Có nên ủng hộ đề xuất cho Công an xã được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ?

14/12/2017 07:42
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Dự thảo Thông tư quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ đang gây tranh cãi về đề xuất cho Công an xã được trang bị vũ khí...

Công an xã sẽ được sử dụng vũ khí? 

Bộ Công an vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

Theo đó, Thông tư này quy định về thẩm quyền, đối tượng, chủng loại, số lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trang bị cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an.

Thông tư áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

Công an xã, phường, thị trấn có thể được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ. Ảnh minh họa đăng trên Báo điện tử Kienthuc.net.vn.
Công an xã, phường, thị trấn có thể được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ. Ảnh minh họa đăng trên Báo điện tử Kienthuc.net.vn.

Tại Mục 1 Chương II của dự thảo Thông tư quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trong Công an nhân dân, trong đó tại Điều 4 quy định về đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ.

Cụ thể Cục nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an; Cục nghiệp vụ trực thuộc Tổng cục; Các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh; Trại giam, trại tạm giam; Học viện, trường Công an Nhân dân; Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an Nhân dân làm công tác đào tạo, huấn luyện; Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

Đáng chú ý, trong dự thảo Thông tư, lực lượng Công an xã cũng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ...

Chưa giao quyền sử dụng vũ khí đừng sợ lạm quyền

Không ít ý kiến cho rằng, không nên giao vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ cho Công an xã bởi đây chưa phải là lực lượng chính quy.

Do đó, rất dễ xảy ra tình trạng lạm dụng vũ khí quân dụng tùy tiện, mất kiểm soát, có thể gây hậu quả đáng tiếc.

Trong khi đó, một số ý kiến khác lại đưa ra quan điểm ủng hộ dự thảo Thông tư trên, đồng thời cho rằng, đó là việc làm cần thiết.

Có nên ủng hộ đề xuất cho Công an xã được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ? ảnh 2Quy chuẩn toàn bộ công an xã thì ngân sách không kham nổi

Hôm 13/12, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, đề xuất lực lượng Công an xã được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ là hoàn toàn hợp lý.

Đại biểu Trương Minh Hoàng phân tích: "Luật Quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ công cụ hỗ trợ 2017 vừa được thông qua. Do đó, việc trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải dựa trên tinh thần của luật này để áp dụng.

Thực tế dưới cơ sở, Công an xã phải va chạm với rất nhiều đối tượng (trộm cắp, ma túy...).

Do đó, nếu lực lượng này được trang bị tốt để phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm thì kẻ xấu sẽ khó thực hiện được mục đích vi phạm.

Và nếu những vụ việc trên được giải quyết tốt từ dưới cơ sở thì tội phạm sẽ giảm đi, kéo theo tình trạng tạm giam, tạm giữ sẽ giảm đi rất nhiều.

Nên nghĩ việc này theo chiều hướng tích cực. Công an xã được trang bị đầy đủ, làm tốt nhiệm vụ thì dân sẽ được sống bình yên", Đại biểu Trương Minh Hoàng nhận định.

Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng. Ảnh: quochoi.vn.
Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng. Ảnh: quochoi.vn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng cho rằng, cần tiến tới xây dựng Công an xã trở thành lực lượng chính quy.

"Song song với việc trang bị, tôi rất mong muốn tất cả Công an xã được bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo, hỗ trợ để họ trở thành lực lượng chính quy.

Vì khi được đào tạo, bồi dưỡng bài bản người ta sẽ biết cần nổ súng trong trường hợp nào; sử dụng công cụ đó như thế nào; phòng vệ, bảo vệ thế nào là chính đáng.

Không những cần phải trang bị công cụ hỗ trợ cho họ, mà nên trang bị cả phương tiện nghe, nhìn, để họ có thể chủ động, kịp thời phát hiện, khống chế hành vi của đối tượng có dấu hiệu vi phạm. 

Do đó, trang bị công cụ hỗ trợ cho Công an xã là việc làm cần thiết", Đại biểu Trương Minh Hoàng nêu quan điểm. 

Giải đáp băn khoăn khi có ý kiến lo ngại Công an xã lạm quyền khi thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là khi họ được trang bị vũ khí, Đại biểu Trương Minh Hoàng cho rằng, để tránh trường hợp trên cần phải có cơ chế kiểm soát, giám sát, xử lý nếu người thực hiện nhiệm vụ lạm quyền.

Có nên ủng hộ đề xuất cho Công an xã được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ? ảnh 4Giao quá nhiều việc, công an xã có làm được không?

"Chuyện người ta làm quyền, là do tâm tính của mỗi người chứ không phải công an xã ai cũng vậy. 

Không phải riêng Công an xã, dù là ai, ở cương vị nào đi nữa, nếu người ta mất phẩm chất đạo đức thì họ cũng sẽ lạm quyền. 

Thậm chí có khi những bậc làm cha, làm mẹ, thầy cô, nhiều khi cũng lạm quyền với con, em họ đấy chứ!

Đương nhiên, nếu Công an xã sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vượt quá thẩm quyền, thì phải áp dụng biện pháp răn đe, xử lý nghiêm theo quy định", Đại biểu Trương Minh Hoàng nói. 

Từ những phân tích trên, vị Đại biểu Quốc hội cho rằng: "Đừng sợ Công an xã lạm quyền nếu chưa giao quyền.

Vấn đề là cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra, giám sát việc người ta thực hiện quyền đó như thế nào mới là điều quan trọng", ông Trương Minh Hoàng nhấn mạnh.

QUỐC TOẢN