"Có thể thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân"

13/01/2016 06:24
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Có thể áp dụng việc thu phí, nhằm hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, cách làm không nên cứng nhắc", ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng vụ ATGT cho biết.

LTS: Mới đây, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ cho phép Hà Nội cho xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. Chỉ cần với tốc độ như hiện nay nếu không có ngay giải pháp thì khoảng 4-5 năm nữa, vấn đề giao thông sẽ rất phức tạp.

Một số ý kiến cho rằng, có thể thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên cần tính toán tới nhiều yếu tố, trong đó có cả vấn đề tâm lý của người dân.

Để làm rõ vấn đề này, hôm 11/1, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thạch – Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông (Bộ Giao thông vận tải), dưới góc nhìn của một chuyên gia.

PV: Ông đánh giá như thế nào về đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân ở Hà Nội?

Vụ trưởng Nguyễn Văn Thạch: Chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân, đẩy mạnh hoạt động của các phương tiện công cộng là phù hợp.

Tuy nhiên, việc hạn chế phương tiện cá nhân không đồng nghĩa với việc cấm hoạt động của các phương tiện này. Vấn đề nằm ở chỗ người ta cân nhắc, chọn thời điểm hoạt động, tính cấp thiết phải sử dụng phương tiện.

Chúng ta có thể sử dụng biện pháp quản lý phương tiện cá nhân bằng việc thu phí .

Ở nước ngoài, việc thu phí vào giờ cao điểm đã được áp dụng, và họ coi đây là một trong số các giải pháp chống ùn tắc.

Cá nhân tôi hoàn toàn đồng ý với phương án này. Tuy nhiên, đây chỉ mới là đề xuất, cụ thể về lộ trình thực hiện thì còn phải bàn rất nhiều.

Ông vừa nhắc tới chuyện thu phí nhằm hạn chế phương tiện cá nhân. Điều này có thật sự cần thiết?

Vụ trưởng Nguyễn Văn Thạch: Vấn đề nằm ở chỗ, cách áp dụng không được cứng nhắc.

Ô tô là phương tiện chiếm diện tích tương đối lớn khi lưu thông trên đường. Phương án có thể thu phí khi lưu thông phương tiện cá nhân trên tại những thời điểm nhất định.

Ví dụ, người ta thu nhập 10 triệu/tháng nhưng nộp phí mất 1 triệu. Khi đó, họ sẽ cân nhắc lựa chọn phương tiện để lưu thông.

Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông (Bộ giao thông vận tải). Ảnh: VTC
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông (Bộ giao thông vận tải). Ảnh: VTC

Vào giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện di chuyển đạt tới mức bão hòa.

Do đó, khi có thêm phương tiện sẽ gây ùn tắc giao thông. Việc thu phí như vậy để giảm ùn tắc. Tức là có thể áp dụng thu phí đối với những phương tiện gây cản trở giao thông.

Tuy nhiên, việc thu phí, mục đích chuyển thói quen sử dụng xe cá nhân sang sử dụng các phương tiện công cộng còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, quỹ thời gian công việc của mỗi người…

Việc áp dụng cũng cần tính toán đến tâm lý, quan điểm của người dân, không nên áp đặt cứng nhắc.

Có ý kiến cho rằng, việc hạn chế xe cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông chỉ mới “cắt ngọn” vấn đề? Quan điểm của ông như thế nào?

Vụ trưởng Nguyễn Văn Thạch: Giao thông đô thị phụ thuộc rất nhiều vào quy hoạch giao thông, đô thị, chứ không chỉ riêng việc hạn chế phương tiện cá nhân. Hai vấn đề này tồn tại song song với nhau.

Do đó, nếu chúng ta có quy hoạch, nhưng việc quản lý

"Có thể thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân" ảnh 2

Hạn chế phương tiện cá nhân, dân đi lại bằng gì?

quy hoạch không tốt thì cũng chưa giải quyết được gì. Nếu tắc đường mà chỉ hạn chế phương tiện cá nhân, không để ý đến quy hoạch giao thông giao thông đô thị, thì cũng không ổn.

Tôi được biết, hiện nay, Hà Nội đang có hướng di chuyển các trường học, bệnh viện ra ngoại ô để giảm mật độ, lưu lượng phương tiện. Đây cũng là một giải pháp chống ùn tắc...

Ông góp ý gì đối với đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân mà Hà Nội vừa đề xuất?

Vụ trưởng Nguyễn Văn Thạch: Trước mắt, cần giải phóng lòng đường, vỉa hè cho thông thoáng lối đi. Không thể cứ kẻ đường cho phương tiện dừng, đỗ tràn lan rồi kêu gọi, áp dụng việc hạn chế phương tiện chống ùn tắc.

Mặt khác, trong quá trình thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân phải tiến hành một cách đồng bộ, có hệ thống.

Tức là, khi thực hiện giảm phương tiện cá nhân, phải tăng cường, phải đẩy mạnh, bổ sung kịp thời các phương tiện công cộng có chất lượng (lộ trình phát triển phương thức vận tải công cộng xe buýt nhanh, đường sắt đô thị)...

QUỐC TOẢN