Chuyện "tiền nong" năm 1945 được Chính phủ khi đó giải quyết như thế nào?

17/08/2016 07:59
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Từ 8/1945 đến 12/1945, một khối lượng văn bản quan trọng đã được ban hành - đó là những sắc lệnh của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tháng 8/1945, Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập trên cơ sở cải tổ Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, ra mắt quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945 tại Thủ đô Hà Nội.

Đây là Chính phủ đầu tiên của nhân dân Việt Nam dưới chế độ Dân chủ Cộng hòa, đặt nền móng cho việc xây dựng một chế độ xã hội mới - chế độ của dân, do dân và vì dân.

Ra đời trong hoàn cảnh gặp muôn vàn khó khăn, thử thách, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Lâm thời đã thể hiện vai trò của mình là cơ quan Nhà nước quản lý và điều hành mọi công việc của đất nước.

Trong quá trình hoạt động của Chính phủ (từ tháng 8/1945 đến tháng 12/1945), một khối lượng văn bản quan trọng đã được ban hành - đó là những sắc lệnh của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đáng chú ý trong đó có nhiều sắc lệnh về công tác tài chính nhằm củng cố và xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân… ngay sau khi Chính phủ ra mắt quốc dân đồng bào và là minh chứng về vai trò lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hình ảnh cách mạng Tháng 8/1945 diễn ra ở Hà Nội (Ảnh: zing.vn).
Hình ảnh cách mạng Tháng 8/1945 diễn ra ở Hà Nội (Ảnh: zing.vn).

Một số sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đó là:

Sắc lệnh số 4-SL ngày 4/9/1945 về việc lập Quỹ Độc lập để thu nhận tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của quốc gia.

Sắc lệnh số 11-SL ngày 7/9/1945 quy định về chế độ thuế khóa.

Sắc lệnh số 20-SL ngày 8/9/1945 về bắt buộc học chữ quốc ngữ và không mất tiền cho tất cả mọi người.

Chuyện "tiền nong" năm 1945 được Chính phủ khi đó giải quyết như thế nào?  ảnh 2

Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 ở các địa phương trong cả nước

Sắc lệnh số 24-SL ngày 10/9/1945 về việc trợ cấp cho Quỹ Bắc Bộ Việt Nam để chi tiêu về Bảo an binh.

Sắc lệnh số 25-SL ngày 10/9/1945 về việc ấn định cho Bộ Tài chính lấy tiền ở Kho bạc mỗi khi có việc cấp bách.

Sắc lệnh số 27-SL ngày 10/9/1945 về việc đặt ra Sở Thuế quan và Thuế gián thu.

Sắc lệnh số 38-SL ngày 27/9/1945 về việc bãi bỏ, miễn hạn số bách phân phụ thu đối với các hạng thuế môn bài.

Sắc lệnh số 42-SL ngày 4/10/1945 về việc thay đổi cách tính thuế vào các thứ tiền lãi.

Sắc lệnh số 51B-SL ngày 12/10/1945 về việc cho phép Giám đốc Ngân khố Trung ương được lấy số tiền 1.335.772$34 quỹ của AFIC miền Bắc gửi ở Ngân khố Trung ương để mua trữ gạo.

Lệnh Tổng khởi nghĩa (Ảnh: daidoanket.vn).
Lệnh Tổng khởi nghĩa (Ảnh: daidoanket.vn).

Sắc lệnh số 67-SL ngày 28/11/1945 về việc cử Ủy ban tối cao tiếp tế và cứu tế.

Sắc lệnh số 68-SL ngày 30/11/1945 về việc trưng dụng bất động sản, trưng thu hoặc trưng dụng động sản, trưng tập người phục vụ việc bảo vệ và củng cố nền độc lập quốc gia.

Sắc lệnh số 74 NV/CC ngày 17/12/1945 quy định chế độ hưởng lương, phụ cấp đối với viên chức nghỉ dài hạn do mắc bệnh lao hay bệnh phong.

Chuyện "tiền nong" năm 1945 được Chính phủ khi đó giải quyết như thế nào?  ảnh 4

“Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự nhiên vứt bỏ…”

Sắc lệnh số 79-SL ngày 31/12/1945 về việc chia Quỹ Bình dân ngân quỹ Tổng cục thành hai quỹ mới: Nông nghiệp tín dụng và Kinh tế tín dụng.

Đặc biệt là Sắc lệnh số 81-SL ngày 31/12/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời về việc tạm áp dụng các khoản chi năm 1946 theo các số dự chi trong ngân sách năm1945 và việc tạm thu thuế khóa năm 1946.

Thực tiễn đã khẳng định rằng, chính từ việc ban hành kịp thời và bảo đảm thực thi nghiêm minh các sắc lệnh này, đã phát huy hiệu quả ở mức cao nhất hoạt động quản lý xã hội của Nhà nước trong giai đoạn sau 2/9 đến  ngày 31/12/1945 (trước ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của đất nước, ngày 6-1-1946).

Điều này đã góp phần giữ vững và phát huy được những thành quả của cách mạng, bảo đảm vững chắc nền độc lập vừa giành được của Nhà nước Việt Nam non trẻ, tạo tiền đề quyết định cho những bước phát triển tiếp theo của cách mạng Việt Nam.

* Tài liệu tham khảo:

"Sưu tập sắc lệnh của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945", Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2011.

Đại tá Đặng Việt Thủy