Có một Viện Quân Y anh hùng ở chiến trường B5 bắc Quảng Trị

18/07/2017 07:28
Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY
(GDVN) - Dù ở bất kì hoàn cảnh nào,khó khăn thiếu thốn đến đâu, thì ý chí - lòng yêu nghề, yêu đồng đội đồng chí vẫn luôn còn mãi và sáng tỏ.

LTS: Trong cuộc kháng chiến gian khổ với bao nhiêu máu và nước mắt, hàng vạn người con cùng nhau chiến đấu vượt qua mọi gian lao, hy sinh bản thân mình vì độc lập dân tộc.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/71947 - 27/7/2017) tác giả - Đại tá Đặng Việt Thủy đã gửi đến chúng ta một tấm gương tiêu biểu như thế.

Tòa soạn xin trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 của quân và dân ta, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã phản kích quyết liệt và lộ rõ ý đồ xây dựng tuyến phòng thủ từ Cửa Việt (Quảng Trị) theo đường 9 lên Nam Lào, nhằm cắt đứt đường tiếp tế và chi viện từ hậu phương miền Bắc vào miền Nam.

Dự đoán trước tình hình chiến sự giữa ta và địch ở mặt trận Quảng Trị - Đường 9 Nam Lào sẽ diễn ra ác liệt, quyết tâm của ta là đánh bại ý đồ của địch để chi viện sức người, sức của cho toàn chiến trường miền Nam.

Theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Tổng cục Hậu cần, Cục Quân y khẩn trương thành lập một số đơn vị quân y cấp chiến dịch, trong đó có Viện Quân y 112 để thực hiện tốt việc cứu chữa thương binh, bệnh binh cho chiến trường.

Ngày 1/5/1970, tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, Viện Quân y 112 trực thuộc Cục Quân y được thành lập.

Tiền thân là Đội Điều trị 83 Tây Trị Thiên (thành lập năm 1965, do đồng chí Nguyễn Bá Đạt làm Đội trưởng, đồng chí Phạm Khuể làm Chính trị viên).

Đội Điều trị 51 ở B5-T8 khu vực Khe Sanh (do đồng chí Nguyễn Văn Luật làm Đội trưởng, đồng chí Nguyễn Huy Thế làm Chính trị viên) và một số cán bộ của Đội Điều trị 20, Đoàn 503.

Chức năng, nhiệm vụ của Viện Quân y 112 là: Trực tiếp thu dung điều trị cho thương binh, bệnh binh ở Mặt trận B4, B5 và Đoàn 559.

Thu dung, điều trị thương binh, bệnh binh cho các đơn vị chủ lực của Bộ chiến đấu ở Quảng Trị, Đường 9 - Nam Lào, Vĩnh Linh và lực lượng chiến đấu tại chỗ từ phía nam Long Đại trở vào (f320, f320B, f324, f 325, f 367 và các đơn vị công binh, thông tin, vận tải, xăng dầu, tăng - thiết giáp…).

Đón nhận thương binh, bệnh binh ở Mặt trận B1, B2, B3 chuyển ra (theo đường bộ).

Vận chuyển những thương binh, bệnh binh nặng vượt tuyến về các bệnh viện tuyến sau; Cấp cứu, điều trị nhân dân khu vực đóng quân và các khu vực lân cận.

Nữ quân y chăm sóc người bệnh. (Ảnh minh họa: Báo Giadinh.net.vn)
Nữ quân y chăm sóc người bệnh. (Ảnh minh họa: Báo Giadinh.net.vn)

Ban chỉ huy Viện Quân y 112 ban đầu có:

- Đồng chí Thiếu tá BS Nguyễn Thuyết - Viện trưởng; Thiếu tá Nguyễn Đức Kính - Chính ủy; Thiếu tá Phạm Khuể - Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị; Đại úy BS Nguyễn Bá Đạt - Viện phó kiêm Chủ nhiệm Y vụ; Đại úy Nguyễn Duy Chương - Chủ nhiệm hậu cần.

Tổ chức của Viện gồm cơ quan Viện bộ, Ban Hành chính, Ban Chính trị, Ban Y vụ, Ban Hậu cần, Ban Tài vụ, 3 khoa Ngoại (B1, B2, B3), 3 khoa Nội (Nội 1, Nội 2, Nội 3), Phòng Khám bệnh, Khoa X - quang, Khoa Xét nghiệm và Khoa Dược.

Viện 112 đóng quân trên 7 thôn thuộc địa bàn 5 xã của hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Viện có một hệ thống giao thông hào dày đặc và hàng trăm hầm kèo với diện tích trên 500m2 làm nhà mổ, hồi sức cấp cứu, hậu phẫu và  phòng kỹ thuật đều nằm sâu dưới lòng đất từ 2-4m.

Viện được biên chế quy mô 300 giường bệnh và 300 cán bộ, chiến sỹ; khi cần thiết có thể mở rộng với quy mô 500-600 giường bệnh.

Quân số của Viện về sau tăng dần lên đến 500 cán bộ, chiến sỹ (do Cục Quân y điều động bổ sung, lấy sinh viên từ các trường đại học y - dược và đào tạo tại chỗ).

Tổng số đảng viên 325 đồng chí (chưa kể số đảng viên là thương binh, bệnh binh), được tổ chức thành một Đảng bộ với nhiều chi bộ cơ sở (mỗi khoa, ban là một chi bộ).

Những thương binh, bệnh binh là đảng viên đều được tham gia sinh hoạt Đảng với các chi bộ khoa lâm sàng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Bình là hậu phương đầu tiên của miền Nam, là chảo lửa, túi mưa của thiên nhiên và cũng là nơi hứng chịu mưa bom, bão đạn của quân thù.

Viện Quân y 112 đứng chân trên địa bàn ác liệt này, vừa làm nhiệm vụ bệnh viện khu vực.

Đồng thời là bệnh viện tuyến đầu của hậu phương lớn, làm nhiệm vụ tuyến sau trực tiếp, đón nhận thương binh, bệnh binh từ chiến trường miền Nam chuyển ra.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Cục Quân y, tập thể cán bộ, chiến sỹ Viện Quân y 112 đã đoàn kết thống nhất, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, không quản hy sinh, gian khổ, vừa xây dựng, vừa trưởng thành, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa sửa chữa, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân.

Những thành tích chiến đấu xuất sắc đặc biệt xuất sắc mà cán bộ, chiến sỹ Viện Quân y 112 đã đạt được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được thể hiện:

1. Chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, tổ chức việc cứu chữa thương binh, bệnh binh và nhân dân kịp thời, có chất lượng với một số lượng lớn, góp phần trả lại nhiều quân số chiến đấu cho các chiến trường miền Nam, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến.

Trong điều kiện vô cùng ác liệt tại tuyến lửa Quảng Bình và các chiến trường miền Nam, số lượng thương binh, bệnh binh từ chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, B4 (Trị Thiên), B5 (Bắc Quảng Trị) chuyển về Viện Quân y 112 và nhân dân trong khu vực lân cận ngày càng tăng, trung bình thu dung tại Viện 1.500 thương binh, bệnh binh/ngày.

Bước vào chiến dịch 1972, chỉ tính riêng trong năm 1972, số thương binh, bệnh binh trung bình lên tới 2.700 người/ngày, có ngày lên tới 4.300 người.

Cao điểm tháng 7, tháng 8 năm 1972, nhiều thương binh nặng ở mặt trận Quảng Trị đưa về mới chỉ được sơ cứu ở tuyến trước, có ngày tới 400 ca nặng nằm bất động tại giường (vết thương cột sống, sọ não, hậu môn nhân tạo...).

Không những thế, Viện còn điều trị, cứu chữa cho hàng ngàn người dân địa phương và các xã lân cận xã Vạn Ninh, tỉnh Quảng Bình bị thương, bị bệnh và tai nạn (sau hòa bình, chỉ tính riêng xã Vạn Ninh đã đưa 455 liệt sỹ về nghĩa trang).

Với tinh thần tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì thương binh, bệnh binh thân yêu, hàng trăm ngàn lượt thương binh, bệnh binh và nhân dân đã được cán bộ, chiến sĩ Viện Quân y 112 cứu chữa, chăm sóc và trả về vị trí chiến đấu, công tác.

Nhiều cán bộ, chiến sỹ của Viện hy sinh anh dũng vì sự an toàn của thương binh, bệnh binh.

Nhiều tấm gương làm việc quên mình, hết lòng vì thương binh, bệnh binh, cứu chữa nhân dân.

Chỉ tính riêng năm 1972, Viện đã xử trí hơn 200 ca mổ nặng như: cố định gãy hàm, thắt động mạch ở vị trí khó, khâu rách gan, lách, bàng quang lớn và hàng trăm chiến sỹ, nhân dân bị thương, bệnh tật hiểm nghèo đã được cứu sống.

Nhiều bác sỹ phải đứng trong phòng mổ liên tục 12 giờ liền. Có những bác sỹ mổ trên 500 ca/năm đều an toàn.

Để thực hiện thắng lợi công tác cứu chữa, vận chuyển thương binh, bệnh binh.

Theo chỉ đạo của Cục quân y do khó khăn về vận chuyển, Viện Quân y 112 đã mở rộng phạm vi cứu chữa, thực hiện được một phần công tác cứu chữa chuyên khoa.

Theo tuyến đường chuyển thương chiến lược từ Nam ra Bắc, đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng của cán bộ, nhân viên Viện Quân y 112, quên mình cứu chữa thương binh, bệnh binh, không để thương binh, bệnh binh bị thương lần thứ hai.

Đồng thời, Viện đã tổ chức các đội phẫu thuật gọn nhẹ, phục vụ những đơn vị nhỏ lẻ ở từng khu vực, từng hướng chiến trường, thực hiện chủ trương đưa kỹ thuật ra tuyến trước, cứu chữa thương binh, bệnh binh kịp thời.

Những khó khăn của các nữ Quân y trong kháng chiến. (Ảnh minh họa: Báo Giadinh.net.vn)
Những khó khăn của các nữ Quân y trong kháng chiến. (Ảnh minh họa: Báo Giadinh.net.vn)

2. Xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng thế trận lòng dân để bảo đảm an toàn cho việc cứu chữa thương binh, bệnh binh và tổ chức tốt việc vận chuyển họ về tuyến sau. Đặc biệt trong điều kiện địch đánh phá ác liệt bằng không quân, không để xảy ra tổn thất lớn và người và tài sản, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu chữa, vận chuyển thương binh, bệnh binh.

Việc bảo đảm an toàn cho thương binh, bệnh binh đang điều trị tại Viện.

Cũng như việc vận chuyển thương binh, bệnh binh từ tuyến trước về Viện và từ Viện về tuyến sau đã được Viện Quân y 112 tổ chức với sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân địa phương đạt kết quả tốt, hàng ngàn thương binh, bệnh binh đã được cứu chữa, vận chuyển an toàn.

Nhân dân địa phương đã làm hầm, lán, chặt những cây phi lao được trồng ở bờ sông mang đến để làm hầm cho thương binh, bệnh binh ở.

Huyện Quảng Ninh cho gỡ kho muối (ở Vạn Ninh) để lấy gỗ làm hầm không đủ, lại cho dân công lên rừng chặt cây lấy gỗ, hơn 800 tấn vật liệu đã được cán bộ chiến sỹ khai thác chuyển về.

Từ các đồng chí chỉ huy Viện đến bác sỹ, y tá, hộ lý đều tranh thủ xây dựng hầm hào làm nhà mổ, nhà kỹ thuật bảo đảm khi địch bắn phá vẫn an toàn cho thương binh, bệnh binh.

Viện cũng đã vận chuyển hàng ngàn thương bệnh binh nặng ra Bắc an toàn qua nhiều trọng điểm ác liệt bằng các phương tiện như: vận chuyển bằng đường bộ: Bố trí 3 xe tải chuyển thương binh về Viện Quân y 108, 109, 111, 127...

Ban đầu, mỗi xe chỉ chở được 3 thương binh trên cáng.

Để chuyển thương được nhiều cho mỗi chuyến, anh chị em Viện đã đổ cát thùng xe, trải nilon để thuơng binh, bệnh binh nằm, chở được từ 6 đến 7 thương binh, bệnh binh/xe trong điều kiện máy bay tọa độ, bom, rải pháo sáng.

Vận chuyển thương binh, bệnh binh bằng đường thủy trong hoàn cảnh dưới nước thì ngư lôi, trên trời thì pháo sáng, pháo từ hạm đội 7 bắn vào.

Lúc đầu bố trí 4 thuyền, mỗi thuyền chở 6 thương binh sau tăng lên 12 thuyền chuyển cho chiến trường 4.

Anh chị em đã chặt lá cây ngụy trang trên thuyền, khi máy bay rà sát thì tấp vào  bờ có cỏ cây rậm rạp.

Các trường hợp đặc biệt vận chuyển bằng máy bay trực thăng.

Có một Viện Quân Y anh hùng ở chiến trường B5 bắc Quảng Trị ảnh 3

Tăng cường chăm sóc người có công với cách mạng

 Lệ Thủy đã trưng dụng hàng chục thuyền, xe cải tiến của các xã trong huyện giúp cho Viện vận chuyển lương thực, thực phẩm, vận chuyển thương binh, bệnh binh đi các tuyến được nhanh chóng kịp thời.

Có thể nói, tình cảm và mối quan hệ giữa Đảng bộ và nhân dân địa phương, nơi Viện Quân y 112 đóng quân là một tình cảm đặc biệt tình sâu, nghĩa nặng.

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, Quảng Bình nói chung và các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy nói riêng - nơi hứng chịu bom đạn ác liệt cả ngày lẫn đêm.

Bom B52 rải thảm liên tục cứ 30 phút/lần, thương vong nhiều, dịch sốt rét và rất nhiều bệnh hiểm nghèo...

Với nhân dân địa phương, nếu không có Viện Quân y 112 giúp đỡ thì tổn thất về người và của là rất lớn.

Đồng thời, sự giúp đỡ của nhân dân địa phương đối với Viện Quân y 112 là vô cùng to lớn để Viện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

3. Tổ chức tốt việc khai thác các nguồn lực bảo đảm tại chỗ trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn; đặc biệt là nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh, cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng cứu chữa và nghiên cứu pha chế dịch truyền, thuốc tiêm, khai thác nguồn dược liệu tại chỗ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, bảo đảm quân y cho chiến đấu.

Do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, mùa mưa thì lụt lội, mùa khô hanh thì thiếu nước, phải đi xe nước 3-4km.

Viện đã sáng kiến tổ chức lắp đặt hệ thống dẫn nước từ hồ Cẩm Ly về phục vụ cho sinh hoạt của thương binh, bệnh binh và cán bộ, nhân viên Viện.

Viện luôn đảm bảo đủ tiêu chuẩn ăn, mặc cho thương bệnh binh và cán bộ, chiến sỹ, đảm bảo tiền lương, phụ cấp cho hơn 5.000 người, chạy gạo đủ ăn cho 4.000 thương binh, bệnh binh mỗi ngày.

Số lượng thương binh, bệnh binh tăng lên hàng ngày, dồn dập từ các chiến trường chuyển về, trung bình 1 y tá phục vụ cho 40 thương binh, bệnh binh

Họ cùng với các bà, các mẹ, các chị, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ thay phiên nhau đến từng giường chăm sóc thương binh, bệnh binh.

Đội văn nghệ của Viện đem lời ca tiếng hát của mình với cây đàn đi xa hàng chục km, băng qua nhiều đồi dốc để phục vụ thương binh, bệnh binh, kỷ lục có y sĩ đơn ca 35 lần trong một ngày.

Viện đã đề ra các phương án vừa phục vụ xây dựng, coi trọng học tập nâng cao trình độ toàn diện cho cán bộ nhân viên; phát triển kỹ thuật; tự lực giải quyết những trường hợp vết thương bệnh tật khó.

Chiến tranh ác liệt, việc tiếp tế thuốc men bị ngắt quãng, không đảm bảo thuốc men để phục vụ, Viện phải cử người đi mua, đi vay thêm để điều trị cho thương binh, bệnh binh.

Có một Viện Quân Y anh hùng ở chiến trường B5 bắc Quảng Trị ảnh 4

Sẵn sàng chiến đấu, giành thắng lợi trong mọi tình huống

Nhiều sáng kiến khoa học trong thời kỳ này được áp dụng.

Những khóa ngắn ngày học tiếng Anh, tập huấn về kỹ thuật chuyên môn thường xuyên được tổ chức; đào tạo tại chỗ hàng trăm y tá, hộ lý và hộ lý chuyên khoa để kịp thời có nguồn nhân lực phục vụ thương binh, bệnh binh và nhân dân.

4. Xây dựng đơn vị, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng có sức chiến đấu cao, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; vượt lên mọi hy sinh, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa phục vụ, vừa chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp thống nhất đất nước.

Trong thời gian từ năm 1970-1975, Đảng bộ Viện đã kết nạp được nhiều đảng viên mới.

Nhiều người về sau đã trở thành những cán bộ chủ chốt của Cục Quân y, của các bệnh viện, các đơn vị quân y tuyến chiến lược, chiến dịch.

Dù ở cương vị công tác nào, những lớp đảng viên được kết nạp, trưởng thành trong chiến đấu này thực sự là những người ưu tú, đại diện cho các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Viện Quân y 112 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Viện Quân y 112 đã 27 lần bị địch ném bom, đạn pháo.

Trong đó có 3 lần bị B52 ném bom rải thảm vào đội hình đóng quân của Viện, 4 kho dược và 1 kho quân nhu bị cháy, 1 cán bộ đã hy sinh trong dập lửa, cứu kho, 8 cán bộ, chiến sỹ của Viện đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ và rất nhiều đồng chí bị thương, bị sức ép của bom.

Vượt lên tất cả những khó khăn, ác liệt và những mất mát, hy sinh đó, tập thể cán bộ, chiến sĩ Viện Quân y 112 vẫn không hề nao núng, xác định lập trường tư tưởng của người chiến sỹ cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân.

Xây dựng Viện là một tập thể sáng ngời về ý chí anh hùng cách mạng, hết lòng hết sức phục vụ chiến trường, phục vụ thương binh, bệnh binh, kiên cường bám trụ đến cùng dưới mưa bom bão đạn quân thù, cùng viết nên truyền thống vẻ vang của ngành, của quân đội.

Để không ngừng nâng cao chất lượng và tinh thần thái độ phục vụ thương binh, bệnh binh và nhân dân.

Viện Quân y 112 đã phát động, đẩy mạnh phong trào thi đua "bốn giỏi" (chữa bệnh giỏi, xây dựng giỏi, vận tải giỏi và văn nghệ giỏi), hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Tổng cục Hậu cần và Cục Quân y giao cho.

Với những thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Viện Quân y 112 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng thưởng:

"Huân chương Chiến công hạng nhất (1972); Huân chương Chiến công hạng nhì (1973); Các khoa, ban được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì".

Hàng chục khoa, ban được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng và bằng khen.

Rất nhiều đồng chí được tặng huân chương và danh hiệu thi đua các loại.

Sau chiến thắng mùa Xuân 1975, đất nước đã hoàn toàn giải phóng, nhiệm vụ của Ngành Quân y có những thay đổi để phục vụ cho công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước.

Do chấn chỉnh tổ chức lực lượng, Viện Quân y 112 được giải thể.

Có một Viện Quân Y anh hùng ở chiến trường B5 bắc Quảng Trị ảnh 5

Về hòa hợp và thống nhất dân tộc

Cán bộ, chiến sĩ Viện Quân y 112 lại lên đường đến những đơn vị quân y khác nhau trên mọi miền Tổ quốc để nhận nhiệm vụ mới.

Vừa phục vụ công tác quân quản các vùng mới giải phóng, tiếp thu cơ sở vật chất của quân y chính quyền Sài Gòn, vừa nhanh chóng hình thành các khu vực bảo đảm quân y theo yêu cầu nhiệm vụ mới.

Dù ở bất cứ đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì, cả khi trở về với đời thường, những cán bộ, chiến sĩ Viện Quân y 112, không một ai ngừng có những giây phút nghĩ về đồng đội, những người còn sống, người đã mất và những người hiện đang công tác, phát huy những giá trị truyền thống mà các thế hệ đi trước đã dày công xây dựng.

Tuy chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, nhưng khi nhắc về truyền thống của Viện Quân y 112, nhiều giáo sư, bác sĩ đã từng đến công tác tại Viện trong những năm tháng khói lửa đến nay vẫn rất xúc động, khâm phục, tự hào về truyền thống của đơn vị.

Đó là Đại tá Phạm Hữu Trí, nguyên Phó Chính ủy Cục Quân y - Tổng cục Hậu cần, hiện nghỉ hưu ở ngõ 141 Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội; Đại tá Giáo sư Võ Tá Cúc, Giáo sư Trần Quang Việp...

Lúc còn sống, Đại tá Phó giáo sư Đỗ Nghi, nguyên Cục phó Cục Quân y, gia đình ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội, cho biết:

"Trong chiến tranh chống Mỹ, tôi là Trưởng phòng tổ chức kế hoạch Cục Quân y nên thường xuyên nắm tình hình tại các đơn vị quân y, trong đó có bệnh viện 112 và đã ba lần được vào làm việc tại đây".

Trong ký ức của tôi, Viện Quân y 112 là bệnh viện tuyến đầu duy nhất của miền Bắc chịu đựng nhiều bom đạn, gian khổ nhất trong các bệnh viện quân y của miền Bắc và có lẽ là của toàn quốc.

Trong những điều kiện cực kỳ ác liệt và gian khổ đó, các cán bộ, chiến sĩ của Viện Quân y 112 đã dũng cảm hy sinh phục vụ một số lượng lớn thương minh gấp 7-8 lần quy định biên chế của mình và vận chuyển nhiều nghìn thương bệnh binh qua Quân khu 4 ra hậu phương an toàn.

Đây có lẽ cũng là một kỷ lục duy nhất của ngành quân y trong chống Mỹ".

Trong số các cán bộ chỉ huy Viện Quân y 112 thời kỳ đầu, giờ chỉ còn có Đại tá Phạm Khuể, nguyên Phó Chính ủy viện, 95 tuổi và Đại tá Nguyễn Bá Đạt, nguyên Viện phó, 90 tuổi.

Đại tá, Bác sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Bá Đạt tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn minh mẫn và thông tuệ.

Ông vui vẻ cho chúng tôi biết là ngày 30 tháng 01 năm 2011 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Bệnh viện Quân y 112 vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY