"Con người có ý thức, tư duy làm ra của cải, trụ sở chỉ là hình thức"

14/11/2015 08:52
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - TS. Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, trụ sở hoành tráng không quan trọng bằng thái độ làm việc của cán bộ nhà nước.

Liên quan đến câu chuyện một số địa phương xin xây khu trung tâm hành chính có chi phí hàng nghìn tỷ đồng, bên lề kỳ họp quốc hội đang diễn ra, TS. Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình đã có những phát biểu thẳng thắn.

Ông nghĩ gì khi ngân sách nhà nước đang rất khó khăn thì nhiều địa phương lại xin tiền xây trụ sở hành chính hàng nghìn tỷ đồng?

TS.Cao Sỹ Kiêm: Nói chung ngân sách hiện nay đang rất khó khăn. Yếu tố thu giảm đi và yếu tố chi đang tăng lên. Tăng lên chủ yếu vào khâu quản lý hành chính sự nghiệp. Theo tôi, tinh thần chung là nên hạn chế mua sắm xây dựng để giảm chi từ ngân sách ra. Đấy là chủ trương nhất quán mà các tỉnh đều phải thực hiện.

Còn riêng Hải Phòng, Khánh Hòa thì tôi chưa rõ họ nguồn lấy ở đâu, nhưng nếu xin ngân sách ở Trung ương thì theo tôi không duyệt, vì chúng ta đều biết rằng ngân sách đang vô cùng khó khăn, bội chi mà Quốc hội vừa thông qua năm 2016 đã tăng 25.000 tỷ rồi.

Nhìn ở góc độ khác thì có thể một số cơ quan ở Khánh Hòa, Hải Phòng đang sử dụng các trụ sở tiếp quản từ sau giải phóng nên cũng cần được đầu tư, sửa chữa lại cho khang trang hơn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, làm gì thì tinh thần chung cũng phải tiết kiệm và nếu làm theo hướng thu ngân sách địa phương có thể bù đắp được thì mới xem xét chứ không thể nào lấy ngân sách Trung ương ra để xây trụ sở cho hết các tỉnh được. Đi vay mà xây trụ sở thì sẽ chỉ làm cho nền kinh tế yếu đi.

TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. ảnh: Ngọc Quang.
TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. ảnh: Ngọc Quang.

Nếu địa phương nào tự chủ được ngân sách để xây trung tâm hành chính thì có triển khai không, thưa ông?

TS.Cao Sỹ Kiêm: Nếu tự chủ được ngân sách, tăng thu mà trụ sở khó khăn cho làm việc thì có thể xây mới, chứ còn ông nhằm nhằm vào ngân sách nhà nước là không được.

Tuy nhiên, ngay cả tự chủ được về ngân sách, địa phương cũng không thể vung tay quá trán, vì cái quan trọng nhất vẫn phải là đầu tư cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân. Trụ sở đẹp mà đời sống của nhân dân không nâng lên được thì xây làm gì.

Xin đưa ra một thí dụ, mới đây Khánh Hòa thực hiện chủ trương đổi đất cho doanh nghiệp để lấy trụ sở. Quan điểm của ông thế nào về cách làm này?

TS.Cao Sỹ Kiêm: Đây là biện pháp hợp lý trong khi ngân sách cả Trung ương và địa phương đều khó khăn. Tuy nhiên, tôi cũng xin lưu ý rằng, khi chủ trương được đề ra thì phải thực hiện nghiêm túc.

Tôi biết là ở một số địa phương, người ta quy hoạch cứ nói là đổi đất lấy hạ tầng, thí dụ như bán các trụ sở cũ ở trung tâm để lấy tiền xây khác. Nói là vậy thôi nhưng thực tế rất ít thực hiện. Tôi để ý một số nơi xây xong chỗ mới thì chỗ cũ họ lại bành trướng đòi chiếm, hoặc là cũng bỏ hoang xuống cấp.

Vậy theo ông, giải pháp nào giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả?

"Con người có ý thức, tư duy làm ra của cải, trụ sở chỉ là hình thức" ảnh 2

Bao giờ mới hết chuyện vung tay quá trán, ăn bám, không biết xấu hổ?

TS.Cao Sỹ Kiêm: Chúng ta nên học theo cách làm của các nước tiên tiến là giảm bớt chi phí mà tăng hiệu suất hoạt động của các trụ sở cơ quan công quyền.

Việc xây dựng trụ sở khang trang cũng là cần thiết, nhưng chúng ta phải cân đối ngân sách.

Về lâu dài thì thể làm được, nhưng trước mắt và nhất là trong lúc này nợ công đang đe dọa, bội chi ngân sách tăng lên quá xa thì tinh thần là thắt lưng buộc bụng và phải chuẩn bị trước.

Chúng ta phải lường trước và tránh tình trạng như một số quốc gia khi nợ quá lớn rồi lúng túng thì giải quyết không kịp

Nhiều ý kiến cho rằng, người dân quan tâm nhiều tới chất lượng phục vụ của cơ quan công quyền là chính chứ không phải trụ sở ở địa phương to đẹp thế nào. Ông nhận định thế nào về quan điểm này?

TS.Cao Sỹ Kiêm: Chính xác! Bây giờ dịch vụ phục vụ của bộ máy công quyền là ở nhiều nơi còn yếu, kể ý thức trách nhiệm và kể cả đạo đức. Nó dẫn tới sự trì trệ trong phát triển kinh tế xã hội.

Trong giai đoạn hội nhập tới đây chúng ta phải đối mặt với rất nhiều thách thức, vì vậy cần phải thay đổi mạnh mẽ trong quản lý và phục vụ nhân dân. Tức là nên tập trung vào thay đổi bộ máy phục vụ của các cơ quan công quyền chứ không phải xây trụ sở.

Con người là yếu tố quan trọng nhất, từ đó mới sinh ra của cải, tạo ra giá trị gia tăng bằng nâng cao năng suất, ý thức tư duy, trách nhiệm chứ còn trụ sở chỉ là hình thức thôi.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)