"Cờ Trung Quốc dán trên hàng Việt Nam đó chính là một sự vô cảm"

25/03/2013 06:34
N. Huệ (Tổng hợp)
(GDVN) - Trong rất nhiều sản phẩm mà người Việt Nam đang sử dụng như quần áo, đồ dùng hàng ngày, thậm chí cả thức ăn, hoa quả… đều thấp thoáng hình ảnh của Trung Quốc...

Mới đây, sự việc “BigC dán cờ Trung Quốc vào sản phẩm nho xuất xứ Việt Nam” một lần nữa khiến nhiều độc giả giật mình về sự vô cảm của cả một thế hệ với chủ quyền dân tộc.

Sau khi bài viết “Cờ Trung Quốc dán trên hàng Việt Nam và nỗi sợ về một căn “bệnh lạ”! được đăng tải trên báo Giáo dục Việt Nam, rất nhiều độc giả đã gửi ý kiến phản hồi về tòa soạn để cùng "mạn đàm" về căn “bệnh lạ” ấy.

Nho bán tại siêu thị Big C the Garden (Mỹ Đình, Hà Nội) bên ngoài nhãn in made in Vietnam, nhưng bên trong lại dán cờ Trung Quốc.
Nho bán tại siêu thị Big C the Garden (Mỹ Đình, Hà Nội) bên ngoài nhãn in made in Vietnam, nhưng bên trong lại dán cờ Trung Quốc.

Độc giả có nickname LeThang chia sẻ: “Đó không phải là bệnh lạ, không phải là mù văn hóa . Đó là sự vô cảm của những người có trách nhiệm, một tầng lớp xã hội đối với chủ quyền dân tộc. Từ sự kiện chiến tranh biên giới 1979, sau đó rất ít khi chúng ta nhắc lại. Rồi đến sự kiện đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) bị Trung Quốc chiếm năm 1988, hầu như rơi vào im lặng.

Mãi tới khi kỷ niệm 25 ngày mà 64 chiến sĩ của chúng ta không bao giờ trở về, thân xác họ đã bỏ lại nơi đáy biển lạnh thì các thế hệ người Việt mới biết đến sự kiện đó và sự hi sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền dân tộc của 64 chiến sĩ đảo Gạc Ma.

Độc giả Phạm Thanh Vũ lại chẩn đoán căn bệnh này dưới một lăng kính khác: "Với y học, đây đúng là bệnh lạ nhưng với chúng ta, những thế hệ người Việt đang sống, học tập, lao động trên chính nước Việt Nam thì căn bệnh đó lại không lạ lắm. Theo tôi chẩn đoán, nguyên nhân làm xuất hiện căn bệnh này là do “Tiền”. Mà triệu chứng của nó là khi thâm nhập vào ai sẽ khiến người đó mờ mắt, không nhận biết phải trái, đúng sai… Họ sẵn sàng làm tất cả những gì mà nguyên nhân gây bệnh sai khiến".

Cùng có suy nghĩ liên quan đến chữ “Tiền” trong sự việc này, độc giả Nguyễn Lê Ninh bày tỏ: “Dân gian ta có câu “Có tiền mua tiên cũng được”. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một xã hội phát triển và nhiều cái đều “Tiền thôi!”. Viết, vẽ, in sách dạy trẻ em: Tiền thôi. Bán hoa quả: Tiền thôi. Còn nhiều cái khác nữa người ta không nói ra nhưng đều ngẫm nghĩ: Tiền thôi.

Là người theo dõi sát sao các sự kiện liên quan tới vấn đề chủ quyền dân tộc, độc giả Đặng Dũng nêu lên quan điểm của mình: “Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện hoàng loạt những sự cố "mù văn hóa" ở Việt Nam liên quan đến việc tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông ngày càng gay gắt. Chúng tôi có cảm tưởng rằng những hành động này là những việc làm "nối giáo cho giặc" của một nhóm người”.

Không phân biệt nổi cờ Trung Quốc và cờ Việt Nam; không biết cái gọi là Tây Sa và Nam Sa thực chất là Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam; ảnh của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi vừa được in trang trọng trên bìa cuốn sách viết về...nhà bác học Lê Quý Đôn; những chùm nho xuất xứ Việt Nam dán cờ Trung Quốc đã được phát hiện nằm đàng hoàng trên giá của siêu thị BigC...

Một loạt sự kiện ấy đều nhận được những lời xin lỗi của lãnh đạo các đơn vị. Những lời xin lỗi ấy khiến độc giả Hle tỏ ra bức xúc: "Chuyện sai động trời như vậy thì phải xử nặng chứ xin lỗi cái gì, xin lỗi đâu có trong luật pháp ở Việt Nam”.

Có một cái nhìn rộng ra là cả nền kinh tế nước nhà, độc giả Nguyễn Ngọc Lan cho biết: “Doanh nghiệp kinh doanh khó khăn, đang muốn kích cầu “người Việt mua hàng Việt” mà gặp ông doanh nghiệp như thế này thì chết”.

Và còn rất nhiều độc giả tuy không nói ra đây nhưng họ đều canh cánh trong lòng về sự phát triển với tốc độ nhanh chóng của căn “bệnh lạ” ấy trong người Việt. Bắt được bệnh rồi nhưng điều quan trọng là phải trị được căn bệnh ấy.  

N. Huệ (Tổng hợp)