Chuyện hai cháu bé chết đuối tại giếng đình: Bí ẩn xung quanh cặp rắn

27/04/2012 17:45
Theo Pháp luật & Xã hội
Hai con rắn không biết từ đâu xuất hiện tại giếng đình sau cái chết của hai cháu bé tại thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Điều kỳ lạ là đôi rắn hiểu tiếng người…
Nhiều người kể lại

PV Đường dây nóng đã có cuộc tiếp xúc với gia đình hai cháu bé, người trông giữ đình làng, cùng những bên liên quan để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc.

Trao đổi với PV, bà Đinh Thị Tâm, SN 1946, bà nội của cháu Hiệu và cháu Hoa kể lại: "Trưa 22-4, tức là một ngày sau cái chết của hai đứa cháu, sau khi gia đình đã chuẩn bị mâm cơm cúng ở nhà, tôi đi lững thững ra giếng đình làng để gọi cháu Hiệu và cháu Hoa về ăn cơm. Tại đây, khi tôi đang ngồi khóc bên thành giếng, và gọi tên hai đứa cháu xấu số, thì kinh hãi khi không biết từ đâu xuất hiện một cặp rắn lạ, màu sắc khoang đen, khoang trắng bơi về hướng tôi đang ngồi khóc. Lúc đầu tôi nghĩ chắc đó là rắn sống trong hang hốc ở đình làng chạy ra ngoài nên không để ý. Sau đó tôi về nhà. Đến khoảng 6h sáng 23-4, tôi lại đi ra giếng đình ngồi khóc. Lúc đầu mặt giếng phẳng lặng, không hề có bất cứ con gì, khi tôi gọi tên hai cháu, thì kỳ lạ thay hai con rắn hôm trước lại xuất hiện và bơi trên mặt nước. Thấy sự việc lạ tôi đã về nhà kể lại chuyện cho mọi người trong gia đình nghe".

"Khi mọi người trong gia đình đang ngồi trong nhà, thì thấy mẹ tôi (tức bà Tâm) hớt hải từ đâu đi về. Sau một phút định thần, mẹ tôi mang câu chuyện kỳ lạ vừa gặp kể lại cho mọi người nghe. Vốn là người không tin lắm vào chuyện ma quỷ, tôi cùng một số người khác trong gia đình ra xem sao. Tại giếng đình, tôi nhìn thấy hai con rắn khoang đen, khoang trắng, kích thước của hai con khác nhau. Lúc đầu hai con rắn nằm khoanh tròn khu vực giữa giếng, khi tôi cất tiếng gọi: "Hiệu, Hoa ơi! Nếu là con của bố thì hãy vào đây với bố". Vừa dứt tiếng gọi, hai con rắn bất ngờ quẫy đuôi bơi về phía tôi đang đứng. Lúc đó tôi cảm thấy không tin vào mắt mình và hơi sợ, nhưng tin rằng có chuyện hồn hai cháu Hiệu và Hoa đã hiện về nhập vào hai con rắn lạ” - anh Huy bố hai cháu bé nói.

Một người dân sống gần giếng làng, chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối cho biết: "Tôi vốn không phải là người mê tín, nhưng nhìn thấy sự việc lạ lùng này tôi có đôi chút tin vào chuyện hiện hồn. Lúc đó, tôi cùng rất nhiều người đang đứng xem thì thấy bà Oanh (bà cô của hai cháu Hiệu và Hoa) tiến về phía mép nước và nói: "Hiệu, Hoa của bà ơi! Lại đây bà cho tiền đi mua bim bim này”. Sau đó đặt hai đồng tiền 5.000 đồng ngay sát mép nước và còn dặn dò, đồng tiền bên tay phải là của cháu Hiệu, còn đồng tiền bên tay trái là của cháu Hoa. Bà Oanh vừa nói xong, hai con rắn bơi về phía hai đồng tiền, con rắn nhỏ tiến về đúng đồng tiền bên tay trái, con rắn còn lại tiến về đồng tiền bên tay phải. Sự việc đã khiến cho mọi người chứng kiến lúc đó hết sức ngỡ ngàng".

Ngày 24-4, gia đình mời thầy cúng về làm lễ 3 ngày cho hai cháu. Theo phong tục địa phương, những người bị chết đuối thì phải làm lễ bắc cầu để đưa linh hồn lên bờ. Hôm đó, khi thầy cúng đặt chiếc thuyền xuống nước và gọi hồn cháu Hiệu và Hoa ở đâu mau mau lên thuyền. Lập tức, con rắn to bò nhanh lên thuyền, trong khi đó con rắn nhỏ lưỡng lự, yếu ớt cố gắng mãi vẫn không thể bò lên được. Nhiều người dân chứng kiến sự việc thêu dệt, con rắn to vốn là hiện hồn của cháu Hoa, một đứa bé khi còn sống rất lanh lợi, thông minh nên biết cách bò lên thuyền, còn con rắn nhỏ là hiện hồn của cháu Hiệu, vốn lúc còn sống chậm chạp nên không thể bò lên thuyền. Theo một số cụ cao niên trong làng, cho rằng đây chính là rắn Cạp nia, một loài rắn độc, không bao giờ sống dưới nước.

Chuyện hai cháu bé chết đuối tại giếng đình: Bí ẩn xung quanh cặp rắn  ảnh 1

Người dân đang thả tiền và đồ ăn xuống giếng. Ảnh: PV

Gốc tích của giếng đình

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Nếp, người trông coi đình làng thôn Phượng Vũ kể: "Đình làng có lịch sử từ đời Trần, trước đây chỉ có một ngôi nhà 3 gian thờ cụ Nguyễn Kỳ (một vị tướng tài thời Trần, quê gốc Thanh Hóa). Trong kháng chiến chống Pháp, hai ngôi đình khác ở đầu làng thờ cụ Nguyễn Phục (cũng là một vị mãnh tướng thời Trần) và cuối làng thờ cụ Hàn Sĩ (quê gốc ở Hải Dương, vốn là một dị nhân, ăn chay từ khi còn nhỏ tới tận lúc chết, làm thầy dạy cho các công chúa, hoàng tử trong hoàng cung thời Trần) bị giặc đập phá hoàn toàn. Sau đó, dân chúng trong vùng đã bàn bạc, quyên góp, mở rộng ngôi đình trung tâm làng Phượng Vũ còn sót lại và chuyển hai vị tướng ở hai ngôi đình kia về thờ cúng. Ba vị tướng này, vốn xưa kia từng về địa phương để chiêu quân đi chống giặc ngoại xâm. Khi đó, chỉ lấy được 52 trai tráng của 12 dòng họ khác nhau. Xưa kia có tục lệ, những vị tướng đi tuyển quân ở đâu thì sau khi chết người dân nơi đó sẽ được phép thờ cúng. Năm 1993, đình làng thôn Phượng Vũ đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử quốc gia".

Nói về nguồn gốc của giếng làng, ông Nếp cho biết thêm: "Giếng đình xuất hiện từ khi nào thì tôi cũng không được rõ cho lắm, chỉ biết là nó đã có từ rất lâu. Trước kia, thành giếng vốn là đất bùn, mỗi khi mưa gió rất bẩn và lầy lội. Mới đây, chính quyền địa phương đã huy động vốn của nhân dân để xây dựng, quy hoạch lại giếng làng cho phù hợp với cảnh quan chung và xứng đáng với tầm vóc của một di tích lịch sử quốc gia. Công trình mới được khởi công xây dựng vào cuối năm 2011. Trước khi xây dựng, dân làng cũng có mời thầy cúng về xem ngày, xem giờ tốt. Hiện tại, công trình chưa hoàn thành, vì còn chưa dựng được tấm bia trước giếng thì sự việc đáng tiếc trên đã xảy ra".

Vụ việc đã thu hút hàng trăm người hiếu kỳ từ khắp nơi kéo tới xem, khiến cho tình hình an ninh tại địa phương bị xáo trộn. Trao đổi với PV, một cán bộ CA xã Phượng Dực cho biết: "Đúng là có sự việc hai cháu bé tử vong do sơ ý ngã xuống giếng đình làng chiều 21-4. Việc hai con rắn lạ xuất hiện tại giếng đình sau khi hai cháu bé mất là chuyện có thật, còn những câu chuyện huyễn hoặc xung quanh việc rắn hiện hồn hai cháu bé chỉ là những lời đồn thổi, CA xã cũng không được chứng kiến. Trước tình hình đó, CA xã đã huy động lực lượng xuống địa phương xác minh sự việc nhằm đảm bảo an ninh trật tự của địa phương".

Theo Pháp luật & Xã hội