Chưa có quy định làm căn cứ để tháo dỡ Phủ Thành Chương, nhà Mỹ Linh

11/05/2013 06:50
N.Huệ
(GDVN) - Do chưa có xác định rõ ràng ranh giới đâu là đất rừng, đâu là đất thổ cư nên việc quy kết gia đình ca sĩ Mỹ Linh và Việt Phủ Thành Chương xây dựng lấn chiếm đất rừng, theo Luật sư Lê Vinh, trưởng văn phòng Luật sư Chương Dương, là chưa thỏa đáng.

Các ý kiến trái chiều

Năm 2006, theo kết luận 754/TTCP ngày 17/4/2006, trong đó, riêng phủ Thành Chương thuộc địa bàn xã Hiền Ninh, diện tích khoảng 3.000m2 - 8.000m2 đất sử dụng, mà nguồn gốc là đất rừng đặc dụng.

Sau khi mua lại của ông Lưu Văn Sỹ, ông Nguyễn Thành Chương đã xây dựng công trình kiên cố có kiến trúc khác nhau. Suốt quá trình xây chỉ một lần UBND xã ra Quyết định xử phạt với số tiền 10 triệu đồng, nhưng sau đó, ông Nguyễn Thành Chương vẫn tiếp tục xây dựng cho đến nay.

Hiện nay, công trình đang kinh doanh dịch vụ du lịch, tham quan và ăn uống. UBND xã Hiền Ninh đã nhiều lần báo cáo UBND huyện Sóc Sơn để có phương hướng xử lý, nhưng đến nay chưa có kết quả cụ thể.

Tương tự vậy, với gia đình nhạc sĩ Anh Quân, ca sĩ Mỹ Linh, năm 2001 đã nhận chuyển nhượng diện tích 12.691m2 đất của ông Đỗ Xuân Lâm (nguyên công nhân lâm trường Sóc Sơn). Việc chuyển nhượng được UBND xã Minh Phú xác nhận. UBND huyện Sóc Sơn cấp giấy sử dụng đất ở là 600m2 trên tổng 12.691m2 đất rừng phòng hộ.

Việt Phủ Thành Chương (Ảnh: Hữu Bảo)
Việt Phủ Thành Chương (Ảnh: Hữu Bảo)

Nhưng, theo kiểm tra thực tế của Đoàn Thanh tra, năm 2009, gia đình ca sĩ Mỹ Linh xây dựng 1 ngôi nhà (1 tầng) diện tích khoảng 300m2; 1 nhà thu âm diện tích khoảng 90m2; 1 bể bơi khoảng 60m2; diện tích trồng cỏ khoảng 300m2.

Về phía UBND xã Minh Phú, ông Dương Ngọc Oanh, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ở xã Minh Phú, chỉ những công trình xây dựng ở ven tuyến đường 35 mới phải xin cấp phép, còn ở khu vực khác là nông thôn, nếu làm nhà ở dưới 3 tầng thì không cần. Căn nhà Mỹ Linh xây dựng nằm ở khu vực nông thôn, lại xây 1 tầng, có đầy đủ giấy tờ, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi thì họ có quyền xây dựng mà không cần cấp phép”, ông Oanh nói.

Chủ tịch UBND xã Minh Phú cũng bác bỏ việc thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội kết luận gia đình Mỹ Linh xây dựng trên đất rừng phòng hộ. Ông Oanh khẳng định mảnh đất xây dựng không phải là đất rừng phòng hộ và cũng không phải đất lâm nghiệp. Theo quy hoạch thì đó là đất trồng vườn cây ăn quả.

Trả lời trên Tuổi Trẻ, Mỹ Linh cũng cho biết: “Gia đình chúng tôi luôn luôn tôn trọng pháp luật. Chúng tôi mua đất đai hợp pháp hơn 10 năm nay, có sổ đỏ đầy đủ và đã làm nhà, định cư ở đây 5 năm nay. Chính quyền địa phương cũng như hàng xóm đều biết, chúng tôi cũng tự biết mình là người được công chúng để mắt đến nên càng phải tuân thủ pháp luật. Nếu chúng tôi có gì sai trái thì làm sao có thể ở tồn tại ở đây lâu như vậy được mà nhà chức trách chưa hỏi đến”.

Còn họa sĩ Thành Chương - người cũng đang bị Thanh tra kết luận xây dựng trái phép thủ phủ của mình - cũng thẳng thắn bày tỏ: “Chuyện này tôi không muốn trả lời báo chí, tôi không muốn trao đổi gì. Thông tin cũng có những thông tin đúng, cũng có thông tin sai, nếu có vấn đề gì thì cơ quan chức năng sẽ làm việc với tôi”.

Khu nhà của Mỹ Linh - Anh Quân ở Sóc Sơn (ảnh: internet).
Khu nhà của Mỹ Linh - Anh Quân ở Sóc Sơn (ảnh: internet).

Về phía lãnh đạo Sở tài nguyên Môi trường Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở khẳng định: “Việc sử dụng đất là sai. Chúng tôi đã báo cáo UBND thành phố và đang chờ ý kiến kết luận của thành phố. Quan điểm của sở là vi phạm thì phải xử lý, bất kể đối tượng đó là ai, vì tất cả đều phải bình đẳng trước pháp luật”.

Thêm một ý kiến từ phía lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Sóc khiến dư luận quan tâm là: gia đình Mỹ Linh không làm sai. Đất của gia đình Mỹ Linh là đất bìa đỏ, trước đây cấp cho 1 hộ công nhân của cơ quan tôi. Hộ công nhân này sau đó về ở với con (giờ thì đã mất) và chuyển nhượng cho vợ chồng Mỹ Linh - Anh Quân. Vợ chồng họ có bìa đỏ, có quyền xây dựng trên đất họ mua. Gia đình Mỹ Linh được phép xây dựng trên diện tích đất ở là 600m2, chứ họ không xây trái phép trên đất rừng như một số thông tin đã đưa.

Chưa có ranh giới rõ ràng giữa đất thổ cư và đất lâm nghiệp

Trước những “luồng” ý kiến đó, là một người đã từng tham gia 1 số vụ hộ dân khiếu kiện đông người ở khu vực xung quanh Phủ Thành Chương và nhà ca sỹ Mỹ Linh, luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng luật sư Chương Dương (269, Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, dân các xã ở khu vực này một phần là dân gốc, một phần là dân di cư từ nơi khác tới. Và thực tế ở đây là dân có trước rồi mới có rừng.

Luật sư Vinh cũng đồng ý kiến với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Phú khi nói, ở xã Minh Phú, chỉ những công trình xây dựng ở ven tuyến đường 35 mới phải xin cấp phép. còn ở khu vực khác là nông thôn, nếu làm nhà ở dưới 3 tầng thì không cần. Căn nhà Mỹ Linh xây dựng nằm ở khu vực nông thôn.

Trên quan điểm của Luật sư, Luật sư Vinh cho biết: Hiện tại, chưa có quy định nào quy định về việc quản lý xây dựng tại khu dân cư nông thôn. Việc xây dựng chỉ cần báo cho chính quyền xã, nhưng quy định này ở Thành phố lại được thực hiện một cách rất chặt chẽ.

Thông qua các ý kiến của các đơn vị liên quan đến sự việc này được đăng tải trên báo chí thời gian gần đây, Luật sư Vinh có nói: Đến cả chính quyền địa phương cũng khó xác định đất của nhà Mỹ Linh là đất gì khi họ khẳng định mảnh đất xây dựng không phải là đất rừng phòng hộ và cũng không phải đất lâm nghiệp. Theo quy hoạch thì đó là đất trồng vườn cây ăn quả.

Trong khi đó lãnh đạo cấp Thành phố lại nói tất cả đều là đất lâm nghiệp. Do chưa có xác định rõ ràng ranh giới đâu là đất rừng, đâu là đất thổ cư nên việc quy kết gia đình Mỹ Linh xây dựng lấn chiếm đất rừng theo Luật sư Vinh là chưa thỏa đáng. Chính vì thế, Luật sư Vinh không đồng tình với ý kiến phải tháo dỡ Việt Phủ Thành Chương và nhà ca sỹ Mỹ Linh.

“Đặt ra giả thiết, nếu các hộ đó xây dựng lấn chiếm trên đất rừng thì hiện nay cũng chưa có văn bản quy định nào của pháp luật quy định rằng không được phép mua bán, chuyển nhượng đất rừng. Cũng chưa có quy định cụ thể quy định chi tiết việc xây dựng trên đất rừng phải như thế nào, đáp ứng diện tích là bao nhiêu, phải tôn trọng cảnh quan ra sao… Và quy định về việc không được xây dựng trên đất rừng cũng chưa có”, Luật sư Vinh phân tích thêm.

N.Huệ