HCM đã bày tỏ thái độ lo lắng trước những hành động của phía Trung Quốc. Ngoài việc Trung Quốc xâm lấn Biển Đông, hiện còn lan tới các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, như nhà thầu Trung Quốc thi công kém chất lượng, "quệt quệt ra rồi bỏ ngỏ", đồ ăn thì độc hại hằng ngày, nguồn chất độc cũng từ Trung Quốc mà ra.

Các cử tri đề nghị cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa với vấn đề này, "vì hiện dân cũng đã đau đầu vì những hành vi này lắm rồi".

Cử tri Hồ Quang Chính đặt vấn đề: Văn kiện Đại hội Đảng đánh giá giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ có xác đáng, khi mà Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, một số đảo Trường Sa, và gần đây có các hành động bồi đắp, quân sự hóa các đảo, đá mà họ chiếm đóng trái phép.

Nói với cử tri về vấn đề này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã một lần nữa khẳng định, Trung Quốc đã 3 lần đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là 2 lần trước giải phóng, 1 lần vào năm 1988. Việt Nam trước sau như một là không bao giờ thừa nhận hành vi chiếm đóng đảo Hoàng Sa của phía Trung Quốc.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu với các cử tri Q.3, TP.HCM (ảnh: VietNamNet)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu với các cử tri Q.3, TP.HCM (ảnh: VietNamNet)

Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng ta đã nộp hồ sơ ranh giới thềm lục địa đến Liên Hiệp Quốc, để xác định biên giới ngoài của mình bao nhiêu hải lý.

Chủ tịch nước đã nhấn mạnh, cho dù diễn đạt bất cứ chữ nghĩa nào cũng không bao hàm việc thừa nhận sự chiếm đóng của Trung Quốc, và sau này mãi mãi vẫn là như thế.

“Việc một số tàu đánh cá của ngư dân chúng ta bị uy hiếp, gây khó khăn trong quá trình khai thác trong vùng 200 hải lý, thì chúng ta đã đấu tranh lại. Chủ trương bảo vệ chủ quyền quốc gia thì các khóa tới sẽ tiếp tục” – Chủ tịch nước nói tiếp.

Kêu gọi cử tri chất vấn, chỉ ra những hạn chế của cán bộ

Cử tri Hồ Quang Chính chia sẻ tại buổi tiếp xúc cử tri của quận 3 rằng, việc lựa chọn nhân sự tại Đại hội 12 sắp tới có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến sự sống còn, vận mệnh của Đảng.

Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội sắp tới là vô cùng quan trọng, không phải chỉ cho nhiệm kỳ sắp tới, mà còn cho cả những năm về sau.

“Tôi kiến nghị Đại hội sắp tới tuyển lựa cán bộ cho tốt, bầu được lãnh đạo cho đất nước trong bối cảnh hội nhập sâu với thế giới, tình hình Biển Đông còn nhiều phức tạp, đất nước còn nhiều vấn đề cần phải được giải quyết” – Cử tri Chính nói tiếp.

Cử tri Lê Thanh Tùng thì đánh giá tình trạng tham nhũng, tham ô, cửa quyền vẫn còn nhiều phức tạp, tinh vi và còn khó phát hiện. Tuy nhiên, khi cử tri theo dõi kết quả Đại hội Đảng từ cấp phường xã, quận huyện, tỉnh thành phố lại chỉ nêu bật, đánh giá những thành tựu tốt đẹp. Như vậy thì quần chúng sẽ không còn tin, tạo thành một mối nguy hiểm cho Đảng, Nhà nước.

Phát biểu với cử tri về vấn đề này, Chủ tịch nước cho rằng, việc tuyên truyền mà chỉ nêu đậm ra những thành công của các Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở, mà chưa chỉ ra đúng mức những tồn tại, yếu kém, làm cho cử tri chưa hiểu hết vấn đề, tưởng rằng Đại hội chỉ nói về thành công.

Những điều cử tri đã chỉ ra những tồn tại, yếu kém, mà nói mãi chẳng có ai sửa, chỉ có rút kinh nghiệm sâu sắc, thì Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm thấy cực kỳ xấu hổ. Do rằng, đây là những lời nhận xét vô cùng thấm thía, đắt giá, vì đó sự thật.

Chủ tịch nước cũng nhắc lại cơ chế phân tầng giữa trung ương và địa phương. Có những vấn đề thuộc thẩm quyền của trung ương, nhưng cũng có cái thuộc địa phương. Cấp quản lý vĩ mô thì không thể “ba đầu, sáu tay” để quản lý những vấn đề thuộc về vi mô.

Dịp này, Chủ tịch nước cũng một lần nữa kêu gọi cử tri, nhân dân tiếp tục góp sức chất vấn để chỉ ra những hạn chế đối với những người nắm giữ các trọng trách do nhân dân ủy thác.

Chủ tịch nước gửi gắm “Phải phát huy mặt trận đoàn thể các cấp, người dân phải bày tỏ ý kiến vì đất nước này”, nhưng cũng phải nhìn nhận ra trách nhiệm chung, “trước hết là của chúng tôi, mong bà con cử tri chỉ ra”.

Thế Quân