Bộ trưởng Vũ Đức Đam:

"Chúng ta phải quyết tâm đổi mới, quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế"

31/07/2013 07:32
Ngọc Quang
(GDVN) - “Tôi khẳng định đề án tái cơ cấu nền kinh tế là quyết tâm chung, trách nhiệm chung của cả Chính phủ, của cả hệ thống chính trị và chắc rằng nhân dân ta cũng mong muốn phải tiếp tục đổi mới hơn nữa. Chúng ta không thể mãi nghèo thế này được. Vì vậy, chúng ta phải quyết tâm đổi mới, quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế, vì nếu không thì cứ làng nhàng thế này”.

Ông Vũ Đức Đam - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ảnh: Ngọc Quang
Ông Vũ Đức Đam - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ảnh: Ngọc Quang

“Yêu cầu lớn nhưng lực có hạn”

Tại buổi họp báo thường kỳ do Văn phòng Chính phủ tổ chức vào chiều ngày 30/7, trả lời câu hỏi: Đâu là khó khăn trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, vì sao chúng ta đã nói nhiều nhưng kết quả thực hiện chưa cụ thể?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, đề án tái cơ cấu nền kinh tế đã được Chính phủ trình ra Quốc hội, nó bao gồm nhiều biện pháp phối hợp, từ chính sách điều hành vĩ mô cho đến các biện pháp cụ thể đối với từng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, đề án chưa đủ mạnh để có thể tái cơ cấu nền kinh tế, và cho đến

 Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc triển khai thực hiện chưa có tiêu chí phân loại theo ngành nghề, lĩnh vực hoặc theo các nhóm để có giải pháp tái cấu trúc đối với từng nhóm mà thực hiện ở từng doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính, chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các doanh nghiệp nhà nước. Nói cách khác thì chúng ta mới phân loại theo cách sơ đẳng. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ những nguồn lực rất lớn. Đến việc phân loại mà còn chưa làm được thì sao có thể thực hiện tái phân bổ nguồn lực?

Vì vậy, chúng ta chưa tạo ra được động lực và áp lực để buộc các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ quản trị, tính cạnh tranh, tính hiệu quả và phát triển bền vững. Đồng thời chưa ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, nhất là vấn đề xử lý các khoản lỗ, dôi dư cán bộ, người lao động.

nay thì chưa thấy có những kết quả thực sự ấn tượng. Bộ trưởng Vũ Đức Đam lý giải: “Xuất phát điểm của chúng ta là nền kinh tế tập chung, quan liêu bao cấp và bị chiến tranh rất dài. Có người nói, mấy chục năm rồi mà giờ còn nói lại chiến tranh?

Không nói làm sao được khi mà các nạn nhân chiến tranh của chúng ta vẫn đang còn rất nhiều. Thứ hai là chúng ta quyết tâm đổi mới, nhưng yêu cầu thì lớn mà lực thì có hạn, nên cần phải có thời gian để đề án tái cơ cấu nền kinh tế phát huy hiệu quả”.

Trong tổng kết tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đấu năm, dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực về xuất khẩu, tín dụng, an sinh xã hội… nhưng thị trường vẫn đang phải đối diện với nhiều thách thức lớn, yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế lại một lần nữa được nhắc tới, mà trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tín dụng, đầu tư công; cổ phần hóa doanh nghiệp, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, xử lý nợ xấu và có kế hoạch đầu tư trung hạn; khẩn trương hoàn thành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhân rộng mô hình sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đảm bảo lợi ích của nông dân.

“Tôi khẳng định đề án tái cơ cấu nền kinh tế là quyết tâm chung, trách nhiệm chung của cả Chính phủ, của cả hệ thống chính trị và chắc rằng nhân dân ta cũng mong muốn phải tiếp tục đổi mới hơn nữa. Chúng ta không thể mãi nghèo thế này được. Vì vậy, chúng ta phải quyết tâm đổi mới, quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế, vì nếu không thì cứ làng nhàng thế này”, Bộ trưởng Đam nói.

Tăng giá điện, sẽ có chính sách ưu tiên cho người nghèo

Trả lời những câu hỏi xung quanh vấn đề giá điện, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay: “Nếu bao cấp giá điện mãi sẽ để lại nhiều hệ lụy như giá than bán cho điện thấp hơn giá thành. Đặc biệt thời gian qua đã xảy ra tình trạng các đối tượng buôn lậu than bằng đường biển bán vòng ra nước ngoài, cuộc họp vừa rồi Chính phủ đã phải thảo luận nghiêm túc về vấn đề này”.

Nếu giá điện thấp, Nhà nước phải bù lỗ và tất cả doanh nghiệp DN sẽ không đầu tư công nghệ hiện đại để tiết kiệm điện, cuối cùng sinh ra một nền công nghiệp lạc hậu. “Trong một thời gian dài cả nước rộ lên cán thép, nhiều doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại nước ta rồi đưa sản phẩm đi xuất khẩu, hưởng lợi nhuận chênh lệch nhờ giá điện của chúng ta có nhiều ưu đãi.

Vì vậy, chúng ta phải ngăn chặn tình trạng này. Ngoài ra, ngân sách cũng có hạn không thể tiếp tục đầu tư toàn bộ nên phải kêu gọi tư nhân, mà đã kêu gọi tư nhân thì không thể để giá quá thấp vì sẽ không có ai đầu tư. Giá phải điều chỉnh, nhưng thu nhập của người dân thấp hơn quốc tế nên không thể tính theo giá quốc tế, như vậy sẽ rất khó khăn”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Vũ Đức Đảm cũng khẳng định, giá điện tăng nhưng phải có lộ trình, vì nếu tăng ngay giá điện đầu vào sản xuất, một số ngành đang cạnh tranh yếu lại càng khó hơn.

“Điều chỉnh giá điện không thể tăng ngay một lúc mà phải có lộ trình, vì nếu điều chỉnh không khéo lập tức kéo theo yếu tố tâm lý. Như trường hợp tiền lương chưa tăng đến tay, bát phở đầu phố đã tăng. Tuy nhiên, nếu được giải thích rõ, xã hội, người dân sẽ hiểu. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng khuyến khích doanh nghiệp bằng cơ chế tài chính, thuế để doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ hiện đại hơn”, ông Đam nói.

Cuối cùng, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, trong các trường hợp tăng giá điện, Đảng, Nhà nước và Chính phủ vẫn luôn quan tâm sâu sắc tới đời sống của người dân, nhất là người nghèo và sẽ có các chính sách hỗ trợ cụ thể.

Ngọc Quang