“Có ngăn chặn được chuyện Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ không?”

13/09/2016 15:15
Ngọc Quang
(GDVN) - Chủ tịch Quốc hội – bà Nguyễn Thị Kim Ngân đặt ra câu hỏi này khi cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật cần thể hiện bao quát, toàn diện hơn, kế thừa những quy định còn nguyên giá trị của luật hiện hành đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật hiện hành và phải phù hợp với tình hình mới, nhiệm vụ, yêu cầu của đất nước hiện nay so với 10 năm trước.

Dẫn chứng những vụ việc cụ thể mà gần đây nhất là sự cố xả thải của Formosa (Hà Tĩnh), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tới vai trò của công nghệ và đề nghị dự thảo luật cần tập trung làm rõ một số nội dung như việc kiểm soát công nghệ khi nhập vào được sử dụng trong các dây chuyền sản xuất.

Cụ thể hóa các nội dung mà Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nêu: “Có cơ chế thúc đẩy đổi mới công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại; hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, mua thiết kế, thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài thuộc các lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp mua công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước... Chấm dứt và ngăn chặn có hiệu quả việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, công nghệ gây nguy hại đến sức khỏe con người, tài nguyên, môi trường, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh”.

Chủ tịch Quốc hội đặt ra câu hỏi: "Luật sửa đổi có khắc phục được Việt Nam đang và sẽ trở thành bãi rác công nghệ, có giải quyết được vấn đề kiểm soát công nghệ và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước hay không?".

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sửa đổi luật phải ngăn chặn hiệu quả việc nhập công nghệ lạc hậu. ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sửa đổi luật phải ngăn chặn hiệu quả việc nhập công nghệ lạc hậu. ảnh: quochoi.vn

Những lo lắng về việc nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu đã từng được các Đại biểu Quốc hội nhiều lần đề cập, và cũng từng đặt ra để chất vấn ông Nguyễn Quân khi còn giữ chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ vào năm 2015.

Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề: Để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa chúng ta đã quy hoạch và thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, dây chuyền công nghệ cũ đã qua sử dụng, chỉ có 10% doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại.

“Có ngăn chặn được chuyện Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ không?” ảnh 2

Đường sắt chậm phát triển vì chỉ biết bám vào "bầu sữa mẹ"

Theo dự báo, khi Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp thì cũng đồng thời đối diện với nguy cơ sẽ trở thành bãi rác công nghiệp của thế giới.

Việc quản lý và xử lý sẽ vô cùng khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Trước tình hình này đòi hỏi Bộ Khoa học và Công nghệ cần phải xây dựng hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn thực trạng trên.

Trả lời chất vấn tại Quốc hội, ông Nguyễn Quân cũng từng thừa nhận: “Có khả năng chúng ta trở thành bãi rác công nghệ của thế giới. Điều này chúng tôi thấy hoàn toàn có khả năng, nếu như chúng ta không có những giải pháp, những hàng rào kỹ thuật".

Trình bày tờ trình sửa đổi luật tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/9, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - ông Chu Ngọc Anh cho biết những số liệu cho thấy tình trạng công nghệ trong nước, đặc biệt của các doanh nghiệp đang ở mức rất yếu kém.

Cụ thể, xếp hạng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm 2015 đứng thứ 56/140 quốc gia xếp hạng nhưng mức độ sẵn sàng về công nghệ chỉ đứng thứ 92, hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thứ 121 và khả năng tiếp thụ công nghệ mới chỉ đứng thứ 112/140 quốc gia.

Trong tiến trình công nghiệp hóa, Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ của thế giới. ảnh minh họa: HTD.
Trong tiến trình công nghiệp hóa, Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ của thế giới. ảnh minh họa: HTD.

Lo lắng về tình trạng công nghệ lạc hậu cũng được Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường – ông Phan Xuân Dũng (đơn vị thẩm tra dự án luật) chỉ ra: “Tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thời gian qua rất thấp, chưa đạt như mong muốn (10%/năm).

Một số ngành, lĩnh vực như nhiệt điện, xi măng, mía đường, luyện cán thép, khai khoáng,… vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. Chúng ta vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2-3 thế hệ là chính... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta”.

Theo ông Dũng, cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định của Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 một cách toàn diện và sâu sắc nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, đầy đủ, thuận lợi, khuyến khích đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp, quy định về chuyển giao công nghệ phù hợp với đặc thù hoạt động của các ngành, lĩnh vực kinh tế như: Nông nghiệp, y tế, năng lượng, xây dựng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, đặc biệt là không để tái diễn tình trạng nhập khẩu công nghệ và thiết bị lạc hậu vào nước ta.

Ngọc Quang