Cơ cực…"Đời bánh mì"

23/11/2014 07:29
HIỆP HOÀ
(GDVN) - Họ là những người phụ nữ chủ yếu xuất thân từ nông thôn, quanh năm suốt tháng chỉ bán bánh mì để sống. Nơi họ kiếm ăn đầy rẫy những nguy hiểm luôn rình rập.

"Không bán lấy gì …mà sống"

Bất kì một ai nếu như đi qua đường quốc lộ 5 từ ngã tư Long Biên (TP.Hà Nội) đến đoạn đường rẽ vào đường quốc lộ 1A sẽ nhìn thấy có hàng trăm người phụ nữ đang tập trung bán bánh mì. Đoạn đường quốc lộ 5 đã trở thành "cái chợ bán bánh mì di động đông nhất" của đất Hà Thành.

Trời vừa sáng, tôi bám theo một người phụ nữ trung tuổi bán bánh mì ở Gia Lâm (Hà Nội) đến điểm tập kết. Lúc này chỉ mới 6h30' sáng mà khắp đoạn đường đã đầy ắp những túi nilon đựnh bánh mì. Bên cạnh đó là những ngưòi phụ nữ bịt mặt kín mít, chỉ để hở mỗi cặp mắt để tránh cái gió rét và bụi bặm. Họ bàn nhau về giá cả, xem ngày hôm nay bán thế nào và phân loại ra từng chồng bánh mì để bán cho khách. Tính đến 7h sáng tôi đã đếm được hơn 100 điểm bán bánh mì các loại và có tới hàng trăm người phụ nữ túc trực quanh đó để giao hàng, bắt khách.

Nơi họ bán không phải là chợ, hàng, quán...hay một chỗ nào khác mà là những mặt đường cao tốc, quốc lộ, ngày ngày luôn đầy rẫy những nguy hiểm luôn rình rập.

Nơi họ bán không phải là chợ, hàng, quán...hay một chỗ nào khác mà là những mặt đường cao tốc, quốc lộ, ngày ngày luôn đầy rẫy những nguy hiểm luôn rình rập.

Trong vai một người đi đường mua bánh mì, tôi lại gần chị Hồng (28 tuổi) quê ở Hưng Yên. Phải mất một thời gian khá lâu tôi mới bắt chuyện được với chị. Chị kể lại, gia đình chị vốn sống bằng nghề nông, cả năm chỉ trông vào cây lúa, hạt gạo để sống. Thương bố mẹ, chị theo một bà chị họ lên chợ Long Biên thuê nhà rồi đạp xe ra đây bán. Năm nay đã là năm thứ 10 chị đi bán bánh mì rong. Chị tâm sự: vào mỗi sáng, chị phải dậy từ rất sớm, ra lò bánh mì để nhập sau đó bọc kĩ lại thành từng chồng cao, ủ cho nóng, giòn, có thế người ta mới mua cho.

Ngoài ra để bán được nhanh yêu cầu người bán cũng phải khéo miệng nữa, nghe bùi tai người ta mới mua cho. Đang trò chuyện với tôi, bỗng có khách hỏi mua hàng, chị Hồng bỗng nhảy qua lan can cao hơn 1m để bắt khách, những người phụ nữ khác thấy thế cũng bổ vào, xúm lại tranh giành khách với chị. Nhìn họ lúc này lòng tôi không khỏi thương cảm, nhưng đó là nghề của họ, là miếng cơm, manh áo của họ thì dù nguy hiểm đến mấy họ cũng phải cố mà giành được.

Khi bán xong lượt bánh mì, chị Hồng quay lại cười nhẹ với tôi: "may sao bán được anh ạ". Đứng gần chỗ chị Hồng còn có 5 chị khác nữa cũng quê ở Hưng Yên. Trong đó có một em gái mới 14 tuổi tên Thương quê ở Mỹ Hào (Hưng Yên). Thương sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh, chị em…thương cha mẹ vất vả, lại là chị cả trong gia đình nên Thương quyết định đi theo các chị trong xóm lên Hà Nội bán bánh mì để phụ giúp gia đình.

Cũng như chị Hồng, em cũng phải khổ cực, chen lấn để kiếm ăn từng ngày, sáng sớm đã phải vác ổ bánh mì to hơn người mang ra đường bán, tối mịt lại mang về, thuê nhà ngủ trọ qua đêm mai lại bán tiếp. May sao nhờ trời có ngày bán được 30-40 ngàn đồng thì còn có tiền gửi về quê cho mẹ. Có tháng không bán được, Thương phải nhịn cả ăn, dành dụm, chắt chiu mãi mới được vài trăm ngàn đồng để gửi về cho mẹ nuôi em.

Dù cho mưa lớn, gió to, trời nắng hay những đêm mùa đông gió lạnh cóng cả tay thì những người phụ nữ này vẫn bám chặt lấy đường cao tốc. Bởi như chị Bình (quê Nam Định) người có thâm niên lâu năm trong nghề nói: "Không bám lấy đường thì làm sao mà sống được", cuộc sống của họ là ở đây, nếu một ngày không bán được cái nào thì lấy đâu ra cơm để ăn, lấy tiền đâu gửi về quê cho gia đình nuôi các con ăn học.

Vừ bán vừa chạy…

Ngày lại ngày, họ phải dậy từ rất sớm để "bám cao tốc". Có người may thì bán hết hàng còn không thì gặp phải đội trật tự đô thị quận Long biên, lại phải chạy túa hết sang hai bên đường không sẽ bị thu hết bánh mì. Vậy là "vừa bán, vừa chạy". Chị Dung (49 tuổi), quê ở Thái Bình, người có thâm niển 30 năm trong nghề cho biết: "làm cái nghề này cũng phải tập cho mình cái kĩ năng chạy nữa, không thì bị thu hết", chạy làm sao để bảo vệ không bắt được.

Còn một số người khi trèo qua lan can đường để bán không may bị xe đâm phải, có người may mắn chỉ phải vào bệnh viện còn không thì không thể trở về với gia đình được nữa. Khi kể đến đây, chị Dung bỗng nghẹn ngào không nói lên lời được nữa, qua tìm hiểu tôi biết tháng trước đứa cháu mới 18 tuổi của chị lên đây bán bánh cùng mẹ không may gặp phải tai nạn xe trọng tải lớn, tấm thân bé nhỏ của nó bị xe tải cán phải mà không còn nhận dạng được nữa. Không chỉ có cháu của chị Dung, theo đội trật tự đô thị quận Long biên cho biết vào những tháng cao điểm con số này còn lên tới hàng chục người.

Đội quân bán bánh mì không những xuất hiện ở Gia Lâm mà tại các tỉnh thành khác như: Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tây (cũ).. cũng xuất hiện những đội quân tương tự như vậy, họ sống bám trên các tuyến đường quốc lộ, cao tốc… để kiếm ăn qua ngày

Khi tôi hỏi chị Dung "biết là nguy hiểm như vậy sao chị không nghỉ đi". Hỏi như vậy nhưng từ đáy lòng tôi cũng biết nếu nghỉ đi thì họ lấy gì mà sống. Đang nói chuyện với tôi chị Dung lại bắt thêm những đợt khách mới, dù biết rằng cuộc đời mình đang đối mặt với thần chết bất cứ lúc nào.

HIỆP HOÀ