Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Có một ‘bản mồ côi’ ở Tây Bắc

28/11/2012 11:45
Theo Infonet
Người ta vẫn gọi Mường Luân (Điện Biên Đông, Điện Biên) là bản “vợ góa chồng, con mồ côi” vì những người đàn ông nơi đây lần lượt đều qua đời hết cả.

Trụ cột của gia đình nhường lên vai của những người phụ nữ góa bụa. Có những gia đình cả bố lẫn mẹ đều qua đời bỏ lại những đứa trẻ bơ vơ, côi cút trong những nếp nhà sàn hoang vắng.

Nơi đàn bà góa chồng

Những ai đã từng đi tới huyện Điện Biên Đông thuộc tỉnh Điện Biên chắc hẳn đều biết nơi đây nằm cách không xa khu vực Tam Giác Vàng mà trước đây đã từng là nơi buôn bán chất ma túy cực lớn của vùng Tây Bắc. Những năm trước đây, vô số những cánh lái buôn vì món lợi kinh tế đã lần mò lên khu vực này để vận chuyển thứ chất “trắng”, gieo rắc cái chết đến khắp các bản làng của Điện Biên Đông.

Sự đói nghèo cũng theo đó mà vận vào nhiều gia đình có người nghiện. Hiểm họa của bệnh AIDS, mấy năm nay cũng theo ma túy len lỏi vào đời sống của người dân nơi đây. Nhiều đàn ông nghiện qua đời, không lâu sau, người vợ cũng theo chồng “ra đi”. Buồn hơn, đây là địa phương mỗi năm có hàng trăm đứa trẻ mồ côi cha mẹ, sống lay lắt trong những bản làng heo hút.

Tính chung cả huyện Điện Biên Đông, có đến hơn 300 đối tượng nghiện và hàng trăm trẻ em mồ côi, hàng trăm người vợ trẻ góa chồng. Đi một vòng quanh Pá Vạt, Na Son, Mường Luân, bóng dáng những người đàn ông thưa thớt. Thật khó tin rằng, một huyện nghèo heo hút mỗi năm chỉ có vài ba tỷ đồng thu ngân sách, mà có đến hơn 100 đứa bé mồ côi không nơi nương tựa. Một con số làm giật mình bất cứ ai. Nhìn vào bản danh sách trẻ mồ côi do Phòng Giáo dục huyện Điện Biên Đông lập, bản ít nhất 15 đứa, bản nhiều thì dăm ba chục đứa mà thấy xót xa, thế nhưng đó cũng chỉ là con số trên giấy tờ còn thực tế chưa ai đếm hết được.

Dọc theo con đường ngoằn nghèo dốc cheo leo, chúng tôi tìm về Điện Biên Đông vào một ngày chớm đông của miền núi Tây Bắc. Cái lạnh miền núi thường đến sớm hơn dưới đồng bằng mang theo những màn sương dày đặc, ẩm ướt phủ kín toàn bộ những ngọn đồi, những cánh rừng. Nơi chúng tôi dừng chân là bản Mường Luân, một trong những bản chịu hệ quả lớn nhất của cơn lốc “trắng”. Người ta vẫn thường gọi nơi đây là bản “vợ góa chồng, con mồ côi”.

Co mot ban mo coi o Tay Bac
Phụ nữ trở thành trụ cột chính ở "bản mồ côi"

Ghé thăm ngôi nhà sàn nhỏ bé của chị Chử Thị Ái, bên trong hết sức trống trải không có lấy bất cứ một đồ vật quý giá hay tài sản gì để người ta biết rằng bây giờ đã bước sang nền văn minh của thế kỷ 21. Ngồi thu lu cạnh đứa con gái bên bếp lửa than đang cháy rực hồng để xua tan cái giá lạnh, chị Ái kể với chúng tôi rằng, trước đây cuộc sống của gia đình cũng không đến nỗi nào, hai vợ chồng chăm chỉ làm nương rồi nuôi thêm con trâu, con lợn cũng đủ ăn và có một chút gọi là để dành.

Ấy vậy, từ khi chồng chị Ái dính vào nghiện ngập khi bị lũ bạn lôi kéo, kinh tế gia đình ngày một khánh kiệt đến mức thảm hại. Từng thứ tài sản không cánh mà bay, nhà có 5 con trâu thì cả 5 con bị người ta đến xiết nợ vì chồng mua thuốc hút thàng tháng trời không có tiền trả.

Được 5 năm thì chồng chị Ái qua đời để lại cho chị một thân một mình nuôi 2 đứa con nhỏ chưa đến tuổi lao động.

Co mot ban mo coi o Tay Bac
Những căn nhà sàn nghèo nàn của người dân ở Mường Luân

Cùng trong thảm cảnh ấy, gia đình chị Lường Thị Thoan ở cách nhà chị Ái không xa cũng là một ngôi nhà thiếu vắng người đàn ông từ nhiều năm nay. Chồng chị Thoan đã ra đi cách đây hơn 1 năm cũng vì thứ chất ma túy tàn độc. Bằng thứ tiếng bập bẹ, chị Thoan kể lại: “Trước khi cưới anh ấy đã từng nghiện, nhưng đã cai được, đến sau khi cưới, sau lần đi làm cửu vạn thuê cho đám lái buôn bị đám thợ cùng làm dụ dỗ, nên anh ấy lại nghiện lại. Từ đó cứ chìm trong ma túy cho đến tận lúc chết”, nói rồi chị Thoan chỉ biết cúi mặt khóc.

Chồng chị Thoan chết khi chưa có một mụn con, giờ ngôi nhà vốn đã giá lạnh càng thêm cô đơn, hiu quạnh. Cả ngày chị Loan lủi thủi một mình, không biết trông mong vào cái gì.

Đặc biệt là gia cảnh nhà chị Hà Thị Khuê, chị Khuê mới được xây cho một ngôi nhà tình thương vì gia cảnh quá nghèo. Người chồng nghiện ngập trước đây từng đi chuyển ma túy thuê cho cánh lái buôn, vào tù ra tội mãi, cuối cùng ông ta cũng chết vì ma túy khi đã bán luôn cả ngôi nhà đang ở lấy vài liều heroin. Không còn chỗ ở, chị Khuê dựng tạm một túp lều để hai mẹ con trú ngụ.

Tưởng chồng chết, con trai 14 tuổi sẽ biết thương mẹ mà tránh xa ma túy. Ngờ đâu, một hôm đi học về, con trai sụt sùi nói với mẹ rằng “Con nghiện rồi mẹ ạ, thằng Xíu nó cho con thử dùng rồi rủ con đi bán ma túy”. Nghe những lời ấy, chị Khuê đau đớn đến chết lặng người. Thế là niềm hy vọng cuối cùng của chị Khuê đã bị cướp mất. Con trai đi theo vết xe đổ của người cha đã qua đời. Nhìn đứa con đang nằm ngủ mê mệt trên giường, chị Khuê khóc nức nở nói “Nó đã đi cai nghiện 3 lần rồi đấy các chú ạ”.

Theo chân một cô giáo của trường tiểu học ở Mường Luân, đi hết từ đầu bản tới cuối bản, dưới những nếp nhà tuềnh toàng toàn là phụ nữ, người già lặng lẽ, trẻ con thì nheo nhóc, lê la và hầu như những đứa be bé cũng chả có nổi bộ quần áo che thân, lấm lem chơi đùa cùng đất cát. Thỉnh thoảng lắm tôi mới bắt gặp những tấm thân tiều tụy với những ánh mắt thất thần, đờ đẫn đâu đó.

Côi cút những đứa bé mồ côi

Ở Điện Biên Đông những gia đình thiếu vắng đàn ông là chuyện quá đỗi bình thường, nhưng đau đớn hơn có những gia đình mất đi cả bố lẫn mẹ khiến những đứa con trở nên bơ vơ không nơi nương tựa. Chỉ tay về phía ngôi nhà sắp bước vào, cô giáo người dân tộc tên Trang bảo với chúng tôi rằng: “Nhà này có hai chị em cái Luyến và Hồng, khổ lắm các chú ạ, bố chúng nó nghiện ma túy bị nhiễm HIV rồi truyền sang mẹ nó, hai vợ chồng thay nhau qua đời bỏ lại hai đứa trẻ”.

Trong căn nhà sàn chỉ thấy vứt tứ tung những thanh tre, thanh nứa đang vót dở, hai chị em Luyến và Hồng ngồi im bặt bên đống chăn cũ kỹ rách lởm chởm nhiều chỗ. Thấy chúng tôi bước vào, các em chỉ ngơ mắt ra nhìn, ban thờ của bố mẹ hai cháu nhỏ nằm tối tăm, lạnh ngắt. Cái Luyến là chị khẽ thỏ thẻ kể chuyện buồn gia đình mình bằng tiếng dân tộc, cô giáo sau khi nghe một hồi nói mới dịch để chúng tôi hiểu.

Cái Luyến kể trước đây bố nó bị nghiện, đồ đạc trong nhà, từ ti vi, nồi niêu xoong chảo bố đều lần lượt mang đi hết. Có lần, trong nhà chỉ còn có hơn chục cân gạo, bố cũng xách đi nốt. Mẹ Luyến chạy theo giằng lại nhưng không được, cái thứ chất trắng chết người đã biến bố Luyến trở thành người vô tình để mặc 3 mẹ con chết đói. Sau khi bố mất, mẹ cũng qua đời. Hai chị em Luyến được ông bà ngoại cưu mang. Nhưng tới hiện tại ông bà cũng đã ngoài 80, chẳng còn sức lao động hai chị em phần lớn sống bằng tình thương của những người hàng xóm và tiền trợ cấp của nhà nước. Cả hai chị em giờ đều đã nghỉ học vì không có đủ tiền. Hơn nữa, khi miếng ăn còn không đủ thì làm sao còn đủ sức để nghĩ đến chuyện học hành.

Co mot ban mo coi o Tay Bac
Nhiều đứa trẻ đã trở thành mồ vôi vì ma túy cướp đi người cha của chúng

Cô giáo Trang trăn trở với chúng tôi rằng, đàn ông ở Mường Luân chết vì ma túy liên tục trong mấy năm gần đây, phần nhiều là do trình độ dân trí quá thấp, con nghiện không nắm được các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV. Có kẻ mờ mắt vì lợi nhuận, truyền căn bệnh đó từ một người ra nhiều người, đau lòng nhất là những bà vợ vô tội, chết theo chồng vì HIV/AIDS. “Ở Na Son, người dân chưa thể nào quên được câu chuyện về chị Bùi Thị Tứ, có chồng bị chết vì bệnh AIDS. Chị Tứ phải đi xin các già làng, trưởng bản vì không có lấy nổi vài trăm ngàn làm ma cho người chồng”, cô giáo Trang kể lại.

Đếm mỏi mắt trên mấy quả đồi ở Mường Luân. Chúng tôi mới thấy có hơn 50 nóc nhà, nhưng trong đó đã tới hơn 30 hộ dân sống trong cảnh nghèo đói. Và cũng chỉ trong 5 năm trở lại đây đã có đến 50 cái chết giống nhau của những người đàn ông nghiện ma túy. Bao nhiêu đàn ông “ra đi” là bấy nhiêu người đàn bà góa bụa, nuôi bầy con mồ côi cha.

Co mot ban mo coi o Tay Bac
Một nếp nhà sàn hiếm hoi còn bóng dáng đàn ông

Mới đây, huyện Điện Biên Đông đã chỉ đạo gắt gao việc lọc ra những trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để đưa về trung tâm huyện nuôi, dạy trong một môi trường an toàn. Trong số 101 cháu bé mồ côi ở huyện Điện Biên Đông, ngoài những cháu bé mồ côi ở Mường Luân, ở xã Na Son có  11 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ còn phụ nữ góa chồng thì tính sơ qua cũng ngót trăm người. Theo các cán bộ ở Na Son, hiện nay, việc hệ trọng nhất là đấu tranh bài trừ ma túy, nhưng điều này đòi hỏi toàn xã hội cùng nỗ lực mới thành công. Trước mắt, việc cứu lấy những em bé mồ côi cha, hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ là vô cùng cần thiết.

Theo Infonet