Chủ tịch nước: “Sẽ làm mọi cách để giữ vững chủ quyền đất nước”

26/04/2013 08:32
TN (Tổng hợp)
(GDVN) - Chiều 25/4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu Quốc hội số 1 TP. Hồ Chí Minh đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 4 trước kỳ họp thứ 5 QH khoá XIII.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi tiếp xúc cử tri TP.HCM (Ảnh: báo Thanh niên)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi tiếp xúc cử tri TP.HCM (Ảnh: báo Thanh niên)

Tại buổi tiếp xúc chiều 25/4, có nhiều vấn đề được các cử tri quan tâm như giá xăng, các chính sách, vấn đề lãng phí, tái cơ cấu nền kinh tế…

“Tất cả phải đầy đủ nhiệm vụ”

Trong số những vấn đề đó, Biển Đông và chủ quyền đất nước là vấn đề được quan tâm lớn. Báo Thanh niên dẫn lời cử tri Thân Trọng Hoa: “Để bảo vệ chủ quyền, chúng ta đầu tư quân sự có bằng với các nước trong khu vực không?”. 

“Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch nước “xin nêu vắn tắt” là chúng ta sẽ làm bằng mọi cách theo đường lối của ta để giữ vững được chủ quyền đất nước, “chứ không phải lo kinh tế khó khăn rồi cứ xoay xở đó, còn quốc phòng an ninh không lo. Không phải như thế. Tất cả phải đầy đủ các nhiệm vụ””, báo Thanh niên viết.  

Giá xăng dầu: “Thực sự là một bài toán rất đau đầu”
Một trong những vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh, các cử tri cũng dặc biệt quan tâm chuyện giá các mặt hàng cứ tăng theo giá xăng nhưng khi giá xăng xuống thì không giảm theo.

Dẫn lời chủ tịch nước Trương Tấn Sang, báo Lao động viết: “Giá xăng dầu nghe qua đơn giản nhưng lại là một vấn đề hệ trọng đối với sản xuất và đời sống nhân dân. Mỗi năm chúng ta bù lỗ rất nhiều, có năm bù lỗ mấy chục ngàn tỉ, nguồn bù lỗ từ ngân sách, cũng tức là từ dân thôi. Tất nhiên mấy ông xăng dầu thỉnh thoảng có tiêu cực, bị báo chí phanh phui như vụ làm ăn lỗ mà lương cao, đều có chuyện đó cả nhưng tổng thể xung quanh vấn đề này là giải quyết vấn đề giữa giá thực tế và giá tiêu thụ. 

Chủ trương bây giờ là giảm bù lỗ dần dần nhưng phải đảm bảo được sức chịu đựng của nền kinh tế và đảm bảo được sức chịu đựng, gánh vác được của nhân dân, đặc biệt là nhân dân lao động. Vấn đề ở đây là cách điều hành thế nào. Thật sự là bài toán rất đau đầu. Khi thị trường giá lên thì mình điều chỉnh lên, khi thị trường xuống ta điều chỉnh xuống nhưng phải kéo được mặt bằng khác. 

Phải nói đây là bài toán cực kỳ khó. Mình nói thị trường có sự can thiệp của Nhà nước nhưng can thiệp cỡ nào thì nó mang tính chất thị trường, can thiệp cỡ nào thì nó phi thị trường. Nói nhiều, làm nhiều nhưng bà con chưa thỏa mãn. Đây là một cái nợ, các ngành kinh tế cùng với bà con ở đây nghiên cứu, hiến kế để cùng giải quyết, bởi nói lý thuyết thì hay nhưng thực tiễn là thách đố”.

“Tôi cũng thừa nhận là phê phán của các đồng chí là có thật”

Về việc đưa ra những chính sách, quy định gây hoang mang cho người dân, “rất nhiều cử tri cảm thấy an lòng khi Chủ tịch nước nói sẽ trao đổi thêm với các cơ quan ban ngành về việc thu phí bảo trì đường bộ để “làm cách nào cho hợp lý”. Ngoài ra, ông cho biết các loại thuế trong sản xuất kinh doanh cũng sẽ giảm dần dần, theo lộ trình hội nhập quốc tế, nhưng “xin thưa là giảm quá nhanh sẽ đe dọa đến ngân sách”.

Về nạn “đua nhau mở lễ hội, nhiều quan chức đến để xin xỏ quyền lực, bổng lộc” và “làm chưa được như nói”, “các bộ ngành có nơi, có lúc đưa ra nhiều chủ trương làm xáo trộn cuộc sống người dân”, Chủ tịch nước khẳng định: "Đảng và Nhà nước đã biết rồi và đang chấn chỉnh. Tôi cũng thừa nhận là phê phán của các đồng chí là có thật”, báo Thanh niên đưa tin.

Tờ báo này cũng viết: “Lương công chức rất thấp, trong khi nhiều chuyện lại rất lãng phí, “thay cán bộ là thay nội thất”..., rồi nhiều đơn vị “ráng chi cho hết ngân sách” là những bức xúc tiếp theo của cử tri tại buổi tiếp xúc. Chủ tịch nước nói gọn: “Chúng tôi đã ngồi mấy phiên, phải nói là gay go, vì một bên nhu cầu triệu triệu, còn một bên chỉ đáp ứng được vài trăm ngàn. Đỉnh điểm vay nước ngoài cũng đã đến giới hạn rồi. Tính toán lại đội ngũ chứ nếu không thì bế tắc, cực kỳ khó”. Rồi ông tâm tình: “Chẳng lẽ mình để anh em trong sạch mà phải khốn khổ à? Chúng tôi cũng xoay dữ lắm””.

Về vấn đề tái cơ cấu, báo Thanh niên viết: “Chủ tịch nước khẳng định: Chúng ta đã kiểm soát được lạm phát. Đây là một thành công nhưng hệ quả của nó cũng rất hệ trọng, đó là sản xuất khó khăn, doanh nghiệp giải thể nhiều.

Theo Chủ tịch nước, về mặt Đảng đã có nghị quyết, về mặt Chính phủ đã có chương trình, rồi có những kế hoạch duyệt rất cụ thể “nhưng tôi xin thưa rằng đây là chuyện nó to lắm, to lắm, không thể nào mà chúng ta muốn ngày một ngày hai đâu. Dứt khoát không phải là chuyện dễ dàng. Đôi ba năm mà chuyển được thì Chính phủ là giỏi, tuyệt vời”. Ông cho biết thêm: “Bài binh bố trận bây giờ nhiều lắm rồi, thể chế hóa rất là nhiều rồi. Chúng tôi thật sự cũng rất sốt ruột nhưng cũng cần phải có thời gian nhất định, làm thêm nhiều động tác nữa. Phải đồng tâm hiệp lực thì mới làm được chứ anh A nói thế này, anh B nói thế kia thì khó khăn lắm””.
TN (Tổng hợp)