Con của lính đảo Trường Sa sinh vào ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

07/05/2013 08:13
Huệ Nguyễn
(GDVN) - Người lính đảo Trường Sa ấy luôn nuôi trong mình niềm mong ước, đứa con sinh vào ngày đặc biệt, ngày 7/5, ngày chiến thắng Điện Biên Phủ và là ngày thành lập Quân chủng Hải quân Việt Nam, sau này cũng sẽ nối nghiệp để gây dựng nên sự nghiệp của gia đình lính đảo. Bởi lẽ, từ khi sinh ra bé đã mang đậm dấu ấn của người lính.

“Cổ tích biển và em”

Nếu đã có dịp đặt chân đến đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Trung úy Phạm Văn Miền đang công tác, xen giữa những câu chuyện thú vị về cuộc sống nơi đây, ai cũng đều một lần được nghe những người lính đảo kể lại câu chuyện vui của trung úy Phạm Văn Miền, người từng trực vợ đẻ qua điện thoại suốt 20 tiếng đồng hồ và hạnh phúc đón đứa con trai đầu lòng sinh đúng ngày 7/5.

Đứa bé ấy vẫn được nhiều người, cả người trên đất liền và những anh lính trên đảo Sinh Tồn nhắc đến và đặt rất nhiều kì vọng chính bởi cái ngày sinh đặc biệt của bé. Ngày mà nhiều người vẫn cho đó như ngày “định mệnh”.

Anh Miền sinh năm 1977 trong một gia đình 3 anh em trai tại Hưng Hà, Thái Bình. Năm 2007, khi đang là lính lục quân công tác tại Nha Trang, một mối cơ duyên đã đưa chàng lính lục quân quen biết với chị Nguyễn Thị Thùy Linh. Khi ấy anh đã 30, còn cô gái gốc Hà Thành cũng đã bước sang tuổi 26. Không ai trong số hai người nghĩ rằng mình sẽ thành vợ thành chồng.

Chị Linh và con trong ngôi nhà nhỏ trên phố Hàng Điếu (Hà Nội).
Chị Linh và con trong ngôi nhà nhỏ trên phố Hàng Điếu (Hà Nội).

Mãi sau này, khi đã là vợ anh, chị mới kể với anh rằng, ngày đó, bộ đội đối với chị là những con người lãng mạn, xa vời thực tế. Chị gọi anh và những người lính biển là “Robinson”. Còn đối với trung úy Miền khi ấy, anh chỉ mong có thêm một người bạn để tâm sự, để chia sẻ. Từ quen cô bạn thân của chị, anh cũng xin số điện thoại để nhắn tin nói chuyện với chị những lúc rảnh rỗi. Nhưng đó cũng chỉ là những tin nhắn xã giao bạn bè qua lại của hai con người chưa từng gặp mặt và đầy sự tò mò về nhau.

Năm 2008, nhân kì nghỉ phép, anh vào Sài Gòn thăm người chú ở đường Cộng Hòa, quận Tân Bình. Gặp chị, vẻ đẹp dịu dàng của chị đã khiến trái tim anh rung động. Còn chị lúc ấy mới biết thế nào là da của nắng, tóc của gió. Thế nhưng anh chàng có nước da ngăm đen, gày nhom, tóc cháy đỏ vì nắng gió mà lại mang vẻ chân chất mộc mạc ấy đã cho chị một cái nhìn rõ ràng hơn về những người lính thủy.

Suốt những năm ấy, anh ở Nha Trang, chị ở Sài Gòn, số lần anh chị được gặp nhau chỉ tính trên đầu ngón tay, mỗi lần gặp nhau lại chưa đầy 1 ngày. Tình yêu đã đơm hoa từ khi nào chẳng rõ. Dù kẻ đất liền, người biển đảo, tình yêu và sự nhớ thương chỉ có thể gửi qua những cánh thư, những cuộc điện thoại ngắn ngủi. Tháng 7/2009, họ quyết định nên duyên vợ chồng.

Có lẽ cả đời anh đều gắn liền với “nước” nên cả ngày ăn hỏi và ngày cưới đều gặp giông bão tới nỗi nhà gái phải xắn quần lội bì bõm trong nước đón nhà trai; nhà trai thì đi đưa lễ ăn hỏi từ 5h sáng mãi 11h trưa mới tới nơi vì bị tắc đường ở ngay bến xe Gia Lâm… Đám cưới tránh bão vội vàng đến mức hai gia đình chỉ chụp được với nhau 2 tấm ảnh nhà gái đã phải về để còn kịp qua phà trước khi bão ập đến.

4 ngày sau đám cưới, anh lại lên đường vào Nha Trang để chuẩn bị ra Trường Sa. Năm 2011, anh được nghỉ phép, cũng là lúc chị học xong khóa điều dưỡng 2 năm, xin vào làm ở bệnh viên 175  và quyết định sinh con. Chỉ có thể ở bên vợ 4 tháng ngắn ngủi, sau đó anh lại phải quay lại Trường Sa làm nhiệm vụ, trong lòng người lính biển ấy chưa khi nào nguôi nỗi nhớ dành cho đứa con anh chưa một ngày bồng ẵm.

Trực vợ đẻ suốt 20 tiếng qua điện thoại.

Cho đến bây giờ mỗi khi nhắc lại cái ngày đặc biệt cách đây 1 năm, trung úy Phạm Văn Miền vẫn không thể nào quên cảm giác hồi hộp, lo lắng như ngồi trên đống lửa khi trực vợ đẻ qua điện thoại. Hôm đó, ngày 7/5/2012, suốt từ 6h sáng đến 11h đêm, 20 tiếng đồng hồ vợ trở cơn đau là 20 tiếng ruột gan anh nóng như lửa đốt.

Cứ một vài phút anh lại muốn nhấc máy gọi về nhà, một vài phút anh lại đứng lên rồi lại ngồi xuống. Những cơn đau khiến chị và anh không thể nói chuyện được lâu, và anh cũng chỉ biết an ủi động viên vợ khi vợ phải vượt cạn một mình.

Có lúc anh tưởng mình ngạt thở khi nghe những tiếng rên đau, nhưng câu gọi tên chồng của vợ… bởi lẽ vợ anh khó sinh. Nhưng ở một nơi cách đất liền rất xa, anh chỉ có thể cố gắng đem lại cảm giác có anh bên cạnh để chị bớt sợ và vững tâm.

11 giờ đêm chị lên bàn mổ, đó cũng là lúc anh chuyển cuộc gọi sang người chị vợ đang túc trực ngoài phòng sinh. Không chọn giờ cũng chẳng chọn ngày sinh nhưng chỉ còn 10 phút nữa là sang ngày mới. Và bé là đứa trẻ thứ 23 trong ngày được sinh ra trong phòng mổ ấy.

“Hôm ấy là ngày đẹp mà nên nhiều người chọn ngày, giờ để sinh. Còn mình thì… bé không chịu ở trong bụng mẹ nữa cứ đòi ra ngoài vào đúng ngày hôm nay chắc để nhắc bố mỗi lần kỉ niệm ngày của lực lượng mình cũng không được quên sinh nhật con”, chị Linh cười âu yếm nhìn con đang nghịch chơi cùng những con ốc chồng gửi về từ biển đảo.

Sinh vào ngày đặc biệt với đời lính của bố, trung úy Phạm Văn Miền luôn mong bé Phạm Trường Hải sau này cũng sẽ mang theo những khát vọng ra biển lớn.
Sinh vào ngày đặc biệt với đời lính của bố, trung úy Phạm Văn Miền luôn mong bé Phạm Trường Hải sau này cũng sẽ mang theo những khát vọng ra biển lớn.

Nhiều người vẫn gọi bé là một đứa trẻ đặc biệt vì dự kiến ngày sinh, bé Trường Hải cũng sinh vào ngày 19/5. Con chào đời 11h50’, nhưng mãi 2h sáng, khi vợ gọi điện cho anh báo tin mẹ tròn con vuông thì lúc đó anh mới yên tâm tắt máy.

Anh cũng không thể nào quên cảm giác như vỡ òa trong lồng ngực, cảm giác của người cha chỉ muốn được ôm hôn đứa con trai bé bỏng. Suốt đêm anh đã thức trắng, và sáng mai lại sung sức lên đường làm nhiệm vụ. Gặp bạn bè, anh đều kể chuyện, con trai anh sinh đúng ngày 7/5 để rồi nhận về những cái nắm tay thật chặt của đồng đội.

Anh đặt tên cho con là Trường Hải với mong ước con anh cũng mang theo những khát vọng ra biển lớn. “Biết con sinh vào một ngày thật đặc biệt, mình cũng kì vọng nhiều vào tương lai của con lắm. Nhưng điều quan trọng bây giờ là hai vợ chồng phải nuôi dạy con thật tốt. Bố công tác tại đảo Sinh Tồn, chú trẻ công tác tại đảo Niêm Yết (thuộc quần đảo Trường Sa – PV) nên mình mong sau này con nối nghiệp để gây dựng nên sự nghiệp của gia đình lính đảo vì từ khi sinh ra con đã mang đậm dấu ấn của đời lính rồi mà”, anh Miền cười khi nhắc đến tương lai của con.

Trong nụ cười ấy, anh cất giấu những kỉ niệm ít ỏi về con. Đó là mỗi lần anh gọi điện về, thấy chuông reo là bé Tin (tên gọi ở nhà của con) lại chạy tới “tranh” điện thoại với mẹ rồi bi bô hát cho bố nghe. Mặc dù chỉ là những tiếng bi bô, nhưng qua những giai điệu quen thuộc, anh biết đó chính là những giai điệu bài hát về Trường Sa mà vợ anh vẫn thường hát cho con nghe. Đó là những đêm khuya nhận được những tin nhắn của vợ khoe con đã biết lẫy, biết bò… nước mắt trào ra vì hạnh phúc nhưng anh vẫn vờ như đã ngủ để vợ được ngon giấc.

Một năm, món quà sinh nhật đầu tiên, hình trái tim được kết bằng những que tăm vẫn trên tay người lính đảo Trường Sa ấy. Lần sinh nhật đầu tiên, anh thất hẹn cùng con nhưng hàng ngày anh vẫn góp nhặt những yêu thương để kết thành trái tim ấy chờ một ngày được trở về bên con và ôm đứa con bé bỏng vào lòng.

Huệ Nguyễn