Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri tại TP HCM:

“Chủ tịch nước đã làm những gì rồi để phòng chống tham nhũng?"

12/10/2013 09:19
Ngọc Luân
(GDVN) - Rất quan tâm trước sự đề cập trực diện này của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trải lòng mình: “Với tư cách Chủ tịch nước, một cán bộ chủ chốt trong Đảng, trong Nhà nước thì phải tham gia chủ trương chính sách. Phòng chống tham nhũng là dứt khoát phải làm tích cực rồi, nhưng tôi không thể làm trực tiếp, không thể dẫn quân đi điều tra được. Nhưng, khi tôi phát hiện điều gì, tôi sẽ yêu cầu, giao cơ quan chức năng làm và theo dõi, đôn đốc, tuyệt đối không bỏ qua.”

Hôm qua, ngày 11/10/2013, tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri tại TP. HCM, Chủ tịch nước, Đại biểu Quốc hội Trương Tấn Sang cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM đã có 2 buổi tiếp xúc với cử tri tại quận 1 và quận 3.

Tại đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đông đảo bà con cử tri đã cùng nhau mổ xẻ, phân tích và chỉ ra nhiều vấn đề nóng bỏng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội đất nước hiện nay, đặc biệt là thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong vấn đề phòng chống tham nhũng hiện nay của đất nước

Nhìn thẳng - nói thật

Mở đầu buổi tiếp xúc, Đại biểu Trần Du Lịch – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM chia sẻ cùng bà con cử tri: Chủ tịch nước và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM đã trực tiếp xem xét 15 vụ việc khiếu nại, tố cáo nổi cộm của người dân TP trong thời gian qua. Qua đó, có thể thấy rằng những gì bà con gửi lên đều được xem xét, giải quyết trên cơ sở pháp luật.

Gần dân để nghe dân nói thật
Gần dân để nghe dân nói thật

Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh: “Chức năng của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM là kiểm tra, giám sát, đôn đốc chứ không phải là cơ quan chuyên trách về xử lý khiếu nại tố cáo, phán quyết, xét xử… nên đôi lúc không thỏa mãn hết nguyện vọng của người dân. Nói vậy để mong nhận được sự thông cảm của bà con cử tri.”  

Một cử tri tại quận 3 mở đầu cuộc gặp gỡ với Chủ tịch nước bằng câu hỏi thẳng thắn: “Chủ tịch nước đã làm những gì rồi để phòng chống tham nhũng?”

Rất quan tâm trước sự đề cập trực diện này của cử tri, Chủ tịch nước đã trải lòng mình: “Với tư cách Chủ tịch nước, một cán bộ chủ chốt trong Đảng, trong Nhà nước thì phải tham gia chủ trương chính sách. Phòng chống tham nhũng là dứt khoát phải làm tích cực rồi, nhưng tôi không thể làm trực tiếp, không thể dẫn quân đi điều tra được. Nhưng, khi tôi phát hiện điều gì, tôi sẽ yêu cầu, giao cơ quan chức năng làm và theo dõi, đôn đốc, tuyệt đối không bỏ qua.”

Chủ tịch nước cũng nói thêm: “Tham gia tích cực trên nhiều lĩnh vực, nhưng có trách nhiệm lớn vì tình hình chung chưa được đẩy lùi. Tôi thấy có trách nhiệm lớn. Bà con cử tri còn tín nhiệm thì làm tiếp, nếu không thì cũng về đây ngồi với bà con thôi. Nhưng còn làm việc thì phải làm hết mình.”

Bức xúc của cử tri cũng là bức xúc của đất nước

Cử tri Trần Gia Phú - quận 3 nêu ý kiến đầy băn khoăn của mình: “Tiêu cực ngày càng đi sâu vào những lĩnh vực mà xã hội rất trân trọng như y tế, giáo dục… Chúng ta nói quá nhiều về thực trạng lợi ích nhóm nhưng lợi ích nhóm đang nằm ở đâu? là những nhóm nào, cần chỉ mặt vạch tên. Dân có cảm giác nhà nước còn e dè trong chống tham nhũng?”

Đối thoại với cử tri về đánh giá kết quả phòng chống tham nhũng thời gian vừa qua, Chủ tịch nước nói thật: “Nếu cho rằng kết quả không có gì hết là không phải, không nên cường điệu. Nhưng cho rằng đã đạt yêu cầu rồi thì cũng không đúng.”

Bức xúc của cử tri cũng là bức xúc của đất nước
Bức xúc của cử tri cũng là bức xúc của đất nước

“Tôi nhớ rất rõ mỗi lần sơ kết, tổng kết về công tác phòng chống tham nhũng, đều đánh giá mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng nhìn chung chưa đạt yêu cầu. Điều này đã được thừa nhận trong các văn kiện” - Chủ tịch nước chia sẻ.  Ông nhấn mạnh: “Không thể chấp nhận, cam chịu một thực trạng “không đạt yêu cầu” như thế mãi được. Tất cả chúng ta đều cảm thấy khó chịu về thực trạng này.”

“Hệ thống pháp luật về vấn đề này cũng đã được ban hành rất nhiều. Tuy nhiên, kết quả mang lại là chưa đạt yêu cầu. Đảng cũng thừa nhận điều này và nhân dân bức xúc là phải. Nếu không đẩy lùi tham nhũng thì sẽ đe dọa sự tồn vong của chế độ ta. Vấn đề là các cơ quan chức năng cần phải hành động nhiều hơn nữa trong việc phát hiện tham nhũng, nhưng người dân cũng phải góp tay vào, giám sát để phát hiện tham nhũng. Muốn làm chuyện gì cũng phải dựa vào dân” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đối thoại.

Về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế đất nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, trong 3 năm qua Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi từ mục tiêu tăng trường nhanh sang mức tăng trường hợp lý để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Riêng mục tiêu trong 2 năm tới là vừa ổn định được kinh tế vĩ mô và đạt mức tăng trưởng cao hơn trong 3 năm qua. Để thực hiện được mục tiêu đó thì vấn đề quan trọng là phòng chống tham nhũng phải có hiệu quả hơn.

“Trong kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ có hẳn một chuyên đề nghe báo cáo tình hình kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là trọng tâm. Hai năm tới, tiếp tục khắc phục tồn đọng, giữ ổn định vĩ mô, song song giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho. Vừa ổn định vĩ mô vừa đạt mục đích tăng trưởng cao hơn trước, cố gắng ở mức cao nhất có thể” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Nhân buổi tiếp xúc với các Đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến của cử tri còn phản ánh hết sức tâm huyết và cảnh báo nhiều về các thực trạng: “cán bộ quyền to nhưng trách nhiệm nhỏ”, “lợi ích nhóm tung hoành”, “giá xăng dầu, giá sữa, giá thuốc tăng”, rồi “y đức xuống cấp trầm trọng”... 

Thay mặt Tổ đại biểu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trả lời theo từng nhóm vấn đề mà cử tri nêu ra và khẳng định: “Sẽ chuyển hết đến các cơ quan chức năng cụ thể, không bỏ sót chuyện gì đâu, mặc dù có việc khó, phức tạp đến đâu. Chúng tôi sẽ đi đến cùng vấn đề bức xúc của nhân dân. Bởi, bức xúc của cử tri cũng là bức xúc của đất nước.”

Chiều qua, ngày 11/10/2013, trước khi cuộc tiếp xúc cử tri quận 3 diễn ra, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các Đại biều Quốc hội và cán bộ, cử tri đã dành một phút để mặc niệm - tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trước sự ra đi của vị danh tướng được cả dân tộc tôn thờ, nhiều cử tri xúc cảm: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một con người tài đức vẹn toàn, quá xứng đáng với sự kính phục của nhân dân. Nếu như người lãnh đạo nào cũng có cái tâm như Đại tướng thì đất nước, dân tộc sẽ vô cùng phồn thịnh và hạnh phúc.”

Ngọc Luân