Chủ tịch nước: “Lắng nghe dân để thu hẹp khoảng cách giữa dân và quan”

11/10/2013 07:05
Ngọc Luân
(GDVN) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rất hoan nghênh và đề nghị khen thưởng TP. HCM vì đã xử lý rất tốt trong vụ sếp công ích lĩnh “lương khủng” gây bất bình xã hội vừa qua. Mặt khác, Chủ tịch nước cũng khuyến nghị TP. HCM nên tăng cường đối thoại với nhân dân, lắng nghe dân nói để thu hẹp khoảng cách giữa dân và quan, qua đó mới có thể giảm thiểu những vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Hôm qua, ngày 10/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM đã có cuộc tiếp xúc với cử tri TP. HCM nhằm thu nhận tâm tư, nguyện vọng của bà con cử tri, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII sắp tới. Cũng trong chuyến công tác này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi làm việc quan trọng với lãnh đạo TP. HCM và các bộ phận có liên quan về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại địa phương.

Lương khủng và tham nhũng

Không phải ngẫu nhiên, mà gần như tất cả các ý kiến của bà con cử tri quận 4 – TP. HCM nêu ra tại buổi tiếp xúc với Chủ tịch nước – Đại biểu Quốc hội Trương Tấn Sang, đều tập trung vào vấn đề tham nhũng của một bộ phận cán bộ công chức hiện nay.

Gần dân để hiểu dân hơn - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đang trao đổi thẳng thắn với cửu tri TP. HCM những vấn đề dân sinh mà cử tri quan tâm
Gần dân để hiểu dân hơn - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đang trao đổi thẳng thắn với cửu tri TP. HCM những vấn đề dân sinh mà cử tri quan tâm

Trong đó, tiêu điểm của vấn đề này là sự kiện các cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp công ích trực thuộc Sở GTVT TP. HCM tự nhận mức “lương khủng” xôn xao dư luận xã hội thời gian qua, đã gây nên bất bình lớn đối với bà con cử tri.

Có rất nhiều ý kiến đề cập trực diện và khá quyết liệt khi cử tri “xoáy” vào trách nhiệm của các đơn vị đầu ngành, trách nhiệm của các cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý – giám sát những doanh nghiệp công ích này ra sao mà để xảy ra sự việc như thế? nguồn tiền mà các “sếp” này tự trích duyệt mức lương cao bất thường ấy cho mình là từ đâu? Vì sao không ai phát hiện trong một thời gian dài? Vụ việc sẽ được truy cứu đến đâu?

Trả lời ý kiến của bà con cử tri, Chủ tịch nước, Đại biểu Quốc hội Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Tôi rất hoan nghênh TP. HCM đã kịp thời phát hiện, công khai cụ thể và kiên quyết xử lý, không sợ khuyết điểm trong vụ việc này. Nếu TP phát huy được tinh thần này, công khai, minh bạch, nghiêm túc, sửa sai thì dân sẽ rất đồng tình và ủng hộ hết mình…”

Qua đó, Chủ tịch nước đã thông tin cho bà con cử tri biết rằng Trung ương đã đề nghị TP. HCM khen thưởng những người có công trong việc phát hiện ra vụ việc này để nhân rộng phong trào chống tiêu cực. Bên cạnh đó, Trung ương cũng rất quan tâm và theo dõi sát sao tiến trình xử lý sai phạm của các cá nhân và tập thể mà thành phố đang triển khai. “Nếu TP. HCM không xử lý đến nơi đến chốn, không làm quyết liệt còn bao che sai phạm, thì Trung ương sẽ có hướng chỉ đạo thích hợp”. Chủ tịch phát biểu trước bà con cư tri.  

Bên cạnh việc mổ xẻ vấn nạn “lương khủng”, thì các vấn đề khá nóng bỏng khác hiện nay chưa được giải quyết rốt ráo như: chậm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, bất cập trong giáo dục đào tạo, khuất tất trong quy hoạch đô thị, đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thực hiện bảo hiểm xã hội… và nhất là việc xuống cấp y đức – chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện công, được nhiều cử tri tập trung phản ánh khá thẳng thắn.

Thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử số 1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chân thành tiếp thu ý kiến của cử tri. Chủ tịch nước giải đáp một số bức xúc và kiến nghị của cử tri nhất là về chính sách phát triển nhà ở xã hội, việc quy hoạch phát triển đô thị... Chủ tịch nước khẳng định: “Đảng, Nhà nước nói chung và TP. HCM nói riêng đã có chính sách để tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, và phát triển thành phố trong tương lai. Tuy vậy, để thực hiện có kết quả những điều này, một mình nổ lực của Nhà nước không là chưa đủ, mà cần phải có sự chia sẻ, chung tay của cả cộng đồng.”

TP. HCM cần lắng nghe tiếng nói người dân

Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc họp với UBND TP. HCM về nội dung giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Theo báo cáo của UBND TP. HCM, trong 9 tháng đầu năm 2013, UBND TP. HCM đã bám sát sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM về công tác thi hành luật Khiếu nại, luật Tố cáo, ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo nhằm tiếp tục tăng cường công tác tiếp dân, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố.

Quang cảnh buổi làm việc của Chủ tịch nước với UBND TP. HCM
Quang cảnh buổi làm việc của Chủ tịch nước với UBND TP. HCM

Báo cáo nêu rõ, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP. HCM đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, với mức giảm 49% đơn tiếp nhận mới. Cụ thể, thành phố đã tiếp gần 37.000 lượt công dân, tiếp nhận hơn 4.770 đơn khiếu nại tố cáo và đã xử lý 4759 đơn đạt tỷ lệ 99,7%.

Trong đó, nội dung khiếu nại chủ yếu vẫn tập trung vào lĩnh vực bồi thường, giải tỏa, tái định cư tại các dự án. Nội dung tố cáo chủ yếu phản ánh về hành vi của cán bộ, công chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.

Tuy nhiên việc khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp, việc tiếp công dân, việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật còn một số quận chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục, giải quyết không dứt điểm dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Tín – Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cũng đã báo cáo với Chủ tịch nước và Đoàn ĐBQH về kết quả giải quyết 15 vụ khiếu nại, tố cáo trọng điểm của công dân trên địa bàn TP. HCM (các vụ việc này đã được phản ánh nhiều tại các cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp xúc công dân của Đoàn ĐBQH). Trong đó, nổi lên là vụ khiếu nại của các hộ dân thuộc dự án chung cư Cô Giang (quận 1) và khiếu nại của các hộ dân thuộc dự án Khu tứ giác Bến Thành (quận 1).

Theo tiến sĩ Trần Du Lịch - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM với dự án Khu tứ giác Bến Thành (quận 1), TP nên giải quyết rốt ráo một trong những khiếu nại của người dân là năm 2008 quận 1 thông báo cho người dân được đăng ký tái định cư tại chỗ. Đến năm 2011 lại thông báo là không được tái định cư tại chỗ mà sẽ tái định cư ở một địa điểm khác nhưng lại không xác định cự thể về thời gian và giá thành…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: "TP. HCM phải giải quyết dứt điểm khiếu kiện trên tinh thần vận động, thuyết phục, có thiện chí..."
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: "TP. HCM phải giải quyết dứt điểm khiếu kiện trên tinh thần vận động, thuyết phục, có thiện chí..." 

Đại biểu Trần Du Lịch cũng đề cập, việc áp dụng chính sách cho chung cư Cô Giang có sự nhập nhằng giữa cải tạo chung cư cũ với dự án thương mại. Theo đại biểu Trần Du Lịch, chủ đầu tư còn quảng cáo trên mạng đây là mảnh đất vàng để huy động vốn và người dân cảm thấy rằng họ bị lợi dụng về chính sách.

Trả lời ý kiến đại biểu Lịch, ông Lưu Trung Hòa – Phó Chủ tịch UBND quận 1 nói: “Nghị quyết 34 thể hiện rõ, cải tạo xây dựng chung cư xuống cấp, trong đó có khuyến khích kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Nhà đầu tư vừa cải tạo chung cư cũ vừa chỉnh trang đô thị thông qua thương mại. Chỗ này do dân chưa hiểu, cần tiếp xúc lại để giải thích cho người dân ở điểm này. Quận 1 đã tiếp 41 trường hợp và có 7 trường hợp tự nguyện di dời.”

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín giải thích thêm: Hiện nay, ở TP. HCM có nhiều chung cư hư hỏng, có nguy cơ sập nên việc di dời để xây dựng lại là trách nhiệm của Nhà nước, trong điều kiện ngân sách khó khăn nên phải xã hội hóa. Người dân ở đó được nhận lại căn hộ khang trang, hiện đại hơn và tối thiểu bằng căn hộ cũ của mình mà không phải trả tiền thêm. Vì thế, phải có một khoản kinh phí bù vào, nên phải tạo điều kiện cho chủ dầu tư làm lại chung cư cũ có điều kiện thu hồi vốn và có lời. “Đó là xã hội hóa chứ không có chuyện biến chung cư thành dự án kinh doanh”- ông Tín khẳng định.

Tuy vậy, đại biểu Trần Du Lịch vẫn tiếp tục đối thoại:  “Chủ trương là vậy, nhưng dự án này không phải thuần túy cải tạo chung cư cũ mà mở rộng ra khu vực chung quanh và thành một miếng đất vàng, xây dựng thành trung tâm thương mại, nhà ở. Về chủ trương thì không có người dân nào chống việc cải tạo chung cư cũ xuống cấp. Người dân cảm thấy nhà đầu tư hưởng lợi quá nhiều trong khi đền bù cho họ ít thì họ bị thiệt thòi. Chỗ này cần minh bạch ra để dân không khiếu kiện nữa.”

Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị với lãnh đạo TP. HCM: Những điều luật, chính sách đã có thì phải giải quyết cho dân, cái nào luật lệ không cho phép mà dân chưa hiểu thì giải thích để bà con thông suốt, giảm bớt áp lực cho chính quyền các cấp.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã biểu dương những kết quả mà UBND TP. HCM cùng các sở, ngành, quận, huyện đã thực hiện được trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thời gian qua. Đối với các vụ việc còn tồn đọng kéo dài, Chủ tịch nước yêu cầu thành phố cần cương quyết giải quyết dứt điểm nhưng trên tinh thần vận động thuyết phục, có thiện chí, tăng cường đối thoại, lắng nghe dân nói để thu hẹp dần khoảng cách giữa nhân dân và cơ quan chính quyền các cấp. 


Ngọc Luân