Chủ tịch nước Trương Tấn Sang xúc động nhớ về "địa ngục trần gian"

15/03/2013 13:46
Khoa Nam/tuoitre
Sáng 15-3, gần 2.000 cựu tù binh Phú Quốc đã họp mặt kỷ niệm 40 năm “chiến thắng trở về” và lễ tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh tại Phú Quốc. Dự họp mặt có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và các cựu tù binh Phú Quốc từ 53 tỉnh, thành trên cả nước.

Buổi lễ được tổ chức long trọng tại di tích Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc - gọi tắt là Trại giam Phú Quốc (thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vui mừng gặp lại những đồng đội cũ - Ảnh: Khoa Nam
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vui mừng gặp lại những đồng đội cũ - Ảnh: Khoa Nam

40 năm trước đúng vào ngày này, thực hiện Nghị định thư về trao trả tù binh chiến tranh sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-1-1973, hàng chục ngàn chiến sĩ cách mạng bị giam giữ tại Trại giam Phú Quốc đã được trao trả tự do.

Trong số đó có nhiều người tiếp tục cầm súng chiến đấu đến ngày giải phóng đất nước 30-4-1975, nhưng cũng có hàng ngàn người phải mang thương tật suốt đời do đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù.

Tại buổi họp mặt, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu đầy xúc cảm: “Hôm nay, với tư cách là người đồng chí, đồng đội đã từng bị địch bắt, tù đày tại “địa ngục trần gian” Phú Quốc, tôi thật sự xúc động, vui mừng gặp lại các đồng chí - những người bạn cùng nhau nếm trải nhiều đòn thù khủng khiếp mà kẻ địch gây ra đối với anh em ta tại đảo Phú Quốc này. Khi cầm súng, anh em ta đã mưu trí, dũng cảm, chiến đấu ngoan cường, lập được nhiều chiến công hiển hách. Lúc bị địch bắt, số đông các đồng chí ta vẫn một dạ một lòng kiên trung, bất khuất, giữ vững khí tiết cách mạng”.

Chủ tịch nước tiếp lời: “Mấy hôm nay, khi nhận lời tham dự cuộc gặp mặt này, lòng tôi lại bồi hồi, xúc động nhớ lại 40 năm về trước, tại nơi này anh em ta trần trụi giữa “bầy sói” hung dữ, sẵn sàng thẳng tay hành hạ, đàn áp tù binh, thậm chí đánh đến chết… Hơn 4.000 đồng đội chúng ta đã gửi trọn tuổi thanh xuân của đời mình vào trong lòng đất đảo Phú Quốc thân yêu. Tôi rất tâm đắc với hai câu thơ của một nhà thơ đã viết về các anh hùng, liệt sĩ:

Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc
Hồn bay lên thành linh khí Quốc gia.

…Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng ý nghĩa lịch sử cuộc đấu tranh sinh tử của cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt, tù đày tại Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc ngày càng to lớn; càng tô thắm thêm truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc ta, quân đội ta và nhân dân ta”.

* Cũng trong buổi sáng 15-3, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Kiên Giang và Ban quản lý di tích Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc đã tổ chức khánh thành công trình phục dựng khu trại giam B2, gồm các hạng mục: nhà giam tù nhân, cổng, hàng rào, nhà vệ sinh, chuồng cọp, nhà bếp, chòi canh, đường nội bộ và tượng sáp tái hiện cảnh đàn áp tù binh...

Tổng mức đầu tư cho công trình này trên 48,9 tỉ đồng từ nguồn vốn trung ương hỗ trợ và vốn do Ban liên lạc tù binh Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang vận động.

Công trình này được khánh thành sẽ là một địa điểm tham quan thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên trung của thế hệ cha anh.

Khoa Nam/tuoitre